Nhà giàn DK1/2 Phúc Tần

Vững vàng nơi đầu sóng

Hà Lê
34 năm trước, những con tàu đơn sơ vượt sóng vượt gió tìm "đất" xây nhà giàn trên biển nhằm bảo vệ khu vực bãi ngầm trong thềm lục địa phía Nam. Để rồi từ đó đến nay, các nhà giàn mang ký hiệu DK1 theo nhau cắm chân giữa trùng khơi, như những cột mốc vững chắc canh giữ thềm lục địa phía Nam của Tổ quốc.

Hành trình tuổi trẻ vì biển, đảo quê hương năm 2023 mang thông điệp Tuổi trẻ đồng hành vì Trường Sa xanh của Đoàn công tác số 10 do Chuẩn Đô đốc Phạm Văn Quang, Phó Chủ nhiệm chính trị Hải quân làm Trưởng đoàn công tác và anh Nguyễn Tường Lâm, Bí thư Trung ương Đoàn, Phó Chủ nhiệm thường trực Ủy ban quốc gia về Thanh niên Việt Nam làm Phó đoàn công tác đã có chuyến thăm quân, dân huyện đảo Trường Sa và Nhà giàn DK1/2 Phúc Tần (Tiểu đoàn DK1, Vùng 2 Hải quân).

Con mắt biển canh giữ chủ quyền

“Nhà chòi”, “chuồng bồ câu” là những từ truyền miệng của ngư dân khi nói về nhà giàn DK1/2 Phúc Tần những năm đầu tiên. Đó là bởi sự nhỏ bé của nhà giàn so với biển cả mênh mông. Khác với các điểm đóng quân tại các đảo nổi hay đảo chìm, nhà giàn được xây dựng cao hơn 30m so với mực nước biển, độ sâu từ chân nhà giàn trên mặt biển tới đáy san hô chừng 20-25m. Hệ thống cọc móng cắm sâu từ bề mặt đáy san hô xuống 30-40m nữa để giữ vững cho nhà giàn. Lúc sóng yên biển lặng, việc tiếp cận nhà giàn cũng rất khó khăn do dòng hải lưu hoạt động mạnh.

Nhìn từ xa, nhà giàn DK1/2 Phúc Tần như một chấm nhỏ trên biển mênh mông, bốn bề sóng nước. Tuy đóng quân ở địa điểm cách rất xa đất liền, trong điều kiện thời tiết, khí hậu hết sức khắc nghiệt; song tập thể cán bộ, chiến sĩ nhà giàn DK1/2 Phúc Tần luôn đoàn kết vượt qua mọi khó khăn, vất vả, thiếu thốn và cả những hiểm nguy để vươn lên hoàn thành xuất sắc nhiệm vụ, bảo vệ vững chắc chủ quyền biển đảo thiêng liêng của Tổ quốc.

Mỗi nhà giàn là một “thành đồng” trên biển

Vượt hàng nghìn hải lý dưới cái nắng tháng Năm như đổ lửa, chuyến tàu mang ký hiệu KN390 (thuộc Chi đội Kiểm ngư số 3) đã đưa hơn 200 đại biểu của Đoàn công tác số 10 ra thăm, động viên và tặng quà nhiều điểm đảo thuộc quần đảo Trường Sa và đặc biệt là nhà giàn DK1/2 Phúc Tần ở thềm lục địa phía Nam.

Các đại biểu chụp hình lưu niệm tại Nhà giàn DK1/2 Phúc Tần
Các đại biểu chụp hình lưu niệm tại Nhà giàn DK1/2 Phúc Tần

Từ sớm bình minh, không ai rủ ai nhưng rất đông đại biểu đã có mặt ở boong tàu để được cùng chiến sĩ trên nhà giàn DK1/2 Phúc Tần đón ánh nắng hội ngộ đầu tiên. Mới 6 giờ sáng mà đã nắng trắng mặt. Nhưng nắng to thì biển lặng, giúp những chiếc xuồng chở đại biểu rời tàu KN390 thuận lợi “bay” trên đầu ngọn sóng và lao vun vút tới nhà giàn. Càng lại gần, vẻ đẹp kiêu hùng, vững chãi của nhà giàn hiện dần lên thật rõ nét và hùng vĩ.

