Xuân về vui Hội làng Đống Ba

TP
Đã thành thông lệ, nhằm ngày 10/2 đến 12 tháng 2 âm lịch hàng năm, Làng Đống Ba thuộc phường Thượng Cát, quận Bắc Từ Liêm, Hà Nội lại tưng bừng mở hội. Sự kiện văn hóa tâm linh đặc sắc này thu hút hàng nghìn du khách thập phương đến tham dự.

Nét đẹp văn hóa được gìn giữ qua nhiều thế hệ

Theo sử sách, hội làng đã có từ xa xưa và tiêu biểu cho tín ngưỡng phồn thực được bảo lưu từ thời thượng cổ. Hội làng mang tính cộng đồng sâu sắc, đó là đỉnh cao của sự hòa hợp, đoàn kết vì một ước nguyện chung cho sự phồn vinh của làng xã. Hội làng Đống Ba thường được tổ chức thật vui, thật đầm ấm tình làng nghĩa xóm, điều đó thể hiện qua một loạt những hoạt động như: thi làm cổng chào giữa các xóm, thi hát giao duyên, kéo co…

Hội làng Đống Ba đã được gìn giữ qua nhiều thế hệ
Hội làng Đống Ba đã được gìn giữ qua nhiều thế hệ

Lễ hội thường diễn ra ở ngôi đình làng. Hội có quy mô lớn, nội dung phong phú, tổ chức quy củ chặt chẽ, kết hợp được với truyền thống và hiện đại với mục tiêu phấn đấu là lễ hội có tầm cao của "làng văn hóa, xã anh hùng".

Hội làng xưa được tổ chức từ ngày 9 đến 12/3 âm lịch, sau này được tổ chức từ ngày 9 đến 12/2 âm lịch. Hòa mình vào không khí hội làng mới cảm nhận hết ý nghĩa và lòng tự hào dân tộc với truyền thống vàng son đã có từ ngàn đời. Hội được tổ chức với mục đích tri ân vị thành hoàng và 2 vị công chúa của làng Đống Ba đã góp sức trong công cuộc giành độc lập dân tộc thời Hai Bà Trưng. Cũng như các lễ hội truyền thống, hội làng Đống Ba gồm 2 phần: Lễ và Hội.

Hội làng được tổ chức nhằm tưởng nhớ vị thành hoàng và 2 vị công chúa của làng có công với đất nước
Hội được tổ chức nhằm tưởng nhớ vị thành hoàng và 2 vị công chúa của làng có công với đất nước

Phần Lễ thể hiện sự ngưỡng mộ, sùng bái anh hùng, tôn vinh danh nhân, người có công với dân được dân làng Đống Ba coi như thần thánh, đó là Quách Lãng Tướng Công và nhị vị công chúa Đinh Bạch Nương, Đinh Tĩnh Nương. Ba vị là người bảo trợ tinh thần và đem lại sự ấm no, hạnh phúc cho dân làng Đống Ba. Phần lễ thường có các hoạt động rước nước và mộc dục, rước, tế và dâng hương vô cùng trang nghiêm.

Nhiều trò chơi truyền thống xuất hiện trong Hội làng Đống Ba
Nhiều trò chơi truyền thống xuất hiện trong Hội làng Đống Ba

Phần Hội gồm rất nhiều trò vui như: cờ người, kéo co, cầu lông, bóng đá, bóng chuyền… thu hút nhiều người tham gia, cổ vũ.

Những điểm nhấn của Hội làng Đống Ba

Lễ rước nước - mộc dục tượng Thánh được tổ chức trọng thể vào ngày mồng 10/2 âm lịch. Cũng giống như quy trình rước thần, chỉ khác là rước kiệu chóe. Đi đầu là trống chiêng, tiếp theo là hương án rồi đến kiệu chóe. Đi hộ tống đoàn rước có phù giá, quan viên chấp sự và đoàn tế nữ. Đoàn tế nữ có 2 nữ mặc áo tướng quân và 30 nữ quân trang áo đỏ, áo vàng. Trống dong, cờ mở, múa rồng trông rất vui tươi.

