Việt Nam có hơn 1,3 triệu trẻ em làm công việc nguy hiểm, độc hại?

Đinh Mai
Đây là con số đáng báo động được đưa ra tại diễn đàn “Vận động chính sách và giải pháp phòng ngừa lao động trẻ em” với chủ đề: Vì một Thế hệ An toàn và Khoẻ mạnh diễn ra tại thủ đô Hà Nội ngày 25/6.

Toạ đàm các giải pháp phòng ngừa lao động trẻ em diễn ra ngày 25/6, với sự tham gia của: Trưởng phòng Bảo vệ trẻ em UNICEF Lê Hồng Loan; Phó Tổng Thư ký Phòng Thương mại và Công nghiệp Việt Nam Trần Thị Lan Anh; Phó Cục trưởng Cục An toàn lao động Bùi Đức Nhưỡng; Đại diện Cục quản lý môi trường y tế - Bộ Y tế Phạm Xuân Thành... 

Chương trình do Cục Trẻ em, Bộ Lao động – Thương binh và Xã hội tổ chức, nhằm thực hiện Quyết định số 1023/QĐ-TTg ngày 7/6/2016 của Thủ tướng Chính phủ Việt Nam, phê duyệt Chương trình phòng, ngừa, giảm thiểu lao động trẻ em giai đoạn 2016-2020; Quyết định số 1599/QĐ-LĐTBXH ngày 30/10/2015 của Bộ trưởng Bộ Lao động-Thương binh và Xã hội về việc phê duyệt nội dung văn kiện dự án “Hỗ trợ kỹ thuật nâng cao năng lực Quốc gia phòng ngừa và giảm thiểu lao động trẻ em ở Việt Nam”, đồng thời hưởng ứng Ngày Thế giới phòng, chống lao động trẻ em năm 2018 với chủ đề “Vì một Thế hệ An toàn và Khoẻ mạnh”.

Tham dự diễn đàn có Thứ trưởng Bộ Lao động – Thương binh và Xã hội Nguyễn Thị Hà; Giám đốc Tổ chức Lao động quốc tế (ILO) Việt Nam Chang Hee Lee; Quyền phó Đại sứ - Đại sứ quán Hoa Kỳ tại Việt Nam Michael Greene; Cố vấn trưởng dự án ENHANCE Ogasawarra Minoru; Trưởng phòng Bảo vệ trẻ em UNICEF Lê Hồng Loan; Cục trưởng Cục trẻ em – Bộ Lao động – Thương binh và Xã hội Đặng Hoa Nam... và nhiều chuyên gia khác.

Theo nghiên cứu của Quỹ Nhi đồng Liên hợp quốc (UNICEF) và Bộ Lao động-Thương binh và Xã hội nước ta, hiện nay, trẻ em ngoài nhà trường có nguy cơ phải lao động sớm rất cao. Toàn thế giới, có tới hơn 152 triệu lao động trẻ em và đáng quan ngại hơn, một nửa trong số này (73 triệu trẻ em) đang tham gia vào các công việc nặng, nguy hiểm, độc hại.

Thống kê của ILO cho thấy: Cứ mỗi ngày, trên thế giới có 45 triệu trẻ em trai và 28 triệu trẻ em gái làm việc trong điều kiện khong an toàn và sử dụng công cụ lao động nguy hiểm. Trẻ em tham gia các công việc nguy hiểm và độc hại thường làm việc trong các lĩnh vực, khu vực như: nông nghiệp, hầm mỏ, công trường xây dựng, nhà máy, công xưởng, hoặc làm việc trong thời gian dài trên đường phố, trong nhà hàng, quán ăn hoặc các hộ gia đình.

Cục trưởng Cục Trẻ em - Bộ Lao động - Thương binh và Xã hội Đặng Hoa Nam phát biểu tại diễn đàn

Điều đáng nói, trẻ em chính là những đối tượng dễ bị tổn thương trước các nguy cơ trong lao động hơn người trưởng thành, diễn đàn chỉ rõ, đồng thời nhấn mạnh: “Chúng ta cần hành động khẩn cấp để đảm bảo rằng không trẻ em nào dưới 18 tuổi tham gia vào các lao động trẻ em nguy hiểm, độc hại”, theo Giám đốc ILO Guy Ryder nhân Ngày Thế giới Chống Lao động trẻ em 2018.