Tiếp cận với cuộc sống của người lính trên nhà giàn là một thử thách đối với những người sợ độ cao. Bởi muốn lên được khu vực sinh hoạt của các chiến sĩ, chúng tôi phải chinh phục những bậc thang thẳng đứng và cao hơn 30m so với mặt nước biển. Ngước lên tầng cao, tôi kịp thấy có rất nhiều gương mặt cán bộ, chiến sĩ nhà giàn chào đón bằng nụ cười tươi rói. Đối với họ, tình cảm nồng ấm của người từ đất liền ra là món quà lớn nhất. Mỗi chuyến tàu tới gần với nhà giàn nghĩa là đất liền đang ở rất gần với họ.

Đặt chân lên nhà giàn, điều ấn tượng đối với các vị khách là không gian làm việc và sinh hoạt của chiến sĩ dù chỉ gói gọn trong mấy chục mét vuông, song được bố trí ngăn nắp, gọn gàng và đặc biệt sạch sẽ. Phòng sinh hoạt chung ấm cúng với bàn thờ, ảnh và tượng Bác trang nghiêm. Một góc phòng dùng làm nơi giáo dục truyền thống với các bài viết giới thiệu lịch sử nhà giàn, sự hy sinh anh dũng của các cán bộ, chiến sĩ và truyền thống lực lượng Hải quân anh hùng.

Thăm nhà giàn, chúng tôi bắt gặp những hình ảnh quá đỗi đời thường và bình dị. Đó là khu vực chiến sĩ tăng gia xanh mát mắt với những chậu rau cải, rau muống, rau diếp cá, dây mồng tơi non mướt; là những lồng chim chào mào được mang từ đất liền ra; là sổ tay chép bài hát cùng cây đàn ghi-ta của anh lính trẻ. Chính những hình ảnh gần gũi, thân thương ấy đã khiến cho chúng tôi vô cùng xúc động và cảm phục trước tinh thần mạnh mẽ, lạc quan, yêu đời của chiến sĩ trên nhà giàn. Chương trình liên hoan văn nghệ theo phong cách “ngồi bệt” đã nhanh chóng được tổ chức vui rộn rã. Tất cả các nghệ sĩ, chiến sĩ, ca sĩ, đại biểu đã cùng khoác vai nhau, vỗ tay, hòa nhịp ca vang lời hát: "Ngày qua ngày, đêm qua đêm. Chúng tôi đứng đây gìn giữ quê hương…".

Giao lưu văn nghệ với chiến sĩ nhà giàn theo phong cách “ngồi bệt” được tổ chức vui rộn rã
Giao lưu văn nghệ với chiến sĩ nhà giàn theo phong cách “ngồi bệt” được tổ chức vui rộn rã

Những thanh âm ngập tràn sức sống của người nghệ sĩ và chiến sĩ trên nhà giàn ở giữa đại dương tràn đầy sóng gió như làm vợi đi phần nào nỗi nhớ nhà, nhớ đất liền của người lính Hải quân. Khi trò chuyện, tôi biết có những anh 8 - 9 tháng chưa được gặp người thân, nhưng vẫn vui vẻ cùng đồng đội bám biển, bám nhà giàn và hoàn thành tốt nhiệm vụ được giao. Với các anh, hiểm nguy, gian khó chỉ là thử thách tôi luyện thêm ý chí, quyết tâm. Gặp chúng tôi, các anh mải mê chia sẻ về những cách giúp người dân vươn khơi bám biển, về khát vọng dấn thân và cống hiến để bảo vệ vững chắc chủ quyền biển, đảo quê hương.

Đất liền yêu Trường Sa - Trường Sa yêu đất liền

Tạm biệt nhà giàn quay về tàu, một lần nữa không ai rủ ai nhưng toàn bộ đại biểu đã có mặt ở boong tàu để vẫy tay chào chiến sĩ nhà giàn DK1/2 Phúc Tần. Và dù trên gương mặt nhiều người đang còn đẫm nước mắt, song tất cả đều đồng thanh thật to: “Đất liền yêu Trường Sa”. Lời đáp lập tức dội lại vang dồn: "Trường Sa yêu đất liền"...

