Quán triệt, triển khai các Chỉ thị, Nghị quyết của Đảng, bám sát hướng dẫn công tác tuyên truyền về biển, đảo của Ban Tuyên giáo Trung ương (nay là Ban Tuyên giáo và Dân vận Trung ương), yêu cầu đổi mới hoạt động công tác Đoàn và phong trào thanh niên Quân đội giai đoạn 2012-2027, trên cơ sở chức năng, nhiệm vụ của Lực lượng, từ năm 2013 đến nay, Cảnh sát biển Việt Nam đã đề xuất mô hình tổ chức Cuộc thi “Em yêu biển đảo quê hương”. Đây là sự sáng tạo, nét riêng trong hoạt động công tác đoàn và phong trào thanh niên của lực lượng Cảnh sát biển nhằm tạo sân chơi lành mạnh, bổ ích để học sinh bậc Trung học cơ sở được tìm hiểu về biển đảo Việt Nam, nâng cao hiểu biết và không ngừng bồi dưỡng tình yêu biển đảo quê hương ngay khi còn đang trên ghế nhà trường.

Nguồn gốc ra đời của Cuộc thi
Theo Nghị quyết số 09-NQ/TW ngày 09/02/2007 của BCH Trung ương Đảng khoá X “Về Chiến lược biển Việt Nam đến năm 2020” đã xác định việc nâng cao nhận thức về vị trí, vai trò của biển đối với sự nghiệp xây dựng và bảo vệ Tổ quốc là nhiệm vụ, giải pháp đầu tiên trong 09 nhóm nhiệm vụ và giải pháp thực hiện Chiến lược biển Việt Nam đến năm 2020.
Triển khai thực hiện Nghị quyết số 09-NQ/TW, ngày 30/5/2007, Chính phủ đã ban hành Nghị quyết số 27/2007/NQ-CP về Chương trình hành động của Chính phủ; đồng thời, ngày 23/3/2010, Thủ tướng Chính phủ đã phê duyệt Đề án đẩy mạnh công tác tuyên truyền về quản lý, bảo vệ và phát triển bền vững biển và hải đảo Việt Nam trong đó yêu cầu phải đổi mới nội dung, đa dạng hoá các hình thức tuyên truyền gắn với thực hiện nhiệm vụ chính trị, chuyên môn của các Bộ, ngành, địa phương; đến với mọi đối tượng, tầng lớp trong đó cần chú trọng tới thế hệ trẻ.
Cụ thể hoá các quan điểm của Đảng, chính sách và pháp luật của Nhà nước về biển đảo; trong Hướng dẫn số 74-HD/BTGTW ngày 01/02/2013 của Ban Tuyên giáo Trung ương (nay là Ban Tuyên giáo và Dân vận Trung ương) về công tác tuyên truyền biển đảo năm 2013 đã định hướng, đặt ra yêu cầu phải đổi mới nội dung, hình thức tuyên truyền về biển đảo đối với học sinh, sinh viên.
Chương trình Đại hội Đoàn toàn quân lần thứ VIII (giai đoạn 2012-2017) ngày 29/11/2012 cũng đã đặt ra nhiệm vụ đổi mới, nội dung công tác tuyên truyền và xây dựng mô hình trong hoạt động công tác đoàn và phong trào thanh niên Quân đội giai đoạn 2012-2017.
Bên cạnh đó, tại Điều 10, Chương 2, trong Pháp lệnh số 03/2008/PL-UBTVQH12 ngày 26/01/2008 của Uỷ ban Thường vụ Quốc hội Khoá 10 về lực lượng Cảnh sát biển Việt Nam quy định: Công tác tuyên truyền, vận động nhân dân chấp hành pháp luật trên biển là một trong những chức năng, nhiệm vụ của Cảnh sát biển Việt Nam.