Tại diễn đàn, cô Lê Hồng Loan, Trưởng phòng Bảo vệ trẻ em (UNICEF), một nghiên cứu do Tổ chức Lao động Quốc tế tìm hiểu về những đặc điểm kinh tế của trẻ em tham gia lao động ở Việt Nam đã phát hiện ra rằng trẻ em đóng vai trò quan trọng trong việc sản xuất của hộ gia đình do tình hình kinh tế khó khăn hoặc thiếu lực lượng lao động.

“Tại Việt Nam, những cú sốc, đặc biệt là mùa màng thất bát, tác động to lớn đến việc học hành của trẻ. Những hộ gia đình này cắt giảm chi tiêu cho giáo dục, giảm thời gian học hành và tăng tỷ lệ trẻ em bỏ học để lao động,” cô Lê Hồng Loan nói.

Trong khi đó, Giám đốc ILO Việt Nam Chang Hee Lee cho rằng, lao động trẻ em chủ yếu tồn tại ở khu vực kinh tế nông thôn và phi chính thức nên có thể khó phát hiện. Phòng chống lao động trẻ em đòi hỏi cần có các chính sách đồng bộ để hỗ trợ pháp luật quốc gia về lao động trẻ em. Nền giáo dục với chất lượng tốt, bảo trợ xã hội và việc làm bền vững cho cha mẹ là các biện pháp để phòng ngừa lao động trẻ em.

Tại Việt Nam, kết quả Điều tra quốc gia về lao động trẻ em cho thấy, hiện có khoảng 1,75 triệu lao động trẻ em. Lao động trẻ em tồn tại đặc biệt trong khu vực kinh tế phi chính thức, trong số đó có đến 34% các em làm việc kéo dài trên 42 giờ/tuần. 

Còn theo thống kê của dự án ENHANCE, Việt Nam có tới 1.315.406 trẻ em có nguy cơ tham gia công việc nguy hiểm, độc hại, trong đó, tỉ lệ theo nhóm tuổi lần lượt như sau: Từ 5-11 tuổi chiếm 9,7%; từ 12-14 tuổi chiếm 29,3% và từ 15-17 tuổi là 61%. 

Cố vấn trưởng Dự án ENHANCE Ogasawara Minoru trình bày tại buổi toạ đàm

Cố vấn trưởng Dự án ENHANCE (Dự án Hỗ trợ kỹ thuật nâng cao năng lực quốc gia Phòng ngừa và Giảm thiểu Lao động trẻ em tại Việt Nam) chỉ rõ, theo khuyến nghị số 190, lao động trẻ em độc hại bao gồm những công việc trong môi trường có hại cho sức khoẻ, ví dụ như phải tiếp xúc với các chất là tác nhân hay chu trình độc hại, tiếng ồn, nhiệt độ hay độ rung làm tổn hại đến sức khoẻ trẻ em. Ngoài ra, Luật Lao động 2012 (Điều 165-2 và 163-4) nêu rõ: Lao động trẻ em nguy hiểm là trong các điều kiện như: “Dưới nước, dưới lòng đất, trong hang động, trong đường hầm; Công trường xây dựng; Cơ sở giết mổ gia súc; Sòng bạc, quán bar, vũ trường, phòng hát karaoke, khách sạn, nhà nghỉ, phòng tắm hơi,…”. Diễn đàn chỉ rõ những nguyên nhân dẫn đến việc nhiều trẻ em phải tham gia lao động sớm, thậm chí là lao động chính của gia đình, trong đó tác nhân chủ yếu là do hoàn cảnh gia đình khó khăn, đói nghèo, nhận thức, thái độ của cha mẹ và chuẩn mực xã hội, dịch vụ, chính sách…v.v

Thứ trưởng Bộ Lao động-Thương binh và Xã hội Nguyễn Thị Hà cho biết, Việt Nam đã có các quy định của luật pháp và triển khai nhiều giải pháp phòng ngừa lao động trẻ em, đang nỗ lực thực hiện mục tiêu phát triển bền vững mà Việt Nam đã cam kết, trong đó có mục tiêu 8.7 về xoá bỏ cưỡng bức lao động, chấm dứt chế độ nô lệ hiện đại, mua bán người và xóa bỏ các hình thức lao động trẻ em nặng nhọc, nguy hiểm nhất. 

