Những thách thức trong quá trình triển khai SGK theo Chương trình GDPT 2018
SGK mới được triển khai thực hiện theo Nghị quyết số 29-NQ/TW, ngày 4/11/2013; Nghị quyết số 88/2014/QH13 của Quốc hội; Quyết định số 150/QĐ-TTg của Thủ tướng Chính phủ về việc Phê duyệt Đề án Truyền thông về đổi mới căn bản, toàn diện giáo dục, đào tạo và dạy nghề, ngày 21/1/2016; Chương trình GDPT 2018 của Bộ GD&ĐT.
Bắt đầu năm học 2020-2021, lần đầu tiên ngành GD&ĐT triển khai dạy đồng thời 5 bộ SGK mới gồm: "Kết nối tri thức với cuộc sống", "Chân trời sáng tạo", "Cùng học để phát triển năng lực", "Vì sự bình đẳng và dân chủ trong giáo dục" và "Cánh Diều". Trong đó, bộ SGK "Cánh Diều" được thực hiện theo hướng xã hội hóa bởi một đơn vị ngoài công lập; 4 bộ sách còn lại được thực hiện bởi Nhà xuất bản Giáo dục Việt Nam.
Năm đầu tiên triển khai đã có những "thách thức lớn "đối với việc triển khai SGK mới khi cả 5 bộ SGK đều mắc các lỗi trong việc lựa chọn ngữ liệu để đưa vào sách, dùng hình ảnh chưa phù hợp, đưa ra ví dụ chưa hợp lý, lựa chọn văn bản chưa phù hợp với đối tượng học,... Thời điểm đó, Bộ GD&ĐT đã yêu cầu các nhà xuất bản rà soát và chỉnh sửa những "hạt sạn" trong SGK.
Thời gian triển khai SGK mới đúng vào thời điểm dịch COVID-19 bùng phát, gây ra những ảnh hưởng nhất định đến việc tập huấn cho các thầy cô về phương pháp giảng dạy, đặc biệt là cách giảng dạy có sự khác biệt lớn so với chương trình học cũ. Cô giáo Lê Vân - Khối trưởng khối 3, trường Tiểu học Quang Trung (quận Hoàn Kiếm, Hà Nội) chia sẻ: "Thời gian đầu, các thầy cô phải tiếp cận và làm quen với cấu trúc, nội dung mới của SGK, điều này đòi hỏi nhiều thời gian và công sức, đặc biệt là với những giáo viên đã quen với cách dạy truyền thống".
Cô Lê Vân chia sẻ thêm, do SGK mới đòi hòi các phương pháp dạy học mới, nhiều giáo viên cảm thấy khó khăn trong việc chuyển đổi từ phương pháp cũ sang phương pháp mới. Bên cạnh đó, vấn đề tài liệu tham khảo và hỗ trợ giảng dạy còn hạn chế, khiến các thầy cô gặp khó khăn trong việc chuẩn bị bài giảng trong năm đầu triển khai SGK mới.
Với cô Phạm Thị Nết - Tổ trưởng chuyên môn khối 4 và 5, trường Tiểu học Ngọc Khê 2 (huyện Ngọc Lặc, tỉnh Thanh Hóa) nhớ lại, khi mới tiếp cận với SGK mới cũng mang đến những khó khăn nhất định. Theo cô Nết, việc soạn bài của giáo viên còn nhiều bất cập do nguồn tài liệu chưa nhiều, thầy cô không có nhiều thời gian nghiên cứu bài dạy vì chương trình dạy 2 buổi/ngày vừa nghiên cứu bài dạy chương trình mới, soạn bài và chấm chữa bài. Khâu chuẩn bị đồ dùng cho một số tiết dạy khá công phu nên giáo viên cần đáp ứng đầy đủ cơ sở vật chất, đồ dùng dạy học cho tiết dạy.
Cô Dương Thúy Bình - Phó Hiệu trưởng phụ trách chuyên môn trường Tiểu học Nguyễn Văn Tố (TP. Hải Phòng) chia sẻ: "Dĩ nhiên vào năm đầu triển khai có những khó khăn nhất định, các cô giáo chưa hiểu hết sách và chương trình học. Giáo viên vừa dạy vừa tìm hiểu, từ chương trình cũ dạy qua chương trình mới cần có thời gian thích ứng, không phải dễ".
Việc chuyển mục tiêu từ đảm bảo chuẩn kiến thức kỹ năng của Chương trình GDPT 2006 sang đảm bảo năng lực, phẩm chất theo Chương trình GDPT 2018 là một thay đổi lớn trong giáo dục. "Học sinh cần phải biết cách quản lý thời gian hiệu quả để hoàn thành các dự án, bài tập và hoạt động học tập khác. Điều này đòi hỏi kỹ năng lập kế hoạch và tổ chức công việc, một kỹ năng mà nhiều học sinh chưa được rèn luyện đầy đủ", thầy Dương Đình Quân, giáo viên trường THCS và THPT Chu Văn An (Quảng Bình) chia sẻ về những thách thức với học sinh khi triển khai phương pháp học tập mới.
