Bài văn tả bố đạt 9,5 điểm của nữ sinh lớp 7: chi tiết dung dị, đời thường nhưng sao cay khoé mắt

Minh Hồng
Trong bài văn, người bố xuất hiện với vẻ đẹp dung dị, rất đời thường nhưng những điều bố đã làm cho gia đình thì thật lớn lao.

Bài tập làm văn kể về người thân trong gia đình dường như đã quá quen thuộc với hội học trò. Cũng từ đề bài ấy, loạt “tác phẩm” ra đời, muôn hình vạn trạng, có bài văn “bá đạo” khiến dân mạng cười nghiêng ngả, có bài văn lại gây sốt vì xúc động vô cùng.

Bài văn tả bố của cô bạn học sinh lớp 7 dưới đây là một ví dụ. Chẳng từ ngữ văn hoa, ngôn từ chau chuốt, cô bạn vẫn lấy đi nước mắt của hàng ngàn người nhờ thông điệp và lối diễn đạt chân thật, đong đầy cảm xúc của mình.

Bài văn nhận được 9,5 điểm - từ giáo viên - một mức điểm không hề dễ đạt được trong các bài kiểm tra Ngữ Văn. Cô giáo còn dành nhiều lời khen tặng cho cô học trò "Bài viết biểu lộ những cảm xúc rất chân thành. Em nên để bố đọc bài viết này, như một lời cảm ơn cũng như bộc bạch những cảm xúc chân thành của mình với bố!". 

Nội dung bài viết như sau:

"Bố là tất cả! Bố ơi Bố ơi!" - Câu hát hồn nhiên, đáng yêu này có thể lay động trái tim của bất cứ một ai được bố che chở, chăm bẵm từ nhỏ. Em cũng không phải là ngoại lệ, với em bố như một thế giới thu nhỏ, thế giới ngập tràn tình yêu thương, một thế giới màu hồng ấm áp.

Bố em là người đàn ông 40 tuổi với chiều cao khiêm tốn một mét sáu mươi lăm, tuy chỉ cao có vậy nhưng bóng lưng bố với em lại cao lớn và vững chãi đến mức có thể che chắn cho em bất cứ khó khăn nào trong cuộc sống.

Gương mặt bố em hiện rõ các nếp nhăn ở đuôi mắt và các vết nám trên mặt vì bố hay phải đi ngoài đường bụi bặm nhiều, nhưng bố luôn đưa áo chống nắng và khẩu trang cho em dùng với lí do là "Bố đàn ông cần gì quan tâm nhiều mấy cái đấy, mày con gái giữ da cho đẹp mai sau còn đi lấy chồng".

Tuy mặt nhiều nếp nhăn nhưng gương mặt bố vẫn toát ra thần thái nào đó khiến người đối diện rất có thiện cảm. Em thừa hưởng đôi chân và bàn tay to của bố, tuy mẹ em hay đùa rằng "nét xấu của bố con hưởng hết rồi", nhưng không hiểu vì sao em lại thương đôi tay đôi chân chai sạn của bố vô cùng, đôi bàn tay dìu dắt và đôi bàn chân bước đi cùng em qua những dấu mốc, những gian nan của cuộc đời, làm sao em không thương được cơ chứ!

Bài văn tả bố đạt 9,5 điểm của nữ sinh lớp 7: chi tiết dung dị, đời thường nhưng sao cay khoé mắt - Ảnh 2
Bài văn tả bố đạt 9,5 điểm của nữ sinh lớp 7
Bài văn tả bố đạt 9,5 điểm của nữ sinh lớp 7: chi tiết dung dị, đời thường nhưng sao cay khoé mắt - Ảnh 1

Ngày trước có lần bà nội kể với em rằng, đêm trước ngày em đẻ, bố mẹ bắt taxi đến bệnh viện nhưng đến giữa đường thì xe bị thủng lốp, thế là bố sốt sắng bắt xe ôm đưa mẹ em đến bệnh viện còn bố thì đi mua hoa chờ ngoài cổng viện.

Mẹ em đẻ khó, đi từ 2h sáng mà 12h trưa mới đẻ xong, khi bố được gặp em và mẹ, mọi cảm xúc của bố như vỡ òa, bố thút thít như đứa trẻ nhỏ khi được bế em trên tay.

Em từ nhỏ đã nhẹ cân và hay ốm đau, bố không ngại đưa hai mẹ con vào viện lúc đêm khuya khi em khó thở, sốt cao, bố không ngại chạy ra hàng thuốc cách nhà một quãng xa để mua thuốc cho em, bố không ngại đội mũ quàng chăn để dỗ em ăn mỗi khi em quấy khóc.