Rồi khi tàu đã rời đi, chúng tôi vẫn dõi nhìn hình ảnh nhà giàn DK1/2 sừng sững giữa đại dương. Dòng chữ “Nước Cộng hòa Xã hội chủ nghĩa Việt Nam” trên nóc nhà giàn như khắc vào tâm trí. Cuộc gặp gỡ, giao lưu và thăm hỏi chỉ vẻn vẹn trong khoảng hơn một giờ đồng hồ, nhưng đã khơi lên trong lòng mỗi người một “đốm lửa” cảm xúc mãnh liệt.

Trong nhiều năm qua, những người chiến sĩ nhà giàn luôn phải đối mặt với sóng gió, gian nan. Song, bão tố có thể bẻ cong sắt thép nhà giàn chứ không thể làm giảm ý chí của người lính nhà giàn. Nhà giàn DK1/2 và các nhà giàn đang hiện diện kiên cường giữa biển khơi sóng gió, chính là biểu tượng của những bức “thành đồng” vững chắc, nhắc nhở mỗi chúng ta về tình yêu và trách nhiệm đối với biển, đảo thiêng liêng của Tổ quốc.

Còn nhiều bài viết hay, hấp dẫn, các câu chuyện thú vị đang chờ đón bạn khám phá tại ấn phẩm Chăm học. Nếu bạn quan tâm có thể mua báo và đọc trực tuyến tại cửa hàng trực tuyến của Báo Thiếu niên Tiền phong và Nhi đồng nhé!

Các bạn học sinh thân mến, cuộc thi Trạng nguyên nhỏ tuổi đã bước vào lần thứ 22. Các bạn hãy tham dự cuộc thi để cùng đua tài với các bạn học sinh trên toàn quốc nhé!

- Đặt mua bộ đề Trạng nguyên nhỏ tuổi 2023 - 2024 tại đây

- Đặt mua bộ đề Trạng nguyên tiếng Anh 2023 - 2024 tại đây

 

Đọc báo điện tử Thiếu niên Tiền phong và Nhi đồng nhanh chóng, thuận tiện và an toàn hơn trên các thiết bị di động với Ứng dụng TNTP&NĐ Online

Tải ngay ứng dụng TNTP&NĐ Online TẠI ĐÂY

Bạn đang đọc bài viết Vững vàng nơi đầu sóng tại chuyên mục Phóng Viên Nhỏ của Báo Thiếu niên Tiền phong và Nhi đồng. Mọi thông tin góp ý và chia sẻ, xin vui lòng gửi về hòm thư banbientap@thieunien.vn.

Bài liên quan

Bài Phóng Viên Nhỏ khác

Giới thiệu ẩm thực quê hương

Với mong muốn quảng bá văn hóa ẩm thực của đồng bào dân tộc Tây Nguyên, thầy Phan Vũ Nguyên cùng nhóm học sinh lớp 10 trường THCS&THPT Đông Du (TP. Buôn Ma Thuột, tỉnh Đắk Lắk) đã triển khai dự án “Sản xuất muối đồng bào vùng Tây Nguyên- Muối Amrêč”

Cô Tổng - Người vun đắp phong trào

Trong tâm trí của nhiều thế hệ học sinh, cô là người nghiêm khắc, luôn giữ nét mặt uy nghiêm; học sinh chỉ nghe tiếng bước chân của cô phía ngoài hành lang là cả lớp đã phải ngồi im không ai dám làm sai quy định.

Số hóa di tích lịch sử cơ quan Trung ương Đoàn

Đoàn xã Minh Thanh (huyện Sơn Dương, Tuyên Quang) vừa thực hiện số hóa các di tích Trụ sở Trung ương Đoàn Thanh niên cứu quốc Việt Nam (nay là Đoàn TNCS Hồ Chí Minh) và báo Tiền Phong - Thiếu niên (nay là báo Tiền Phong, báo Thiếu niên Tiền phong và Nhi đồng).