“Để giải quyết vấn đề lao động trẻ em, đặc biệt là bảo vệ các em khỏi các hình thức lao động nặng nhọc, độc hại, nguy hiểm, chúng ta cần có sự tham gia tích cực, sự liên kết, phối hợp chặt chẽ của tất cả các đối tác trong xã hội, các cơ quan nhà nước, doanh nghiệp, công đoàn, các tổ chức xã hội, gia đình và cộng đồng,” Thứ trưởng Nguyễn Thị Hà nhấn mạnh.

Diễn đàn đề xuất các biện pháp và hướng tiếp cận nhằm giải quyết tình trạng lao động trẻ em như: Về Giáo dục: Cải thiện chất lượng giáo dục, tạo môi trường học tập thân thiện, an toàn, hình thức giáo dục linh hoạt nhằm giảm tỷ lệ bỏ học; Về bảo trợ, phúc lợi xã hội: Cần can thiệp vào nguyên nhân chính như đói nghèo, cụ thể là trợ cấp tiền mặt; Về phát triển Công tác xã hội: Cần phát triển công tác xã hội về bảo vệ trẻ em, phát triển công tác xã hội trong hệ thống phúc lợi xã hội, y tế, giáo dục, tư pháp và học tập kinh nghiệm từ các quốc gia có công tác xã hội phát triển; Tăng cường hơn nữa các khung pháp luật và chính sách liên quan tới vấn đề này. 

Diễn đàn cũng kêu gọi không chỉ các cơ quan chức năng, bộ ban ngành và đoàn thể, mà tất cả mọi người hãy cùng chung tay vào chiến dịch xây dựng một thế hệ người lao động an toàn và khoẻ mạnh, thông qua xoá bỏ lao động trẻ em và đảm bảo sức khoẻ cho người lao động. 

Bài và ảnh: Hương Mai

 

Đọc báo điện tử Thiếu niên Tiền phong và Nhi đồng nhanh chóng, thuận tiện và an toàn hơn trên các thiết bị di động với Ứng dụng TNTP&NĐ Online

Tải ngay ứng dụng TNTP&NĐ Online TẠI ĐÂY

Bạn đang đọc bài viết Việt Nam có hơn 1,3 triệu trẻ em làm công việc nguy hiểm, độc hại? tại chuyên mục Sự kiện của Báo Thiếu niên Tiền phong và Nhi đồng. Mọi thông tin góp ý và chia sẻ, xin vui lòng gửi về hòm thư banbientap@thieunien.vn.

Bài liên quan

Bài Sự kiện khác

Học trò đất Tổ đọ tài nét hoa

Mới đây, tại trường tiểu học Đinh Tiên Hoàng (thành phố Việt Trì, tỉnh Phú Thọ), Báo Thiếu niên Tiền phong và Nhi đồng (TNTP&NĐ) đã tổ chức Lễ phát động Ngày hội Trạng Nguyên nhỏ tuổi lần thứ XXII, Viết chữ đẹp “Nét chữ - Nết người” toàn quốc - Bảng vàng ghi danh lần thứ IV và ngày hội Viết chữ đẹp tỉnh Phú Thọ, năm học 2023-2024.

Diễn đàn quốc gia về thanh niên xung phong, thanh niên tình nguyện

Ngày 5/4 tới, Trung ương Đoàn, Ủy ban quốc gia về thanh niên Việt Nam cùng với Ủy ban Văn hóa, Giáo dục của Quốc hội, Hội Cựu thanh niên xung phong Việt Nam phối hợp tổ chức Diễn đàn chính sách quốc gia với chủ đề “Chính sách đối với thanh niên xung phong, thanh niên tình nguyện”.