Các thống kê mới nhất của Anh cho thấy chỉ trong vòng 1 năm qua, có thêm 600 trường hợp bệnh tiểu đường type 2 được ghi nhận ở trẻ em, tức tăng thêm đến 14% so với năm ngoái. Theo dữ liệu từ Trường Đại học chuyên ngành Nhi khoa và sức khỏe trẻ em Hoàng gia Anh (RCPCH), có 8/10 các ca bệnh này là trẻ béo phì. 18 năm trước, chưa từng có một ca tiểu đường type 2 nào xuất hiện ở trẻ em. Đáng lo hơn, các chuyên gia cho rằng con số thực tế còn cao hơn rất nhiều, vì nhiều bệnh nhân vẫn còn "đâu đó", chưa được phát hiện và điều trị.
Tiểu đường type 2 rất nguy hiểm nếu xảy ra ở trẻ em. Ảnh TELEGRAPH.
Tiểu đường type 2 (không phụ thuộc insulin) là một căn bệnh rối loạn chuyển hóa thường gặp ở nhóm người lớn trên 40 tuổi, chủ yếu do hậu quả của lối sống thiếu lành mạnh trong thời gian dài: thừa cân, béo phì, ít vận động, chế độ dinh dưỡng nhiều thực phẩm "rác", thiếu cân đối… "Cơn bão" thức ăn nhanh, thực phẩm chế biến sẵn, lối sống công nghiệp ít vận động được xem là một trong những nguyên nhân khiến tỉ lệ tiểu đường type 2 trên thế giới không ngừng gia tăng.
Các nhà khoa học Anh cũng kết luận mối nguy lớn nhất của việc bệnh "người già" tấn công trẻ em này là tình trạng béo phì gia tăng. Dữ liệu từ Chương trình Đo lường Trẻ em Quốc gia vào năm 2015-2016 cho thấy có đến 19,3% trẻ em dưới 6 tuổi đã bị béo phì. Tiểu đường type 2 lần đầu được chẩn đoán ở các bé gái thừa cân từ Châu Á vào năm 2000 và lần đầu tiên được báo cáo ở thanh thiếu niên vào năm 2002.
Tiểu đường type 2 có thể dẫn đến các biến chứng nghiêm trọng ở người lớn như bệnh tim, suy thận, mù lòa… và các biến chứng càng nặng nề hơn nếu trẻ mắc bệnh từ nhỏ. Bệnh hoàn toàn có thể phòng ngừa bằng một lối sống lành mạnh.
Tại Việt Nam, các chuyên gia trong lĩnh vực y khoa cũng nhiều lần cảnh báo về vấn đề này. Trẻ em béo phì gia tăng mạnh, nhất là ở các thành phố lớn. Tại TP HCM, ghi nhận từ các bệnh viện chuyên khoa nhi cho thấy họ thi thoảng vẫn phải tiếp nhận các bệnh nhi đến khám vì bệnh "người già", như tiểu đường, cao huyết áp…
Theo NLĐ/Telegraph