Đây là bước đi chiến lược nhằm tăng cường tiếp cận giáo dục cơ bản, thúc đẩy xóa mù chữ và học tập suốt đời cho người dân vùng khó khăn.
Theo kế hoạch, mục tiêu trọng tâm là tổ chức các lớp xóa mù chữ bảo đảm chất lượng, tạo điều kiện để người lao động, người lớn tuổi có cơ hội học tập, cập nhật kiến thức, rèn luyện kỹ năng và tiếp cận công nghệ thông tin. Tỉnh đặc biệt chú trọng đến nhóm đối tượng từ 15 đến 60 tuổi – nhóm đang chịu nhiều rào cản về cơ hội học tập. Mỗi năm, Cao Bằng phấn đấu huy động ít nhất 10,5% số người chưa biết chữ trong độ tuổi này tham gia các lớp học.

Đến năm 2030, tỉnh đặt mục tiêu 100% TTHTCĐ tại các xã vùng cao, vùng sâu có đủ đội ngũ nhân lực theo quy định, trong đó ít nhất 60% giáo viên các cơ sở giáo dục trên địa bàn tham gia hỗ trợ tổ chức hoạt động. Đồng thời, mạng lưới báo cáo viên, cộng tác viên từ các tổ chức chính trị - xã hội và đoàn thể địa phương sẽ được phát triển mạnh mẽ nhằm hỗ trợ truyền thông, tư vấn và giảng dạy.
Về cơ sở vật chất, kế hoạch đề ra yêu cầu 100% trung tâm có văn phòng làm việc riêng, tối thiểu 90% trung tâm có thư viện cộng đồng, thiết bị dạy học và được kết nối internet miễn phí phục vụ học tập. Cùng với đó, công tác đào tạo, bồi dưỡng nghiệp vụ cho cán bộ quản lý, giáo viên, tình nguyện viên sẽ được thực hiện định kỳ nhằm nâng cao năng lực chuyên môn và phương pháp sư phạm.
Một điểm nhấn của kế hoạch là việc ứng dụng công nghệ thông tin trong quản lý và giảng dạy. Dự kiến đến năm 2030, khoảng 90% TTHTCĐ sẽ triển khai sử dụng phần mềm, thiết bị số, bài giảng điện tử và các nền tảng học tập trực tuyến phù hợp với điều kiện địa phương.
Thông qua kế hoạch này, tỉnh Cao Bằng kỳ vọng góp phần thúc đẩy bình đẳng trong tiếp cận giáo dục, nâng cao dân trí, cải thiện chất lượng nguồn nhân lực và phát triển bền vững vùng dân tộc thiểu số và miền núi. Kế hoạch cũng là hành động cụ thể thực hiện Chiến lược phát triển giáo dục giai đoạn 2021 – 2030 đã được Thủ tướng Chính phủ phê duyệt.