Thầy Quân nhận định, việc triển khai học sách mới cần có sự đồng hành từ phía nhà trường và gia đình. Tuy nhiên, không phải gia đình nào cũng có khả năng hoặc thời gian để hỗ trợ con em mình trong việc học tập. Đồng thời việc chưa có kinh nghiệm hoặc kỹ năng trong triển khai chương trình SGK mới cũng có thể coi là một trở ngại.
Bên cạnh đó, trong quá trình triển khai SGK trong những năm qua, xuất hiện một số vấn đề nhận được sự quân tâm của xã hội như: giá thành SGK cao hơn so với SGK cũ từ 2 đến 4 lần; cho học sinh viết trực tiếp vào sách; chất lượng sách chưa đảm bảo; thiếu SGK trước thềm năm học mới; cơ sở giáo dục không trực tiếp lựa chọn SGK để giảng dạy; lựa chọn nhiều đầu sách gây khó khăn cho phụ huynh trong việc chọn mua cho sách cho con,...
Gỡ nút thắt trong quá trình triển khai SGK mới
Trước những khó khăn và thách thức được đặt ra trong việc triển khai SGK mới theo Chương trình GDPT 2018, ngành Giáo dục cùng các thầy cô đã nỗ lực khắc phục, phát huy tư duy sáng tạo để đảm bảo hiệu quả trong việc dạy và học.
Cô Dương Thúy Bình - Phó Hiệu trưởng phụ trách chuyên môn trường Tiểu học Nguyễn Văn Tố (TP. Hải Phòng) chia sẻ về việc nhà trường đã nỗ lực tìm cách khắc phục để đáp ứng tốt hơn việc dạy và học: "Ban Giám hiệu phải là người hiểu rõ về dạy SGK theo Chương trình GDPT mới. So sánh với SGK cũ, nhà trường khuyến khích thầy cô lựa chọn những nội dung học hay áp dụng vào giảng dạy. Ngay từ tháng 8, chúng tôi đã tổ chức bồi dưỡng chuyên môn cho giáo viên, trong đó lựa chọn những bài khó nhất để thầy cô hiểu phương pháp dạy, nhất là đối với SGK lớp 5 bắt đầu được giảng dạy trong năm học này. Thậm chí, giáo viên còn đóng vai học sinh đưa ra những tình huống khó để có thể áp dụng trong quá trình dạy thực tế. Bản thân người giáo viên cần phải nắm chắc nội dung và phương pháp giảng dạy để giải đáp được thắc mắc của phụ huynh".
Cô Phạm Thị Nết, giáo viên trường Tiểu học Ngọc Khê 2 (huyện Ngọc Lặc, Thanh Hóa) nêu quan điểm, các chương trình tập huấn đã dần đáp ứng được kỳ vọng của thầy cô. Trong đó, giảng viên giải đáp kịp thời những vướng mắc của giáo viên trong quá trình tập huấn, cung cấp đầy đủ các tài liệu và video minh họa đầy đủ. Nhờ đó, cô Nết cùng giáo viên của trường nắm được phương pháp tổ chức giảng dạy và tự tin hơn khi đứng lớp.
Trong quá trình tập huấn, ngành Giáo dục các cấp đã mời các Tổng chủ biên, tác giả viết sách về tập huấn trực tiếp cho giáo viên. Trong đó, tổ chức các tiết học thực tế có sự tham gia của giáo viên và học sinh nhằm làm rõ phương pháp giảng dạy. Những lớp tập huấn này đã giải đáp được nhiều vướng mắc của giáo viên. Ngoài ra, các nhà xuất bản đã lập ra nhiều hội nhóm giáo viên theo từng cấp học, tại đây, giáo viên có thể đặt câu hỏi để nhận được câu trả lời từ đội ngũ tác giả viết sách và đồng nghiệp.
"Tôi thấy việc có các hội nhóm trên mạng xã hội để giáo viên được trao đổi rất thiết thực với một cộng đồng lớn, rộng mở. Các thầy cô có thể chia sẻ những khó khăn, vướng mắc trong quá trình dạy học SGK mới và góp ý cho nhau. Thuận lợi hơn nữa khi chính những tác giả viết sách phản hồi những ý kiến của giáo viên", thầy Đặng Toàn, một giáo viên ở Hà Giang nói.
