9X vẽ rồng Việt Nam qua các triều đại

TNTP Chủ Nhật
Thân chào quý vị độc giả, Anh là Nguyễn Minh Hiệu (sinh năm 1993, ở Hà Nội), tác giả của bộ tranh “Tái hiện hình ảnh rồng các thời kỳ của Việt Nam” được giới thiệu dưới đây. Báo Đội từng là một người bạn thân thiết từ thưở nhỏ của anh, vì vậy khi được mời chia sẻ về dự án, anh đã rất xúc động!

Anh là một họa sĩ vẽ minh họa đang làm việc trong ngành phát triển game. Ngoài đam mê hội họa, anh cũng rất thích tìm hiểu về lịch sử và mỹ thuật cổ.

Rồng (hay còn gọi là Long) là biểu tượng của sự linh thiêng, là biểu tượng của niềm tự hào văn hóa lịch sử. Dự án vẽ rồng các thời đại của anh được đặt tên là Đại Việt Lịch Đại Long Văn Đồ, ban đầu được vẽ với ý niệm đơn giản là một bức tranh có đủ các kiểu dáng của rồng Việt Nam các thời kỳ. Ý niệm thì cũng đơn giản nhưng quá trình thực hiện khá vất vả. Việc tổng hợp - chuyển thể các yếu tố mỹ thuật cổ với đa dạng tạo hình và chất liệu về chung trên một phong cách vẽ nét 2D đơn giản cũng tốn kha khá thời gian và công sức.

Cố gắng tới lúc hoàn thiện thì anh cũng thở phào: “Trông cũng được đó chứ, ít nhất bộ sưu tập rồng của mình trông cũng có chút phong thái!”. Rất vui là ngay sau đó bộ tranh được mọi người quan tâm và ủng hộ, giúp anh cảm thấy tự tin hơn phần nào với đam mê của mình. Năm tới là năm con rồng, anh hy vọng có thể sáng tác thêm nhiều bức tranh đẹp về rồng, cũng như có thể đem tới cho mọi người những thông tin hữu ích về hình tượng con rồng trong lịch sử. Mong bạn đọc tiếp tục ủng hộ các dự án sau của anh nhé!

Họa sĩ Minh Hiệu đã dành nhiều thời gian tìm hiểu đặc trưng hình tượng rồng qua các thời đại, sau đó tổng hợp lại những đặc sắc thời đại đó thành bức tranh này.
Rồng thời Lý là con rồng đầu tiên trong bộ tranh này. Một con rồng thời Lý hoàn chỉnh có thân dài, uốn khúc hình sin, thân mang vảy. Đầu rồng có ngà, bờm và vòi uốn khúc, trên đầu có sừng tạo hình như sừng hươu hay đôi khi như nhánh san hô.
Rồng thời Trần thời kỳ đầu vẫn là những phiên bản sao chép và kế thừa phong cách rồng thời Lý. Càng về sau, hình tượng rồng càng phát triển đa dạng, không còn thống nhất mà đầu biến đổi nhiều hình vẽ thể hiện sự tiếp biến và giao thoa mới.
Rồng thời Lê sơ là một bước ngoặt trong tạo hình rồng Việt Nam. Những khác biệt của con rồng thời Lê sơ so với với các thời đại trước thể hiện rõ nhất ở việc thay thế cái vòi bằng mũi cùng với cái đuôi cá. Mặt rồng trông dữ hơn, lông mày cùng bộ râu quai nón rậm, thân hình to khỏe cứng cáp kết hợp với mây lửa, thể hiện sức mạnh uy quyền của bậc đế vương.
Con rồng thời Lê Trung Hưng là con rồng đa dạng về tạo hình nhất. Là thời kỳ nhiều biến động và cũng là lâu dài nhất trong các triều đại Việt Nam, với sự nở rộ của các kiến trúc đình, chùa mà cho đến nay vẫn để lại kho tàng nghệ thuật đồ sộ, hình tượng rồng cũng vì thế mà rất phong phú.
Khi nhắc đến rồng thời Nguyễn là người ta liên tưởng ngay đến con rồng đuôi xoáy đặc trưng. Vốn dĩ hình dáng rồng này đã xuất hiện sớm nhất vào nửa đầu thế kỷ 18 trong mỹ thuật Đàng Ngoài và hoàn thiện ngay từ thời Lê, bao gồm những đặc điểm có thể kể đến như mũi to, mõm ngắn, râu bờm uốn lượn từng dải liền nhau, râu thường uốn cong xoắn ốc, thân mảnh, đuôi xoáy.

Bài viết được đăng tải trên ấn phẩm Tết TNTP Thứ Tư, số 16+20 năm 2024, mời các bạn độc giả mua báo đón đọc nhé!

Còn nhiều bài viết hay, hấp dẫn, các câu chuyện thú vị đang chờ đón bạn khám phá tại ấn phẩm TNTP Chủ nhật. Nếu bạn quan tâm có thể mua báo và đọc trực tuyến tại cửa hàng trực tuyến của Báo Thiếu niên Tiền phong và Nhi đồng nhé!

 

 

 

 

 

 

Đọc báo điện tử Thiếu niên Tiền phong và Nhi đồng nhanh chóng, thuận tiện và an toàn hơn trên các thiết bị di động với Ứng dụng TNTP&NĐ Online

Tải ngay ứng dụng TNTP&NĐ Online TẠI ĐÂY

Bạn đang đọc bài viết 9X vẽ rồng Việt Nam qua các triều đại tại chuyên mục Khám Phá của Báo Thiếu niên Tiền phong và Nhi đồng. Mọi thông tin góp ý và chia sẻ, xin vui lòng gửi về hòm thư banbientap@thieunien.vn.

Bài liên quan

Bài Khám Phá khác

Những tấm pin mặt trời rực rỡ sắc màu

Lấy cảm hứng từ đôi cánh xanh lấp lánh của bướm Morpho, các nhà khoa học Đức đã phát triển các tấm pin năng lượng mặt trời vừa có màu sắc tươi vui vừa đảm bảo hiệu suất.

Về làng Vân xem Hội vật cầu nước

Vật cầu nước là lễ hội đặc sắc, gắn liền với lịch sử và truyền thống của làng Vân (xã Vân Hà, huyện Việt Yên, tỉnh Bắc Giang). Đây là dịp để người dân tưởng nhớ những anh hùng dân tộc, đồng thời thể hiện niềm khao khát mưa thuận gió hòa, mùa màng bội thu của cư dân trồng lúa nước.