Lễ rước nước - mộc dục tượng thánh được tổ chức trên sông Hồng
Lễ rước nước - mộc dục tượng thánh được tổ chức trên sông Hồng

Lễ rước Thánh giá là nét đẹp khác của Hội làng Đống Ba, Thánh vị được rước quanh làng với nghi thức trang trọng, thiêng liêng. Tất cả các xóm, ngõ đều lập cổng chào, lập hương án để nghênh thần khi đoàn rước Thánh giá đi qua. Đoàn người rước trang nghiêm, mọi người trong làng đều thể hiện nét mặt vui tươi khi tham gia lễ rước. Vui nhộn hơn cả là xung quanh có đội múa rồng và múa sinh tiền. 

Hội đánh cờ người là trò chơi vẫn đặc sắc hơn cả tại Hội làng Đống Ba. Tương truyền, sinh thời Quách tướng quân và 2 nữ tướng khi huấn luyện quân sĩ thường đánh cờ người. Dùng quân sĩ làm quân cờ nhằm luyện cho tướng mưu trí, quân kỷ luật. Sau khi 3 vị qua đời, nhân dân làng Đống Ba và các làng xung quanh thờ làm thành hoàng. Hằm năm, hội làng tổ chức đánh cờ người để nhớ về cuộc luyện tập quân sĩ thủa xưa. Người đóng vai quân cờ được làng tuyển chọn kỹ lưỡng, sắm trang phục thật đẹp để phục vụ niềm vui chung của làng.

Bên cạnh đánh cờ người, Hội làng Đống Ba còn tổ chức các trò chơi dân gian như: chọi gà, đánh đu, đánh vật, kéo co, đập nổi. Hiện nay, trong xu thế mới của thời đại, hội làng có chơi thêm những môn thể thao như bóng đá tạo nên những màu sắc mới trong hội làng.

Công tác chuẩn bị cho hội làng

Hội làng Đống Ba là sự kiện lớn, vì thế, ngay sau khi ăn Tết cổ truyền, người dân trong làng đã tất bật chuẩn bị cho ngày hội. Ông Lê Văn Trường - Trưởng ban Quản lý di tích Đình làng Đống Ba chia sẻ: "Đầu tiên, chúng tôi phải chọn ông bà chủ tế, đó phải là những người có uy tín trong làng, được nhân dân ủng hộ và tiến cử. Sau đó, phải xin cấp phép tổ chức lễ hội để thực hiện để có thể bắt tay vào công tác chuẩn bị cho lễ hội".

Người trẻ tham gia các hoạt động của Hội làng Đống Ba
Người trẻ tham gia các hoạt động của Hội làng Đống Ba

Theo ông Trường, Ban Quản lý di tích sẽ thông báo đến toàn thể người dân, quán triệt các xóm vệ sinh môi trường, treo cờ, treo đèn lồng, làm cổng chào, cắt tỉa cây,... Bên cạnh là việc tuyển chọn người cho Lễ rước Thánh giá và các lễ tế. Trong đó, 38 đội tham gia rước cần có 100 nam thanh niên khỏe mạnh để khiêng 4 kiệu là: Kiệu Ngự và Kiệu Văn và 2 Kiệu Võng. Đoàn rước cần tới 400-500 người, do đó, cần có sự tuyển chọn từ sớm nhằm đáp ứng kịp thời cho lễ hội.

Với trò chơi đặc sắc cờ người, làng Đống Ba lựa chọn các em học sinh THCS tham gia đóng vai quân cờ. Để trò chơi thêm hấp dẫn, làng mời thêm các kỳ thủ có tiếng tham gia thi đấu, nhằm tạo ra những ván cờ có chất lượng, sôi nổi để thu hút người dân và khách thập phương tham gia cổ vũ.

Ở Đống Ba, có một tục lệ đặc biệt. Nam giới khi đến tuổi 49 sẽ được lên "bác", tham gia vào Ban Khánh tiết của làng. Nhiệm vụ của họ là dọn dẹp sạch sẽ đình làng, đặt lễ ban thờ vào ngày rằm và mùng 1 hàng tháng. Đến ngày hội làng, nhiệm vụ thêm phần nặng nề vì các "bác" phải đảm bảo được phần khánh tiết của làng.