Về lỗi ngữ liệu trong SGK, cô Lê Vân (TH Quang Trung, quận Hoàn Kiếm, TP. Hà Nội) thẳng thắn chia sẻ: "Một số giáo viên đã phát hiện ra những lỗi in ấn nhỏ trong quá trình dạy học, nhà trường tập hợp lỗi về nội dung hoặc cách trình bày chưa hợp lý trong SGK mới. Các lỗi này đã được phản ánh lại với nhà xuất bản để kịp thời chỉnh sửa cho các lần in sau".
Đặc biệt, Bộ GD&ĐT quan tâm đến vấn đề sai sót về kiến thức, ngữ liệu trong SGK. Vào năm 2022, Bộ GD&ĐT đã yêu cầu thu hồi hàng ngàn đầu sách để chỉnh sửa, tiêu hủy, đảm bảo tránh ảnh hưởng đến kiến thức chuẩn có trong sách.
Đối với những vấn đề vĩ mô, ảnh hưởng đến việc dạy và học SGK mới, Chính phủ, Bộ GD&ĐT đã có những quyết định nhanh chóng nhằm đảm bảo quyền lợi của giáo viên và học sinh. Kể đến như, yêu cầu không viết vào SGK để có thể sử dụng lâu dài; ban hành Thông tư số 27 quy định các cở sở giáo dục có quyền lựa chọn bộ SGK phù hợp đưa vào giảng dạy, dựa trên đồng thuận của giáo viên và phụ huynh, bắt đầu từ năm 2024.
Vấn đề nóng nhất là giá SGK, Bộ GD&ĐT đã yêu cầu các nhà xuất bản kiểm soát chặt chẽ chi phí sản xuất, tiết giảm chi phí để giảm giá SGK, hỗ trợ người tiêu dùng, đảm bảo an sinh xã hội; thực hiện kiến nghị tại Nghị quyết 686/NQ-UBTVQH15-2023 ngày 18/9/2023 của Ủy ban thường vụ Quốc hội, trong đó nêu vấn đề về SGK tăng giá.
Bước vào thềm năm học 2024-2025, vấn đề giá và cung ứng SGK được đặc biệt quan tâm. Ngay khi kết thúc năm học, Bộ GD&ĐT đã chỉ đạo NXB Giáo dục Việt Nam giảm giá sách và đảm bảo cung ứng đầy đủ sách trước năm học mới. Theo đó, giá SGK của NXB Giáo dục Việt Nam giảm trung bình 15%. Đối với SGK Cánh Diều, giá sách giảm 20% giá bìa đối với sách mua trang bị, tặng cho thư viện dùng chung trong các trường học; học sinh nghèo, học sinh vùng khó khăn, dân tộc thiểu số và thư viện tại một số trường nội trú trên cả nước sẽ được tặng sách hoặc hưởng chính sách giảm giá khi mua tại trường.
Thực tế, phóng viên báo TNTP&NĐ đã tìm hiểu ở một số nhà sách trên địa bàn TP. Hà Nội để tìm hiểu về giá SGK. Theo đúng tinh thần giảm giá SGK, hầu hết các cuốn sách đều được điều chỉnh giảm so với giá bìa, được dán tem mới, giúp người mua dễ nhận biết".
Chị Vũ Thị Thủy (quận Hà Đông, TP. Hà Nội), có con gái năm nay vào lớp 1 cho biết: "Nếu chỉ tính đơn lẻ như gia đình tôi thì số tiền tiết kiệm được khi mua sách cho con không lớn. Nhưng nếu tính rộng ra, cả triệu học sinh thì số tiền tiết kiệm được sẽ rất lớn. Chưa kể, với những học sinh ở vùng còn khó khăn sẽ giúp gia đình các cháu giảm đi phần nào số tiền mua sách".
Tại phiên họp Chính phủ thường kỳ tháng 5/2024, Thủ tướng Phạm Minh Chính đánh giá, việc giảm giá SGK với mức trung bình 15% đã góp phần giảm áp lực lạm phát, giữ ổn định chỉ số CPI, nhất là trong giai đoạn cuối quý II, đầu quý III nằm 2024.
Có thể thấy, trong quá trình triển khai SGK mới, ngành Giáo dục luôn lắng nghe ý kiến từ nhiều phía và có những thay đổi phù hợp nhằm đảm bảo quá trình triển khai dạy và học SGK mới đi đúng lộ trình, chủ trương của Đảng về đổi mới căn bản, toàn diện giáo dục phổ thông.
Tuy gặp những vướng mắc nhất định trong quá trình triển khai SGK mới, nhưng đa phần giáo viên đều có những đánh giá, nhận định tích cực về phương pháp dạy và học theo Chương trình GDPT 2018. Trong bài tới, báo TNTP&NĐ tiếp tục gửi đến độc giả phản hồi của thầy cô về những điểm sáng của SGK mới trong quá trình dạy học. |