Toy Story (1995)
Ngày xửa ngày xưa, Walt Disney hoàn toàn thống trị ngành công nghiệp phim hoạt hình. Năm 1995, Pixar tung ra phim điện ảnh đầu tay Toy Story (Câu chuyện đồ chơi), một tác phẩm hoạt hình 3D với hình ảnh tuyệt đẹp, mang tính đột phá cao, và câu chuyện đầy hấp dẫn về thế giới đồ chơi. Với chi phí 30 triệu USD, Toy Story thu về 373,6 triệu USD và điểm số hoàn hảo 100% trên trang Rotten Tomatoes. Bộ phim không chỉ làm thay đổi bộ mặt phim hoạt hình mà còn ảnh hưởng lớn đến các ngành công nghiệp game, sản xuất chip đồ họa, nghiên cứu robot…
Toy Story 2 (1999)
Sau khi mua lại Pixar, Disney muốn sản xuất Toy Story 2 dưới dạng “thức ăn nhanh”, phát hành qua DVD. Tuy nhiên Pixar phản kháng và đầu tư mạnh 90 triệu USD để làm phần 2. Ra mắt năm 1999, phim thành công vang dội với doanh thu gần 500 triệu USD, đạt điểm số 100% trên Rotten Tomatoes. Cuộc phiêu lưu của Woody (Tom Hank), Buzz (Tim Allen) và những người bạn đồ chơi vẫn vô cùng thú vị và cảm xúc. Nhà phê bình Jay Carr của báo Boston Globe mô tả Toy Story 2 là “tất cả những gì khán giả muốn ở một phần kế tiếp”.
Toy Story 3 (2010)
Phần lớn các loạt phim nổi tiếng khi tới phần 3 thường kiệt sức, trở nên tệ hại, điển hình là The Godfather Part III, Die Hard with a Vengence, Superman III…. Nhưng Toy Story 3 phá vỡ lời nguyền đó với câu chuyện về sự kết thúc của tuổi thơ có thể chạm vào tâm hồn của bất kỳ ai. Không chỉ vậy, Toy Story 3 còn là một bộ phim hành động - phiêu lưu đầy căng thẳng và kịch tính. Đạt điểm số 99% trên Rotten Tomatoes, Toy Story 3 với khoản đầu tư 200 triệu USD đã vượt ngưỡng doanh thu 1 tỷ USD.
Finding Nemo (2003)
Sau thành công của 2 phần Toy Story và Monsters Inc., sự kỳ vọng dành cho Pixar là cực lớn. Và hãng đã không gây thất vọng với Finding Nemo, một câu chuyện cảm xúc về tình cảm gia đình trong thế giới đại dương đầy sắc màu. Finding Nemo gửi gắm thông điệp đầy ý nghĩa rằng hãy để cho trẻ em được phát triển tư duy riêng, tính cách riêng. Với điểm số 99% trên Rotten Tomatoes, bộ phim 94 triệu USD thu về tới 940 triệu USD.
Inside Out (2015)
Sau thảm họa Cars 2 và 2 tác phẩm tốt nhưng không xuất sắc là Brave và Monsters University, giới phê bình đặt câu hỏi phải chăng Pixar đã cạn kiệt ý tưởng. Tuy nhiên studio phản ứng bằng một tác phẩm đầy sáng tạo, một cuộc phiêu lưu kỳ thú của các cảm xúc trong tâm trí cô bé 11 tuổi Riley. Kể về những khó khăn trong quá trình trưởng thành, phim không chỉ thu hút trẻ em mà còn chinh phục cả khán giả lớn tuổi. Đạt điểm số 98% trên Rotten Tomatoes, Inside Out được nhà phê bình Peter Debruge của tạp chí Variety mô tả “ý tưởng vĩ đại nhất” của Pixar. Phim cũng rất thành công về thương mại với doanh thu 857 triệu USD trên kinh phí 175 triệu USD.