Khi em bắt đầu đi học, tuy nhà cách trường khá xa nhưng bố không ngại nắng mưa sáng đưa chiều đón em từ trường về nhà, hỏi thăm em và mua cho em những cây xúc xích nóng hổi như một phần thưởng vì đã chăm chỉ học tập!

Nhớ hồi lớp bốn có một lần em đi chơi với bạn mà quên nói với ông bà, thế là mọi người tìm em khắp khu phố, bố em phóng xe từ công ty về nhà khi biết tin. Khi em về bố và mọi người đã mắng em rất lâu nhưng em biết rằng mọi người làm vậy chỉ vì sợ em bị bắt cóc thôi. Lần đó em rất hối hận và tự hứa với bản thân mình sẽ không khiến bố và mọi người phải lo lắng cho mình nữa.

Khi lớn lên chúng ta sẽ lao vào vòng xoáy của công việc nơi chúng ta đặt tiền và chức danh lên đầu, mà quên mất rằng ở mái nhà nhỏ kia luôn có một người đàn ông với bóng hình to lớn luôn đợi chúng ta đi về ăn cơm nhà, luôn đợi chúng ta nói những lời yêu thương, luôn đợi để ôm chúng ta vào lòng

Bố à! Con của hiện tại không thể hiểu được nỗi lòng của bố, không hiểu được những khó khăn bố phải gánh trên vai nhưng con hứa mai sau con sẽ là người chăm sóc bố, thay bố gánh hết tất cả, con chỉ cần bố hạnh phúc thôi, con yêu bố nhiều!."

Qua lời kể của cô con gái, người bố hiện lên giản dị, đời thường với những "nếp nhăn ở đuôi mắt", "đôi chân và bàn tay to", "chiều cao khiêm tốn"... Nhưng điều phi thường đến từ những hành động quan tâm, chăm sóc của bố dành cho con gái, cho các thành viên trong gia đình. Bố khóc thút thít khi con gái chào đời, mua hoa trong lúc đợi vợ sinh em bé, không ngại nắng mưa sáng đưa chiều đón ... 

Những hành động quan tâm nhỏ bé nhưng đong đầy yêu thương của bố được nữ sinh lớp 7 quan sát tinh tế và đưa vào bài viết khiến người đọc xúc động rơi nước mắt. Đọc bài văn xong, dân tình đều nhận định điểm 9,5 là hoàn toàn xứng đáng với cô bạn. Đồng thời nhiều người dành lời khen tặng cho cô học trò, cảm thán nữ sinh ắt hẳn được dạy dỗ cẩn thận và sẽ trở thành người con hiếu thảo, có trách nhiệm trong tương lai.

Bài văn tả bố đạt 9,5 điểm của nữ sinh lớp 7: chi tiết dung dị, đời thường nhưng sao cay khoé mắt - Ảnh 1

 

Đọc báo điện tử Thiếu niên Tiền phong và Nhi đồng nhanh chóng, thuận tiện và an toàn hơn trên các thiết bị di động với Ứng dụng TNTP&NĐ Online

Tải ngay ứng dụng TNTP&NĐ Online TẠI ĐÂY

Bài liên quan

Bài Phóng Viên Nhỏ khác

Giáo dục lịch sử qua những hoạt động trải nghiệm

Lý Tự Trọng là một trong 8 thiếu niên xuất sắc được đứng trong hàng ngũ những đoàn viên đầu tiên của Việt Nam. Câu nói trước vành móng ngựa “con đường của thanh niên chỉ là con đường cách mạng, không thể là con đường khác” của Lý Tự Trọng đã trở nên bất hủ.

Bí thư thứ nhất T.Ư Đoàn Bùi Quang Huy giao lưu với người trẻ Việt Nam khởi nghiệp tại Trung Quốc

Chiều 14/10, đoàn đại biểu cấp cao T.Ư Đoàn do anh Bùi Quang Huy - Ủy viên dự khuyết T.Ư Đảng, Bí thư thứ nhất T.Ư Đoàn, Chủ nhiệm UBQG về Thanh niên Việt Nam làm trưởng đoàn đã có buổi gặp mặt giao lưu với lưu học sinh, thanh niên Việt Nam học tập và khởi nghiệp tại Trường Đại học Dân tộc Quảng Tây, Trung Quốc.

Quỹ Học bổng Vừ A Dính tổ chức họp mặt HSSV đầu năm học 2024-2025

Mới đây, Quỹ học bổng Vừ A Dính, CLB "Vì Hoàng Sa - Trường Sa thân yêu" đã tổ chức chương trình Họp mặt học sinh - sinh viên dân tộc và vùng hải đảo thuộc dự án “Ươm mầm tương lai” và “Hỗ trợ sinh viên” đầu năm học 2024-2025 tại Trường THCS - THPT Hồng Hà (quận Gò Vấp, TP. Hồ Chí Minh).