Trước yêu cầu, đòi hỏi cấp thiết của công tác tuyên truyền, giáo dục về biển đảo đối với các tầng lớp nhân dân nói chung và với thanh, thiếu nhi nói riêng. Đặc biệt, đối tượng học sinh bậc THCS chưa có nhiều hoạt động ngoại khoá, chưa có “sân chơi” hiệu quả để giúp các em có thêm kiến thức về biển đảo Việt Nam. Trong khi đó, học sinh bậc THCS là lứa tuổi hiếu động, ham tìm hiểu, khám phá, các em cũng đã có những hiểu biết, kiến thức nhất định về địa lý, lịch sử, văn hoá xã hội... Quan trọng nhất, đây chính là chủ nhân tương lai của đất nước, là những người trực tiếp đóng góp công sức, trí tuệ vào xây dựng, phát triển, bảo vệ biển đảo Việt Nam cả trước mắt cũng như lâu dài. Do đó, từ đầu năm 2013, Phòng Chính trị/Cục Cảnh sát biển (nay là Cục Chính trị Cảnh sát biển Việt Nam) đã nhất trí đề xuất tổ chức Cuộc thi “Em yêu biển, đảo quê hương” tại Trường THCS Nguyễn Trãi, Hà Đông, Hà Nội vào ngày 21/3/2023. Từ thành công sau lần đầu tiên tổ chức, Đảng uỷ, Thủ trưởng Cục Cảnh sát biển đã cho phép nhân rộng mô hình này trong toàn Lực lượng.
Công tác lãnh đạo, chỉ đạo, tổ chức thực hiện
Từ năm 2014, nội dung tổ chức Cuộc thi “Em yêu biển, đảo quê hương” đã được đưa vào Kế hoạch CTĐ, CTCT hằng năm của lực lượng Cảnh sát biển; từ năm 2016 được đưa vào Chỉ thị CTĐ, CTCT; từ năm 2019 đã được xác định trong Nghị quyết lãnh đạo năm của Đảng uỷ Cảnh sát biển. Qua đó, cấp uỷ, chỉ huy, cơ quan chính trị các Vùng CSB, các Đoàn trong Lực lượng đã quan tâm lãnh đạo, chỉ đạo, tạo điều kiện thuận lợi cho tổ chức Đoàn phối hợp với các nhà trường THCS trên địa bàn đóng quân, nơi thực hiện nhiệm vụ để tổ chức Cuộc thi.
Trên cơ sở báo cáo, đề xuất của Phòng Chính trị/Cục Cảnh sát biển, Ban Thanh niên Quân đội đã đưa mô hình Cuộc thi “Em yêu biển, đảo quê hương” của Cảnh sát biển Việt Nam vào nhóm các công trình, mô hình trọng điểm của tuổi trẻ Quân đội giai đoạn 2014-2017 để tập trung hướng dẫn, chỉ đạo, bảo đảm kinh phí.
Thực hiện chủ trương của Đảng uỷ, Thủ trưởng Cục Cảnh sát biển; bám sát sự chỉ đạo, hướng dẫn của Ban Thanh niên Quân đội; Phòng Chính trị/Cục Cảnh sát biển đã xây dựng Kế hoạch số 555/KH-CT ngày 06/4/2013 về thực hiện mô hình tổ chức Cuộc thi “Em yêu biển, đảo quê hương” tại các Trường THCS trong lực lượng Cảnh sát biển. Hằng năm, Cục Chính trị (trước đây là Phòng Chính trị) đều có hướng dẫn, chỉ đạo cụ thể về tổ chức Cuộc thi đối với các đơn vị thông qua hướng dẫn xây dựng, thực hiện kế hoạch công tác thanh niên; từ năm 2020 đến nay, trên cơ sở đề nghị của các đơn vị đã xây dựng kế hoạch tổ chức Cuộc thi trong toàn Lực lượng đảm bảo tính thống nhất, đồng đều, hiệu quả giữa các địa phương và phù hợp thời gian trong năm.