The Incredibles (2004)
Tác phẩm nào đứng đầu danh sách các phim siêu anh hùng hay nhất? The Dark Knight, Spider-Man 2, Logan, Ironman hay Watchmen? Với rất nhiều khán giả, câu trả lời là The Incredibles, một bộ phim siêu anh hùng vừa hài hước, vừa cảm động, vừa đầy những cảnh hành động mãn nhãn. Câu chuyện của vợ chồng Mr. Incredible - Elastic Girl cùng hai con Dash và Violet khẳng định giá trị của gia đình, tầm quan trọng của sự yêu thương, giúp đỡ, hỗ trợ từ người thân. Được chấm điểm 97% trên Rotten Tomatoes, bộ phim 92 triệu USD đem về 633 triệu USD. Phần 2 của phim sẽ ra rạp năm 2018.
Wall-E (2008)
Nối tiếp truyền thống phá vỡ giới hạn, Pixar gây chấn động với Wall-E năm 2005. Câu chuyện về robot nhặt rác cô đơn trên Trái đất hoang tàn có rất nhiều điểm đặc biệt. Gần nửa đầu phim hoàn toàn không có lời thoại, đậm chất chính trị với thông điệp lên án chủ nghĩa tiêu thụ và sự tham lam của các tập đoàn toàn cầu, đặc biệt lời cảnh báo lạnh người về sự phụ thuộc vào công nghệ. Và sau tất cả, Wall-E là câu chuyện tình mộc mạc, duyên dáng và ngọt ngào. Nhà phê bình Kirk Honeycutt của The Hollywood Reporter đánh giá Wall-E “có trái tim, tâm hồn, tinh thần và sự lãng mạn của những bộ phim câm hay nhất”. Với điểm số 96% trên Rotten Tomatoes, Wall-E được tạp chí Time xếp hạng nhất trong danh sách các phim hay nhất thập kỷ.
Ratatouille (2007)
Có lẽ chỉ có Pixar mới có thể sáng tạo ra một bộ phim kể về một chú chuột - loài sinh vật đáng ghét đối với con người - quyết tâm thực hiện giấc mơ trở thành đầu bếp. Nhà phê bình A. O. Scott của báo New York Times ca ngợi nồng nhiệt: “Một tác phẩm nghệ thuật gần như hoàn hảo”. Peter Travers của Rolling Stone mô tả đó là “một kỳ quan đầy hài hước và cảm động”. Dễ hiểu là điểm số của Ratatouille trên Rotten Tomatoes lên đến 96%. Kết quả thương mại của phim cũng rất đáng nể: 621 triệu USD.
Monsters, Inc. (2001)
Là tác phẩm điện ảnh thứ tư của Pixar, Monsters, Inc. vẽ ra một thế giới nơi tiếng thét của trẻ em là nguồn năng lượng giúp thành phố Monstropolis của những con quái vật vận hành. Một ngày, sự hỗn loạn xảy ra khi hai quái vật Sulley và Mike để một cô bé đi lạc vào văn phòng của họ. Giới phê bình đánh giá phim rất hài hước, hấp dẫn, thu hút cả trẻ em lẫn người lớn. Chuyên gia Elvis Mitchell của New York Times ca ngợi việc Monsters, Inc. sử dụng hiệu quả “năng lượng tích cực”. Tương tự Ratatouille, phim có điểm số 96% trên Rotten Tomatoes và đem về 577 triệu USD.
Coco (2017)
Tác phẩm mới nhất của Pixar - ra rạp tại Việt Nam trong tuần này - kể câu chuyện cậu bé Miguel ở Mexico rất đam mê âm nhạc, mơ trở thành một nghệ sĩ vĩ đại như thần tượng Ernesto de la Cruz, nhưng bị gia đình cấm đoán. Quyết tâm theo đuổi giấc mơ, cậu tình cờ lạc vào Vùng đất của người chết. Giới phê bình đánh giá Coco là một trong những tác phẩm có phần hình ảnh đẹp nhất của Pixar, đồng thời gửi gắm những thông điệp sâu sắc như tình cảm gia đình, giá trị của văn hóa, truyền thống, những băn khoăn về cuộc sống và cái chết. Có điểm số 96% trên Rotten Tomatoes, Coco được dự báo sẽ lại là một thành công rực rỡ của Pixar.
Theo Tri Thức trực tuyến