187 người là đồng bào dân tộc thiểu số tham gia ứng cử đại biểu Quốc hội

Bảo Bối
Đại diện của đồng bào các dân tộc thiểu số tham gia làm đại biểu Quốc hội đóng vai trò hết sức quan trọng trong việc mang tiếng nói, tâm tư nguyện vọng của đồng bào đến với Quốc hội, Chính phủ để xây dựng chính sách, triển khai chính sách phù hợp với điều kiện, phong tục tập quán của đồng bào.

Theo Nghị quyết 559/NQ-HĐBCQG của Hội đồng bầu cử Quốc gia công bố danh sách 868 người ứng cử đại biểu Quốc hội khóa XV tại 184 đơn vị bầu cử trong cả nước thì số đại biểu là người dân tộc thiểu số có 187 ứng cử viên.

dân tộc - Ảnh 1

Các địa phương có tỉ lệ người dân tộc thiểu số ứng cử cao như các tỉnh Lạng Sơn (100%), Lai Châu (100%), Cao Bằng (87,5%), Điện Biên (87,5%), Hà Giang (87,5%), Kon Tum (87,5%), Yên Bái (87,5%).

Hiện nay Ban Thường trực Ủy ban Mặt trận Tổ quốc (MTTQ) Việt Nam các cấp ở địa phương đã và đang phối hợp với Ủy ban bầu cử và Ủy ban nhân dân cùng cấp tổ chức tốt công tác vận động bầu cử theo đúng quy định của pháp luật và hướng dẫn của Ban Thường trực Uỷ ban Trung ương MTTQ Việt Nam. Đặc biệt phối hợp với chính quyền cùng cấp xây dựng các kế hoạch tổ chức hội nghị tiếp xúc giữa người ứng cử với cử tri để người ứng cử thực hiện quyền vận động bầu cử và chủ trì hội nghị tiếp xúc cử tri theo kế hoạch của Ủy ban bầu cử cùng cấp.

Tại cuộc tiếp xúc cử tri, vận động bầu cử mới đây tại tỉnh Nghệ An, bác Đỗ Văn Chiến (Dân tộc Sán Dìu), Bí thư Trung ương Đảng, Chủ tịch Ủy ban Trung ương MTTQ Việt Nam, Phó Chủ tịch Hội đồng bầu cử Quốc gia đã chia sẻ về quá trình công tác cũng như bày tỏ niềm vinh dự và trách nhiệm của mình khi là đại biểu Quốc hội khóa XIII, XIV. 

Chủ tịch Ủy ban Trung ương MTTQ Việt Nam Đỗ Văn Chiến bày tỏ niềm vui mừng khi khóa XV này được Hội đồng bầu cử Quốc gia cho phép về ứng cử tại tỉnh Nghệ An, một tỉnh giàu truyền thống cách mạng, quê hương của Bác Hồ kính yêu.

"Trong 2 khóa là đại biểu Quốc hội, tôi đã hoàn thành tốt nhiệm vụ. Trong đó, quá trình công tác tại Ủy ban Dân tộc do tôi làm Bộ trưởng, Chủ nhiệm được giao chủ trì xây dựng để Chính phủ trình Quốc hội ban hành 2 nghị quyết rất quan trọng là Nghị quyết 88/2019/QH14 và Nghị quyết 120/2020/QH14 phê duyệt đề án tổng thể và chương trình mục tiêu Quốc gia phát triển kinh tế - xã hội vùng đồng bào dân tộc thiểu số và miền núi giai đoạn 2021 - 2030. Đây là một dấu ấn trong lịch sử công tác dân tộc và cũng là kết quả nổi bật của Quốc hội khóa XIV", Chủ tịch Ủy ban Trung ương MTTQ Việt Nam Đỗ Văn Chiến nói.

dân tộc - Ảnh 3

Chủ tịch Ủy ban Trung ương MTTQ Việt Nam Đỗ Văn Chiến (hàng đầu) kiểm tra công tác chuẩn bị bầu cử tại Nghệ An

Chủ tịch Ủy ban Trung ương MTTQ Việt Nam Đỗ Văn Chiến cho biết, đã có nhiều lần về Nghệ An, đặc biệt là các tỉnh nằm ở phía Tây Nghệ An để khảo sát, góp phần hình thành Chương trình mục tiêu Quốc gia phát triển kinh tế - xã hội vùng đồng bào dân tộc thiểu số và miền núi giai đoạn 2021 - 2030. Bởi vậy, một trong những ưu tiên trọng tâm thời gian tới là tiếp tục triển khai Chương trình mục tiêu Quốc gia phát triển kinh tế - xã hội vùng đồng bào dân tộc thiểu số và miền núi giai đoạn 2021 - 2030, trong đó tỉnh Nghệ An có 11 huyện phía Tây với khoảng 1 triệu người dân được hưởng lợi từ Chương trình này.

Đến nay, Ủy ban bầu cử các cấp đã và đang làm tốt công tác tuyên truyền, vận động cử tri thực hiện pháp luật về bầu cử, nhất là cấp xã cần phối hợp chặt chẽ với các tổ chức thành viên của Mặt trận để tuyên truyền, vận động các tầng lớp nhân dân nắm vững pháp luật về bầu cử, thực hiện tốt quyền và nghĩa vụ của công dân trong bầu cử, thông qua các vị là chức sắc tôn giáo, người tiêu biểu trong các dân tộc, các già làng, trưởng tộc vận động cử tri đi bầu cử; đảm bảo để cuộc bầu cử diễn ra thực sự dân chủ, đúng luật, an toàn, tiết kiệm; thực sự là ngày hội của toàn dân.

Song song với đó, Ủy ban MTTQ Việt Nam và các tổ chức thành viên các cấp tích cực đẩy mạnh hoạt động giám sát bầu cử, nhất là giám sát việc chấp hành pháp luật của người ứng cử, giám sát trong ngày bầu cử theo các quy định của pháp luật và hướng dẫn của Ban Thường trực Ủy ban Trung ương MTTQ Việt Nam.

Đọc báo điện tử Thiếu niên Tiền phong và Nhi đồng nhanh chóng, thuận tiện và an toàn hơn trên các thiết bị di động với Ứng dụng TNTP&NĐ Online

Tải ngay ứng dụng TNTP&NĐ Online TẠI ĐÂY

Bạn đang đọc bài viết 187 người là đồng bào dân tộc thiểu số tham gia ứng cử đại biểu Quốc hội tại chuyên mục Góc nhìn của Báo Thiếu niên Tiền phong và Nhi đồng. Mọi thông tin góp ý và chia sẻ, xin vui lòng gửi về hòm thư banbientap@thieunien.vn.

Bài liên quan

Bài Góc nhìn khác

Lịch nghỉ hè 2024 của học sinh 63 tỉnh thành

Hầu hết các địa phương tổ chức bế giảng năm học 2023 - 2024 trước ngày 31/5 và cho học sinh nghỉ hè bắt đầu từ 1/6. Tùy thuộc thời gian bế giảng sớm hoặc muộn hơn, cuối tháng 5, các trường sẽ cho học sinh nghỉ hè.