ICHO là kỳ thi có quy mô lớn và uy tín nhất thế giới dành cho học sinh THPT trong lĩnh vực Hóa học, được tổ chức thường niên. Năm nay, ICHO quy tụ 354 thí sinh đến từ 90 quốc gia và vùng lãnh thổ, diễn ra từ ngày 5 đến 14/7/2025.
Đội tuyển quốc gia Việt Nam tham dự kỳ thi năm nay với 4 thành viên, đều là những học sinh xuất sắc đến từ các trường THPT chuyên hàng đầu cả nước. Kết quả cụ thể: Ngô Quang Minh (lớp 12, trường THPT Chuyên Bắc Ninh, tỉnh Bắc Ninh): xếp hạng 7; Nguyễn Hoàng Khôi (lớp 12, trường THPT chuyên Sư phạm, trường Đại học Sư phạm Hà Nội: xếp hạng 10; Giang Đức Dũng (lớp 12, trường THPT Chuyên Khoa học Tự nhiên, ĐHQG Hà Nội): xếp hạng 14; Nguyễn Mạnh Tuấn (lớp 11, Trường THPT Chuyên Hà Nội - Amsterdam: xếp hạng 37.

Với kết quả này, đoàn Việt Nam xếp đồng hạng với Trung Quốc và Mỹ, hai cường quốc giáo dục về số lượng Huy chương Vàng. Đây là lần đầu tiên trong lịch sử, đội tuyển Việt Nam giành trọn 4 Huy chương Vàng tại một kỳ thi ICHO tổ chức trực tiếp.
Kết quả năm nay tiếp tục nối dài chuỗi thành tích ấn tượng của Việt Nam tại Olympic Hóa học Quốc tế. Từ năm 2020 đến nay, Việt Nam đã cử tổng cộng 24 lượt thí sinh tham dự ICHO và xuất sắc giành 24/24 huy chương, trong đó có 21 Huy chương Vàng và 3 Huy chương Bạc, một tỷ lệ tuyệt đối hiếm thấy trên thế giới.
Thành công này không chỉ là thành quả của nỗ lực không ngừng của học sinh và thầy cô giáo, mà còn là minh chứng cho hướng đi đúng đắn của Bộ Giáo dục và Đào tạo trong công tác phát hiện, tuyển chọn và bồi dưỡng học sinh giỏi. Đồng thời, khẳng định chất lượng giáo dục mũi nhọn của Việt Nam bên cạnh nền giáo dục đại trà.
Olympic Hóa học Quốc tế gồm hai bài thi: lý thuyết và thực hành, mỗi bài kéo dài 5 giờ liên tục.
Bài thi thực hành yêu cầu thí sinh thể hiện kỹ năng phòng thí nghiệm thành thạo như tổng hợp và phân tích phức chất, xác định amino acid, nhận biết hợp chất hữu cơ bằng kỹ thuật sắc ký bản mỏng, chuẩn độ và đo phổ UV-Vis. Đây là phần thi đặc biệt yêu cầu độ chính xác cao, tư duy logic và sự thuần thục trong thao tác.
Bài thi lý thuyết mang tính ứng dụng cao, đề cập đến các vấn đề môi trường và công nghệ hiện đại như: khử mặn nước biển, năng lượng mặt trời, cấu tạo bóng tennis, đèn lồng… Đề thi được đánh giá là sáng tạo, gần gũi với đời sống nhưng vẫn giữ độ khó và chiều sâu về kiến thức khoa học.