Sau khi Kế hoạch tổ chức Cuộc thi được Thủ trưởng BTL Cảnh sát biển phê duyệt, Cục Chính trị Cảnh sát biển đã chủ động hướng dẫn, chỉ đạo triển khai đồng bộ Cuộc thi tới các đơn vị trực thuộc. Trên cơ sở kế hoạch tổng thể, các đơn vị cụ thể hoá phù hợp đặc điểm tình hình nhiệm vụ và thực tiễn địa phương nơi tổ chức, có dự toán kinh phí chi tiết, phối hợp chặt chẽ với cấp uỷ, chính quyền và ngành giáo dục địa phương để hoàn chỉnh kế hoạch, chương trình, kịch bản Cuộc thi tại từng địa phương.
Hoạt động phối hợp để tiến hành tổ chức Cuộc thi giữ vị trí rất quan trọng, quyết định tới chất lượng và kết quả Cuộc thi. Do đó, chính uỷ (chính trị viên), người chỉ huy, cơ quan chính trị các cơ quan, đơn vị đã tập trung lãnh đạo, chỉ đạo chủ động phối hợp chặt chẽ với cấp uỷ, chính quyền, các ban, ngành, tổ chức chính trị - xã hội địa phương trước, trong và sau Cuộc thi. Sự phối hợp tập trung vào chuẩn bị tốt về kế hoạch, chương trình, nội dung kịch bản, người dẫn chương trình, tổ giám sát, ban cố vấn, nội dung bộ câu hỏi thi, số lượng học sinh, số lượng nhà trường tham gia cùng cơ cấu giải thưởng và các hoạt động văn hoá văn nghệ, các trò chơi tập thể... Hoạt động thông tin, tuyên truyền cũng được chú trọng. Đơn vị và địa phương thống nhất cụ thể maket, khẩu hiệu tuyên truyền, phóng viên các báo, đài tham dự và đưa tin về Cuộc thi cũng như các mặt công tác đảm bảo khác.

Đối tượng, nội dung, hình thức tổ chức Cuộc thi
Đối tượng chủ yếu mà Cuộc thi hướng tới là học sinh bậc THCS; tại một số địa phương đã mở rộng tới học sinh bậc tiểu học hoặc bậc PTTH. Tham dự, cổ vũ Cuộc thi có đại biểu đơn vị, cấp uỷ, chính quyền, các ban, ngành, tổ chức chính trị - xã hội địa phương; các thầy cô giáo, học sinh, phụ huynh; đơn vị đồng hành, tài trợ…
Nội dung Cuộc thi hướng tới trang bị những kiến thức về biển đảo Việt Nam; pháp luật Việt Nam và quốc tế về biển, đảo; về chức năng nhiệm vụ, truyền thống của Cảnh sát biển Việt Nam, truyền thống quê hương; mở rộng thêm một số câu hỏi về bảo vệ môi trường biển, tội phạm ma túy, tác hại ma túy và cách phòng tránh, bạo lực học đường và cách phòng tránh.
Cuộc thi được tổ chức theo hai hình thức chủ yếu: thi trực tiếp và thi trực tuyến. Cuộc thi trực tiếp được vận dụng trên cơ sở hình thức thi “Rung chuông vàng” nhưng có sự thay đổi phù hợp với lứa tuổi và mục đích hướng đến; có phiên bản thi cho cá nhân và tập thể, với 04 phần thi mang đậm hình ảnh về biển là “Ra khơi”, “Vượt sóng”, “Cập bến”, “Đặt mốc chủ quyền”. Các em học sinh (thi cá nhân) hoặc các đội (thi tập thể) tham gia dự thi sẽ trả lời các câu hỏi dưới dạng trắc nghiệm đúng sai, chọn một đáp án đúng nhất trong các phương án đưa ra hoặc điền từ còn thiếu vào chỗ trống... xen giữa các phần thi có phần “Giải cứu” là các trò chơi vận động do các cô giáo, học sinh và các cán bộ, chiến sĩ Cảnh sát biển thực hiện, vừa tạo sự sôi động vừa mang tính giáo dục cao như: Góp đá xây đảo, chuyển hàng vào đảo, nước ngọt đến với đảo xa, ghép tranh về biển…
Đối với phiên bản thi tập thể có đơn vị đã sáng tạo thêm phần thi cuối bằng hình thức thi vẽ tranh, viết thư, làm thơ, hùng biện… về chủ đề biển đảo để lựa chọn đội thắng cuộc.
