1. Like stars on earth: Cậu bé đặc biệt
Với thông điệp “Mọi đứa trẻ đều đặc biệt”, bộ phim kể về cậu bé 8 tuổi Ishaan Awasthi bị chứng khó đọc, chứng bệnh vốn khá xa lạ đối với một đất nước như Ấn Độ. Dù Ishaan thể hiện ngay từ bé có năng khiếu đặc biệt về hội họa thì chứng bệnh khó đọc cũng khiến cậu khó khăn trong việc học tập. Sự ghẻ lạnh từ gia đình càng khiến cậu bé khó khăn hơn trong việc bộc lộ bản thân, cho đến khi cậu gặp thầy giáo hội họa Ram Shankar Nikumbh, và anh đã giúp Ishaan vượt qua khỏi tật này.
Bộ phim được Disney phát hành DVD quốc tế đầu tiên vào năm 2010, đánh dấu sự kiện đặt hàng đầu tiên của quyền phân phối cho một bộ phim Ấn Độ bởi một công ty toàn cầu.
2. Freedom Writers: Những nhà văn tự do
Hilary Swank vào vai cô giáo trẻ Erin Gruwell mới ra trường đã quyết định tới trường Trung học Woodrow Wilson. Không may mắn cho Erin khi sự nhiệt tình của cô đã nhanh chóng vấp phải khó khăn khi cô nhận ra, học sinh ở đây đến từ mọi thành phần trong xã hội và rất khó thay đổi chúng. Vấn đề xảy ra khi ngay ngày đầu tiên đến lớp, Erin nhận thấy rằng đám học trò Mỹ Latin, da đen và đám học trò châu Á, da vàng của cô không hề ưa nhau và luôn sẵn sàng lao vào đánh nhau vì cuộc chiến sắc tộc.Thêm vào đó, cô cũng dần khám phá ra rằng bọn chúng không chỉ ghét nhau mà còn ghét cô hơn ai hết vì cô là người da trắng. Bằng lương tâm, trách nhiệm và tình yêu thương của mình, Erin đã cảm hóa những học trò nghịch ngợm nhưng hay tự ti vào bản thân và không tin vào công bằng trong cuộc sống, chỉ lối cho chúng quay về con đường học hành nghiêm túc để hoàn thiện kiến thức và nhân cách.
Freedom Writers là bộ phim ý nghĩa qua mọi thời đại vì không chỉ truyền tải thông điệp về sự phân biệt chủng tộc, về cách giáo dục học sinh mà còn khiến khán giả suy nghĩ về giá trị bản thân của mỗi người, về sự tôn trọng người khác
3. School of Rock: Rock học đường
Bộ phim hài kể về nam ca sĩ nhạc rock Dewey Finn vừa bị đuổi khỏi ban nhạc và duyên số dẫn anh tới với nghề giáo, trở thành một giáo viên dạy nhạc ở trường tiểu học. Dewey nhận ra tài năng âm nhạc trong một số học sinh của mình và quyết định sẽ cùng các học trò chinh phục con đường âm nhạc. Câu chuyện hài hước và ấm áp về tình thầy trò đã cho thấy ý nghĩa của việc giáo dục nghệ thuật đối với trẻ nhỏ.
Tình thầy trò gần gũi thân thiết được lột tả đầy thú vị thông qua những tình tiết gây cười thú vị. Cũng nhờ ý tưởng điên rồ của mình mà Dewwey Finn phát hiện ra năng khiếu âm nhạc tuyệt vời của những học sinh trong lớp. Anh đã giúp đỡ những đứa trẻ tìm thấy đam mê thật sự và ngược lại, chính những cô cậu nhóc này lại giúp Dewwey Finn giải quyết những rắc rối của anh.
School of rock không chỉ hấp dẫn khán giả bởi những tình huống dở khóc dở cười đầy kịch tính, mà phim còn mang họ đến với những khoảnh khắc âm nhạc tuyệt vời của các ban nhạc nổi rock nổi tiếng khi đó như AC/DC, Led Zeppelin, Jimi Hendrix.
4. To Sir with Love: Gửi thầy với tất cả yêu thương
Dù được ra mắt khá lâu từ những năm 60, nhưng To Sir with Love vẫn luôn là 1 trong những bộ phim kinh điển về đề tài giáo dục. Mark Thackeray (do Sidney Poitier đảm nhận) là một kỹ sư nhưng do chưa kiếm được việc nên anh đành đi làm trái ngành, trở thành một giáo viên và phải đương đầu với lũ học sinh cá biệt, ngỗ nghịch tại một trường học ở phía đông thành phố London. Sau một thời gian chịu nhiều nhẫn nhục từ những hành vi xấc láo, xúc phạm từ phía những cô học trò của mình, thầy Thackeray đã nhận ra rằng những đứa trẻ này không hề hứng thú với những bài giảng khuôn mẫu trong sách giáo khoa mà chỉ mong muốn kiếm được việc làm sau khi tốt nghiệp. Thế nên anh đã tống đống sách vở “khô khan” vào “lãnh cung” và bắt đầu thiết lập cách giảng dạy của riêng mình.
Bằng những hành động thiết thực như dạy nấu ăn, dạy cách ăn mặc, đi đứng, dạy chúng biết tôn trọng bản thân và những người xung quanh… cùng sự tận tâm, kiên nhẫn anh đã dần chinh phục lũ trẻ “cứng đầu” và khiến chúng dần thay đổi theo hướng tích cực. To Sir with Love đã cho thấy sự mệnh của người thầy trên bục giảng không hề đơn giản khi luôn luôn gặp phải những cô cậu học trò nông nổi, quậy phá, khó bảo. Và để cảm hóa những đứa trẻ này thì việc truyền tải kiến thức bằng những bài lý thuyết suông trong sách vở thôi thì chưa đủ mà cần có những bài học thực tế gần gũi với cuộc sống.
5. Dead Poets Society: Câu lạc bộ thi ca
Năm 1959, tại ngôi trường danh giá và lâu đời Welton của bang Vermont tại Mỹ, giáo viên môn tiếng anh mới đến - John Keating quyết định sẽ thay đổi cách dạy truyền thống của trường và mang đến cho học sinh của mình những cái nhìn mới về cuộc sống.
Để thử thách anh, hiệu trưởng Nolan (Norman Lloyd) phân công anh chủ nhiệm một lớp có nhiều học sinh ngỗ nghịch nhất trường. Mang một tư tưởng mới vào dạy học sinh của một ngôi trường danh tiếng và lâu đời vào thời điểm đó sẽ gặp phải rất nhiều sự phản đối từ các giáo viên và ban giám hiệu nhà trường. Nhiều biến cố lớn đã xảy ra đối với cuộc sống của các học sinh trong câu lạc bộ văn học Dead Poets Society như việc các em quyết tâm theo đuổi niềm đam mê của bản thân, đấu tranh cho công lý,…
“Dead Poets Society” là một bộ phim không nên bỏ qua về đề tài giáo dục, đây cũng là bộ phim góp phần làm nên tên tuổi của diễn viên quá cố Robin William khi thủ vai thầy giáo tiếng Anh John Keating.
Thư Bùi (tổng hợp)