Theo Báo Thanh Niên đưa tin, thầy Nguyễn Văn Hiếu, Phó giám đốc Sở GD&ĐT TP.Hồ Chí Minh thông tin rằng năm 2016, Bộ GD&ĐT có văn bản đồng ý cho NXB Giáo dục Việt Nam phối hợp với Sở GD&ĐT TP.Hồ Chí Minh biên soạn bộ SGK theo Nghị quyết 88 của Quốc hội về Đổi mới chương trình SGK giáo dục phổ thông nhằm tạo chuyển biến căn bản, toàn diện về chất lượng và hiệu quả giáo dục phổ thông.
Các giai đoạn thay đổi chương trình sách giáo khoa
Trong đó, Sở đóng vai trò hỗ trợ, định hướng chuyên môn, mời và tập hợp các thành viên hội đồng biên soạn; còn NXB thực hiện các công đoạn như biên tập, trình Bộ thẩm định.
Từ đó đến nay, 2 đơn vị đã tập huấn đội ngũ tham gia công tác biên soạn với tinh thần viết không theo cách cũ. Đội ngũ biên soạn sẽ viết lại một số nội dung của chương trình hiện hành nhưng theo định hướng mới.
Cụ thể, cấu trúc sẽ không theo dạng bài, chương cung cấp kiến thức mà thực hiện theo các chủ đề, các hoạt động có tính chất dẫn dắt học sinh (HS) hướng từ hoạt động thực tiễn rồi đúc kết kinh nghiệm, thảo luận nhóm với nhau và giáo viên (GV) can thiệp, hỗ trợ lĩnh hội kiến thức. Những bài viết thử sẽ được thử nghiệm ở một số trường phổ thông để rút kinh nghiệm. Cùng với kinh nghiệm đã biên soạn các bộ tài liệu trước đây, khi Bộ công bố chương trình khung và chương trình chi tiết của từng môn thì đội ngũ viết sách sẽ bắt tay vào thực hiện ngay theo tinh thần đổi mới.
Tài liệu dạy học môn toán lớp 9 do Sở GD&ĐT TP.Hồ Chí Minh biên soạn trình bày đẹp, bắt mắt
Theo đó, thầy Lê Hồng Sơn - Giám đốc Sở giáo dục và đào tạo TP.Hồ Chí Minh khẳng định, bộ sách giáo khoa mới phải khắc phục được những tồn tại, thiếu sót của bộ sách giáo khoa hiện hành và tiếp cận được với xu hướng giáo dục của các nước tiên tiến trên thế giới: cơ bản, tinh giản về mặt kiến thức nhưng lại đảm bảo tính hiện đại và thực tiễn. Bộ sách không chỉ dạy cho học sinh các kiến thức cơ bản mà còn phải giúp các em cách học, cách tìm kiếm, xây dựng, hệ thống kiến thức, rèn luyện năng lực tự học, năng lực về công nghệ thông tin, năng lực vận dụng kiến thức vào giải quyết những vấn đề của cuộc sống. Bên cạnh đó, việc dạy chữ để dạy người cũng sẽ được đặt ra trong quá trình biên soạn nhằm hình thành nhân cách sống tốt, phù hợp cho học sinh ngay từ những năm đầu của bậc phổ thông; qua đó, góp phần phát triển toàn diện cả về phẩm chất và năng lực, hài hòa đức, trí, thể, mỹ và phát huy tốt nhất tiềm năng của mỗi học sinh.
(Ảnh minh họa)
Bộ sách giáo khoa mới sẽ đưa vào nhiều hơn những nội dung sát hợp với đặc thù riêng của thành phố về lịch sử, địa lý, văn hóa, con người, kinh tế,… hướng đến xây dựng một thế hệ công dân của thành phố có năng lực, trình độ, phẩm chất, hoài bão… đáp ứng yêu cầu về nguồn nhân lực của thành phố trong tương lai.
Định hướng giáo dục địa phương cũng sẽ được thực hiện thông qua việc soạn thảo và giảng dạy các chủ đề tích hợp ở các bộ môn và sách giáo khoa lịch sử TP.Hồ Chí Minh.
Sách giáo khoa mới từng bộ môn sẽ thực hiện theo cấu trúc: ngoài các chủ đề dạy học bộ môn còn có các chủ đề dạy học tích hợp gắn với thực tiễn cuộc sống, gắn với TP.Hồ Chí Minh và các tỉnh thành khu vực phía Nam.
Hoạt động giáo dục địa phương được thực hiện bằng nhiều hình thức đa dạng: giảng dạy bằng sách giáo khoa lịch sử TP.Hồ Chí Minh lịch sử Đảng bộ Sài Gòn Gia Định – TP.Hồ Chí Minh, bằng các chủ đề dạy học trong nhà trường và bằng các hoạt động trải nghiệm thực tiễn ngoài nhà trường.
Tài liệu dạy - học Vật lý, một dạng SGK riêng của TP.Hồ Chí Minh được sử dụng trong các trường phổ thông tại TP nhiều năm nay
Để đảm bảo tính khả thi, thầy Nguyễn Văn Hiếu cho biết dự kiến năm học 2019 - 2020 sẽ thí điểm, vận dụng những nội dung biên soạn theo chương trình giáo dục phổ thông mới mà Bộ ban hành ở quy mô hẹp và tiếp tục hoàn thiện trình Bộ thẩm định để chính thức áp dụng đại trà vào năm 2020.
Vào năm học 2018 - 2019, các phòng chuyên môn sẽ đẩy mạnh công tác tập huấn cho GV phương pháp dạy học tích cực để đáp ứng mục tiêu của chương trình mới. Sau khi Bộ phê duyệt, Sở sẽ tổ chức tập huấn đại trà cho GV một lần nữa để đảm bảo nắm bắt đầy đủ phương pháp tiếp cận nội dung chương trình.
Theo thầy Hiếu, việc lựa chọn, sử dụng bộ sách nào cho HS sẽ do GV, tổ bộ môn và nhà trường quyết định. Ngoài ra, nếu địa phương nào nhận thấy phù hợp thì có thể lựa chọn SGK của TP.Hồ Chí Minh cho HS của địa phương mình sử dụng.
Thầy Hiếu cho rằng khi đưa vào thực hiện nội dung chương trình và bộ sách mới thì Bộ cần đổi mới về nội dung và hình thức của kỳ thi THPT quốc gia. Bộ có thể giao toàn bộ quá trình tổ chức thi tốt nghiệp THPT cho các tỉnh, thành có đủ điều kiện thực hiện bởi mỗi vùng miền có điều kiện học tập khác nhau nên hình thức kiểm tra đánh giá cần sự tương thích.
Ngọc Hiệp (Tổng hợp)