Từ thực tiễn, một số đơn vị cũng đã linh hoạt trong tổ chức kết hợp hình thức trực tuyến và trực tiếp. Thi trực tuyến dùng cho sơ loại (cấp huyện trước đây; cấp xã/cụm xã hiện nay) trên phần mềm Myaloha hoặc website để lựa chọn ra học sinh có thành tích tốt nhất vào thi chung kết bằng hình thức thi trực tiếp.
Các hoạt động bổ trợ trong Cuộc thi
Cùng với việc tổ chức Cuộc thi còn có các hoạt động bổ trợ khác nhằm mở rộng thêm không gian, đối tượng tham gia, tạo sự sôi động, mang ý nghĩa tuyên truyền, giáo dục, lan toả tích cực, tạo thành “Ngày hội về biển đảo” ở địa phương như:
Hoạt động báo cáo viên, tuyên truyền tập trung: Tuỳ tình hình, Ban Tổ chức Cuộc thi có thể lựa chọn hình thức tổ chức hoạt động tuyên truyền phù hợp như thông tin thời sự, nói chuyện chuyên đề, chiếu phim tư liệu... kết hợp trưng bày tranh/ảnh tuyên truyền biển, đảo, nét đẹp quê hương, đất nước và các hoạt động của lực lượng Cảnh sát biển cũng như cấp phát tờ rơi, tờ gấp, sổ tay pháp luật Cảnh sát biển cho các đối tượng người nghe.
Hoạt động ra quân chiến dịch hãy làm sạch môi trường “Vì một Việt Nam xanh” xây dựng nông thôn mới: Hưởng ứng Chương trình “Vì một Việt Nam xanh”, “Chống rác thải nhựa”,“Hãy làm sạch biển”, “Hành trình thứ hai của lốp xe, chai nhựa”... Mỗi Cuộc thi đều diễn ra hoạt động ra quân chiến dịch hãy làm sạch môi trường “Vì một Việt Nam xanh” xây dựng nông thôn mới. Hoạt động này nhằm thắt chặt hơn nữa mối đoàn kết giữa tổ chức đoàn địa phương và đơn vị, đồng thời thể hiện tinh thần xung kích của tuổi trẻ trong bảo vệ môi trường.
Hoạt động an sinh xã hội: Trong một số Cuộc thi, căn cứ tình hình thực tiễn và nhu cầu của địa phương, Ban Tổ chức có thể tổ chức hoạt động an sinh xã hội như khám và cấp phát thuốc miễn phí, trao tặng một số phần quà ý nghĩa. Đối tượng hướng đến là Mẹ Việt Nam Anh hùng, Anh hùng Lực lượng vũ trang, các thương bệnh binh, các gia đình chính sách, người có công với cách mạng, hộ nghèo, học sinh nghèo vượt khó... Đây là một hoạt động rất ý nghĩa nhằm giáo dục truyền thống “Uống nước nhớ nguồn, ăn quả nhớ người trồng cây” của dân tộc Việt Nam, đồng thời chung tay cũng xã hội sẻ chia phần nào khó khăn trong cuộc sống của các học sinh có hoàn cảnh gia đình khó khăn, tiếp tục có cơ hội tới trường. Nhờ có sự tích cực hưởng ứng tham gia của các tổ chức, cá nhân, nhà tài trợ, nhà đồng hành ủng hộ nguồn lực mà hoạt động an sinh xã hội gắn với Cuộc thi đã tạo sự lan tỏa sâu rộng trong cộng đồng.