Nam giới lên
Nam giới lên "bác" có trách nhiệm giữ đình làng luôn sạch, đẹp, sẵn sàng đón du khách vào Hội làng

"Theo lệ xưa từ thời các cụ, cứ đến tuổi 49, chúng tôi phải làm 1 năm nhiệm kỳ phục vụ nhà Thánh. Đến gần hội làng, chúng tôi phải cắm cờ quanh làng, kê bàn ghế phục vụ hội, phát giấy mời tham gia ngày hội. Đến ngày hội, chúng tôi phải có trách nhiệm bưng bê, chia lộc cho những người dân đến hương khói cho đình; thực hiện yêu cầu của Ban Quản lý di tích. Đây là truyền thống tốt đẹp có từ ngàn xưa và hiện vẫn được người dân trong làng duy trì để phát huy truyền thống tốt đẹp của quê hương", ông Nguyễn Quang Thịnh - Trưởng ban Khánh tiết chia sẻ.

Trước ngày hội 1 tuần, nhân dân làng Đống Ba đã nao nức, sẵn sàng mọi khâu chuẩn bị để có một năm hội thành công. Yêu thích những lễ hội truyền thống, văn hóa của người Việt, mời bạn đến ngôi làng cổ kính nép bên dòng sông Hồng để tham gia hội trong những ngày giữa tháng 2 âm lịch nhé!

 

 

 

 

 

Đọc báo điện tử Thiếu niên Tiền phong và Nhi đồng nhanh chóng, thuận tiện và an toàn hơn trên các thiết bị di động với Ứng dụng TNTP&NĐ Online

Tải ngay ứng dụng TNTP&NĐ Online TẠI ĐÂY

Bạn đang đọc bài viết Xuân về vui Hội làng Đống Ba tại chuyên mục Khám Phá của Báo Thiếu niên Tiền phong và Nhi đồng. Mọi thông tin góp ý và chia sẻ, xin vui lòng gửi về hòm thư banbientap@thieunien.vn.

Bài liên quan

Bài Khám Phá khác

Cửa Bắc - Cổng thành in ký ức

Nếu bạn đang tìm kiếm một địa điểm vừa mang dấu ấn lịch sử vừa sở hữu vẻ đẹp cổ kính để khám phá thì Cửa Bắc ở Hà Nội chính là một lựa chọn không thể bỏ qua đâu nhé!

Sân chơi vui mê tơi

Nếu bạn từng mơ ước một lần được hóa thân thành Thánh Gióng, cưỡi ngựa sắt, vung roi thần trừ giặc thì sân chơi hòa nhập Thánh Gióng tại Vườn Giám thuộc Di tích Quốc gia đặc biệt Văn Miếu - Quốc Tử Giám (quận Đống Đa, Hà Nội) là điểm đến không thể bỏ qua trong mùa Hè này đấy!

Khám phá Thảo Cầm Viên

Nằm giữa trung tâm TP Hồ Chí Minh, Thảo Cầm Viên là một khu vui chơi với nhiều trò chơi thú vị, đồng thời cũng là “ngôi nhà chung” của hàng ngàn loài động vật quý hiếm. Tớ mong được khám phá nơi này từ lâu lắm rồi, vì thế nhân dịp nhóc em họ từ quê ra chơi, tớ liền xin mẹ cho đi Thảo Cầm Viên và thật sung sướng vì mẹ đã gật đầu cái rụp.

"Hóa thạch sống" của Trái Đất

Nhà tự nhiên học Charles Darwin là người đầu tiên đặt ra thuật ngữ "hóa thạch sống" vào năm 1859. Đây là thuật ngữ chỉ những loài gần như không tiến hóa trong hàng triệu, thậm chí hàng trăm triệu năm và có vẻ ngoài giống hệt tổ tiên của chúng.

"Viên ngọc đỏ" của tháng Ba

Khi hoa gạo nở là những đợt lạnh cuối cùng sắp đi qua, cái lạnh thưa thớt dần và chuẩn bị chuyển tiếp sang mùa hè. Ca dao từ xưa đã coi hoa gạo như một tín hiệu dự báo thời tiết. Ở thôn Tân Mỹ, xã Lãng Sơn (huyện Yên Dũng, tỉnh Bắc Giang) có một cây gạo cổ thụ mỗi khi nở hoa là đỏ rực rỡ cả một góc trời.

Bất ngờ với những trái tim "kỳ quặc"

Thế giới động vật có rất trái tim “kì quặc” nhiều điều kỳ thú. Chỉ riêng câu chuyện xung quanh trái tim của các loài động vật thôi cũng đủ khiến bạn “Mắt chữ A, mồm chữ O” luôn đó.