Đầu tháng 4 vừa qua, Nguyễn Đức Anh Phú vui mừng khoe trên Facebook email từ ĐH Harvard chấp nhận nhập học và cấp học bổng cho cậu.

Nhận học bổng toàn phần không chỉ nhờ điểm ACT, quyết định học cả 2 ngành siêu khó
Anh Phú theo bố mẹ sang Mỹ định cư khi vừa tròn 6 tuổi. Hiện cậu bạn đang thường trú tại thành phố Papillion, tiểu bang Nebraska cùng với ba mẹ. Gia đình Anh Phú là một gia đình nhập cư thuộc tầng lớp lao động vì thế số tiền trung bình mỗi năm là 85.000 USD để trang trải học phí tại Harvard là điều khó để thực hiện.
Nhưng vì không muốn đánh mất cơ hội học tập của một hồ sơ đầy tiềm năng như Phú chỉ vì không thể đóng học phí nên phí nên phía trường ĐH Harvard đã quyết định trao học bổng toàn phần cho anh chàng.

Được biết, trong 57.000 hồ sơ dự tuyển, chỉ có 1.900 hồ sơ được chọn và tất nhiên, chàng trai Việt Nam này là một trong số đó. Khi nghe tin mình nằm trong danh sách trúng tuyển, Anh Phú cảm thấy vô cùng bất ngờ. Sắp tới, nam sinh gốc Bảo Lộc sẽ học song song hai ngành là Kinh tế và Khoa học máy tính.
Lý giải về lựa chọn học liền cả 2 ngành học, Anh Phú cho biết: "Mình chọn cả hai tại vì nhận thấy đó là sở trường và đam mê. Kinh tế thì giải quyết nhiều vấn đề. Mình cũng muốn học máy tính vì theo mình nghĩ nó rất hữu ích cho ngày nay!"
Tự kinh doanh riêng bằng cửa hàng điện thoại từ lớp 10
Một trong những dấu ấn nổi bật trong hồ sơ dự tuyển vào Harvard là câu chuyện kinh doanh của chàng trai gốc Lâm Đồng. Ngay từ khi còn là học sinh lớp 10, Anh Phú đã tự kiếm tiền bằng việc sửa điện thoại di động. Anh chàng có cửa hàng khởi nghiệp đầu tiên cho mình từ rất sớm mang tên Phu's Phone Emporium.

Cơ duyên để nam sinh kiếm tiền bằng việc sửa điện thoại là trong một lần mình bị hư điện thoại, cậu đã tự mày mò cách sửa thông qua internet và YouTube. Từ đó, cậu dần dần tìm hiểu và tự nghiên cứu để sửa thêm nhiều loại điện thoại khác nhau.
Nói về việc khởi nghiệp của mình, nam sinh 2k3 tâm sự: "Mình thích lắm, vì mình sớm không cần lấy tiền từ bố mẹ nữa mà có thể sử dụng tiền của mình để mua những thứ mà mình thích, ngoài ra, công việc này làm nhiều khách hàng cảm thấy vui vì thấy chiếc điện thoại của mình được sửa. Số tiền có từ cửa hàng cũng giúp tôi có thể đầu tư!"
Dự định trước mắt của 10X nếu tốt nghiệp Harvard là sẽ mở thêm công ty cho mình, có thể là tiếp tục theo đuổi việc sửa điện thoại mà mình bắt đầu từ thời phổ thông.

Dù đã xa Việt Nam nhiều năm nhưng với Anh Phú, cậu bạn may mắn được bố mẹ gìn giữ những bản sắc và nét văn hóa dân tộc. Cậu bạn vẫn sử dụng tiếng Việt khi ở nhà, ăn đồ ăn Việt Nam, sinh hoạt trong cộng đồng người Việt Nam và đọc sách mỗi tối để nhớ tiếng Việt.