Hiệu ứng tích cực của Cuộc thi
Từ năm 2013 đến nay, Cảnh sát biển Việt Nam đã tổ chức thành công 156 Cuộc thi “Em yêu biển đảo quê hương” trên địa bàn 35 tỉnh, thành trên cả nước (với 21/21 tỉnh, thành ven biển) với 561 Trường THCS tham gia, 230.261 lượt học sinh thi trực tuyến, 8.625 học sinh thi trực tiếp, trao tặng 2.110 giải thưởng. Ngoài ra, Ban Tổ chức còn lồng ghép Cuộc thi chính với phát động và trao tặng 594 giải thưởng cho các học sinh đạt thành tích trong tham gia các Cuộc thi bên lề như sáng tác các tác phẩm văn học nghệ thuật, vẽ tranh, xây dựng video clip, viết cảm tưởng,… về người chiến sĩ Cảnh sát biển.
Cùng với tổ chức Cuộc thi, Cảnh sát biển Việt Nam còn phối hợp với cấp ủy, chính quyền, các tổ chức chính trị - xã hội địa phương, các tổ chức, cá nhân, nhà đồng hành tổ chức tuyên truyền pháp luật cho 19.170 lượt người, thu hút gần 2.000 lượt cán bộ, đoàn viên tham gia các hoạt động ra quân vệ sinh môi trường; tặng hơn 4.000 suất quà cho các đối tượng chính sách; trao 6.641 suất học bổng, 2.674 xe đạp, 630 cặp sách, 14.520 cuốn vở học sinh và dụng cụ học tập cho học sinh có hoàn cảnh gia đình khó khăn vươn lên học tốt; tổ chức khám và cấp thuốc miễn phí cho 2.673 lượt người; hỗ trợ công tác dạy học, tuyên truyền pháp luật của các nhà trường 84 tivi, 06 bộ loa máy âm ly, 42 bộ máy tính/máy in, 1 tủ sách pháp luật,...
Cuộc thi đã thực sự tạo hiệu ứng lan tỏa tích cực trong cộng đồng. Cuộc thi là một hoạt động cụ thể hoá, hiện thực hoá văn bản ký kết chương trình phối hợp giữa Cảnh sát biển Việt Nam với địa phương. Củng cố, tăng cường sự hiểu biết lẫn nhau giữa Cảnh sát biển Việt Nam với cấp uỷ, chính quyền, các ban, ngành, tổ chức chính trị - xã hội, lực lượng vũ trang địa phương trên địa bàn đóng quân hoặc nơi thực hiện nhiệm vụ. Góp phần xây dựng thế trận quốc phòng toàn dân, thế trận an ninh nhân dân, “thế trận lòng dân” ngày càng vững chắc.
Đối với nhân dân, Cuộc thi góp phần củng cố và không ngừng thắt chặt thêm tình đoàn kết, gắn bó keo sơn quân dân như cá với nước. Xây dựng hình ảnh tốt đẹp “Bộ đội Cụ Hồ - Người chiến sĩ Cảnh sát biển” trong lòng Nhân dân. Nâng cao hiểu biết, kiến thức về biển, đảo Tổ quốc và pháp luật liên quan tới biển đảo, xây dựng ý thức chấp hành pháp luật và ý thức giữ gìn an ninh trật tự địa phương. Có vai trò quan trọng đối với nhiệm vụ xây dựng thế trận an ninh nhân dân, nền quốc phòng toàn dân vững chắc.
