Các quốc gia châu Á trong đó có Trung Quốc, Indonesia và Nhật Bản, Việt Namcó lượng tiêu thụ mì ăn liền thuộc loại hàng đầu thế giới, theo ước tính năm 2015 được công bố bởi Hiệp hội Mì ăn liền thế giới. Một trong những điểm hấp dẫn chính của mì ăn liền cho đến nay là giá rẻ và tiện lợi. Tuy nhiên, nhiều nghiên cứu cho thấy rằng mì ăn liền có rất nhiều bất lợi cho sức khỏe mà bạn không ngờ tới.
Không phân hủy sau nhiều giờ
Theo Life Hack, mì ăn liền gây khó tiêu cho hệ thống tiêu hóa của bạn, buộc nó phải làm việc cật lực trong nhiều giờ để phân hủy chúng. Nó cũng gây trở ngại cho lượng đường trong máu và giải phóng lượng insulin nếu tiêu hóa quá nhanh.
Vì thực phẩm được lưu trữ quá lâu trong cơ thể khiến các hóa chất và chất bảo quản độc hại được giữ lại trong cơ thể, chẳng hạn như butylated hydroxyanisole (BHA) và t-butylhydroquinone (TBHQ).
Hai hợp chất này được chứng minh có thể gây ung thư và các bệnh hen suyễn, tâm trạng lo lắng, tiêu chảy nếu tiếp xúc với cơ thể trong thời gian dài.
Nguy cơ gia tăng bệnh tim mạch
Nếu bạn là một người thường xuyên ăn mì ăn liền thì nên chú ý thực tế này.
Trong một nghiên cứu được công bố trên tạp chí Dinh dưỡng (Mỹ), người ta thấy rằng những phụ nữ tiêu thụ nhiều mì ăn liền thường xuyên, khoảng 2 lần/ tuần có nguy cơ mắc hội chứng chuyển hóa tới 68% so với những người ăn ít hơn, bất kể họ có thực hiện chế độ ăn uống hoặc tập thể dục điều độ hay không.
Hội chứng chuyển hóa được hiểu là một nhóm các triệu chứng như béo phì, huyết áp cao, cholesterol HDL thấp làm tăng nguy cơ mắc bệnh tim, tiểu đường hoặc đột quỵ.
Phụ nữ có nguy cơ mắc hội chứng chuyển hóa cao hơn nam giới vì mức độ hormone và tỉ lệ trao đổi chất của hai giới khác nhau.
Vậy tại sao điều này lại xảy ra? Chủ yếu là vì chiên ngập dầu (dầu được đun sôi) là một bước trong sản xuất hầu hết mì ăn liền mà chúng ta tiêu thụ. Như chúng ta đã biết, mọi thứ chiên giòn giàu chất béo bão hòa đều không tốt cho chúng ta.
Chứa nhiều muối
Ai cũng biết rằng tiêu thụ quá nhiều muối thực sự có thể ảnh hưởng đến sức khỏe tổng thể của chúng ta, nhưng một sự thật đáng buồn là mì ăn liền chứa rất nhiều muối.
Trong một nghiên cứu được công bố trên tạp chí American Journal of Hypertension năm 2014 cho biết, chế độ ăn uống giàu natri là một nhân tố chính gây ra tỷ lệ tử vong cao ở 23 trường hợp nghiên cứu. Lượng natri dư thừa này cũng có thể dẫn đến huyết áp cao, và bệnh tim mạch.
Một gói mì thông thường có chứa ít nhất 2.700 mg natri, trong khi Cục Quản lý thực phẩm và dược phẩm Mỹ (FDA) khuyến cáo lượng natri tối đa mỗi ngày là 2.300 mg (1.500 mg cho nhóm người mắc một số bệnh nguy hiểm).
Một số điều cần lưu ý khi ăn mì gói nếu bạn không muốn mang bệnh vào người:
Mỳ ăn liền vốn được chế biến theo phương pháp chiên, tích nhiều dầu mỡ gây béo dễ dẫn đến các bệnh béo phì, tim mạch dù đã có những nghiên cứu cho thấy, ăn nhiều thực phẩm này có nguy cơ suy dinh dưỡng cao.
Việc bổ sung nhiều rau xanh vào món mỳ ăn liền sẽ làm giảm tối đa lượng chất béo thừa.
Mỗi vắt mỳ nên thêm khoảng 150gr rau xanh như cải ngọt, xúp lơ, cải xanh, giá đỗ...
Việc thêm rau vào bữa ăn sẽ làm cho lượng lớn các chất béo được cuốn theo rau ra ngoài cơ thể. Từ đó sẽ hạn chế được thấp nhất những tác hại chính mà vắt mỳ gây ra.
Ngoài ra, để bữa ăn có thêm dinh dưỡng, mỗi vắt mỳ nên bổ sung từ 25-30gr chất đạm như thịt bò, thịt lợn hoặc tôm...
Thay vì tiết kiệm thời gian bằng cách cho vắt mỳ vào tô, đổ nước nóng, đậy nắp đợi chín, các chuyên gia khuyên nên đun sôi, đổ ra để ráo; tiếp tục nấu nước lần 2 và cho mỳ đã chín sơ vào chế biến.
Bằng cách này, lượng chất béo và một số chất dinh dưỡng không tốt đã bị biến đổi trong vắt mì sẽ giảm được phần nào. Đối với rau và thịt, cần nấu chín trước khi thêm vào mỳ.
Cách nấu mì thông thường là đun nước sôi rồi cho mì và các gói gia vị vào, sau đó đun thêm khoảng vài phút là đem ra ăn.
Sau đây là cách nấu mì ăn liền đúng cách:
- Chần vắt mì trong nước sôi
- Khi các cọng mì bắt đầu tách rời nhau, vớt mì ra và đổ bỏ nước (loại bỏ lớp dầu chiên bên ngoài sợi mì)
- Nấu nồi nước sôi mới, bỏ mì vào trở lại nồi nước sôi, tắt lửa ngay sau đó để mì không bị nhão nát
- Sau khi tắt lửa, nước còn đang nóng, bỏ bột nêm vào trộn đều. Hoặc lấy mì ra và trộn với gói gia vị nếu là loại mì ăn khô. Lưu ý: gói bột nêm trong mì thường hơi nhiều để tạo cảm giác đậm đà ngon miệng, chúng ta nên chỉ dùng một nửa hoặc 2/3, không nên ăn quá mặn.
- Để đảm bảo dinh dưỡng, nên chế biến riêng trứng, thịt, cá, tôm, rau xanh… rồi thêm vào mì.
Mai Lâm (tổng hợp)