Đối với thầy cô giáo, Cuộc thi là một hoạt động có ý nghĩa quan trọng trong tuyên truyền, giáo dục nâng cao nhận thức, hiểu biết, trang bị kỹ năng sống cho học sinh bậc THCS. Là hoạt động trải nghiệm bổ ích giữa thầy cô giáo và học sinh, tăng cường sự gắn kết giữa nhà trường, thầy cô giáo và học sinh.
Đối với các em học sinh, Cuộc thi giúp cho học sinh có được một sân chơi bổ ích, lành mạnh, thiết thực ý nghĩa, tăng cường sự gắn kết giữa những người cùng độ tuổi. Trang bị kiến thức, nâng cao hiểu biết về biển, đảo Tổ quốc, pháp luật Việt Nam và quốc tế về biển, đảo; về Cảnh sát biển Việt Nam; về truyền thống quê hương, đất nước… Được trang bị những kỹ năng tốt trong phòng chống ma túy và tác hại ma túy, bạo lực học đường và cách phòng tránh, có kỹ năng tự bảo vệ mình trước những cám dỗ cuộc sống. Khơi dậy niềm say mê tìm hiểu biển đảo Tổ quốc, xây dựng lòng yêu nước, yêu biển đảo Tổ quốc ngay từ khi còn trên ghế nhà trường. Xây dựng ý thức chấp hành pháp luật, tránh xa những tệ nạn xã hội, phấn đấu là công dân tốt trong tương lai.
Nhờ những hiệu quả tích cực mà Cuộc thi mang lại, Cuộc thi “Em yêu biển đảo quê hương” đã được Trung ương đoàn TNCS Hồ Chí Minh chứng nhận là “Công trình Thanh niên làm theo lời Bác” tiêu biểu toàn quốc năm 2019 nhân dịp 50 năm Tuổi trẻ Việt Nam nhớ lời di chúc theo chân Bác (1969 - 2019); năm 2015 được Tổng cục Chính trị tặng Bằng khen về mô hình tiêu biểu của tuổi trẻ toàn quân giai đoạn 2012-2015; năm 2016 được trao giải thưởng Vừ A Dính. Đặc biệt, ngày 03/9/2024, Bộ trưởng Bộ Quốc phòng đã ký phê duyệt Đề án tổ chức Cuộc thi “Em yêu biển, đảo quê hương” trên phạm vi toàn quốc giai đoạn 2024-2030 và những năm tiếp theo. Việc Đề án được phê duyệt đã góp phần khắc phục những khó khăn, vướng mắc về mặt cơ chế, nguồn lực, huy động được sức mạnh tổng hợp và sự vào cuộc chủ động, tích cực của các cấp, các ngành từ Trung ương đến địa phương trong tham gia phối hợp tổ chức Cuộc thi.
Có thể khẳng định, sau 12 năm triển khai, Cuộc thi “Em yêu biển đảo quê hương” do Cảnh sát biển Việt Nam tổ chức đã trở thành mô hình giáo dục thực sự thiết thực và hiệu quả, có ý nghĩa sâu sắc trong công tác tuyên truyền biển đảo, giáo dục chính trị, nâng cao nhận thức và tình yêu quê hương, đất nước cho thế hệ trẻ. Cuộc thi không chỉ là sân chơi trí tuệ mà còn là nhịp cầu gắn kết giữa Cảnh sát biển Việt Nam và các địa phương, góp phần lan tỏa hình ảnh đẹp của “Bộ đội Cụ Hồ - Người chiến sĩ Cảnh sát biển” trong lòng nhân dân, xây dựng thế trận quốc phòng toàn dân, thế trận an ninh nhân dân ngày càng vững chắc, tăng cường sức mạnh tổng hợp trong bảo vệ vững chắc chủ quyền biển đảo thiêng liêng của Tổ quốc Việt Nam xã hội chủ nghĩa.
Trung tá, ThS Nguyễn Hồng Nhật
Trợ lý thanh niên, Ban Công tác quần chúng, Cục Chính trị Cảnh sát biển Việt Nam