Sốt xuất huyết đang hoành hành ở Hà Nội. Thông tin từ Trung tâm Y tế dự phòng Hà Nội cho biết đã ghi nhận trường hợp tử vong đầu tiên là một nữ sinh viên 19 tuổi của Học viện Ngân hàng (thuê trọ tại phường Trung Liệt, quận Đống Đa).
Cán bộ TTYT Dự phòng Hà Nội cùng nhân viên y tế Trường Đại học Luật Hà Nội kiểm tra, giám sát phát hiện các ổ bọ gậy trong khu ký túc xá sinh viên. Ảnh: SYT Hà Nội
700 trường hợp mắc, 1 người tử vong
Được biết, nữ sinh viên này được điều trị tại Bệnh viện Bệnh Nhiệt đới trung ương và kết quả mẫu bệnh phẩm xác định, bệnh nhân dương tính với virus sốt xuất huyết Dengue type 1. Ngay khi có ca bệnh này, Trung tâm Y tế dự phòng thành phố, Trung tâm Y tế quận Đống Đa cùng với phường Trung Liệt đã tiến hành điều tra côn trùng, vệ sinh môi trường diệt bọ gậy, phun hóa chất; truyền thông bằng loa truyền thanh di động tại khu vực bệnh nhân thuê trọ.
Từ đầu năm 2017 đến nay, trên địa bàn thành phố Hà Nội đã ghi nhận trên 700 trường hợp mắc tại 190 xã, phường ở 26 quận, huyện (tăng 2,1 lần so với cùng kỳ năm 2016). Tại nhiều quận/huyện trên địa bàn Hà Nội có số mắc sốt xuất huyết cao hơn cùng kỳ 2016 như: Đống Đa, Hai Bà Trưng, Hoàng Mai, Thanh Xuân, Thanh Trì, Hà Đông… Riêng quận Đống Đa là nơi ghi nhận số ca mắc sốt xuất huyết cao nhất. Từ đầu năm đến nay, tại đây ghi nhận 165 trường hợp mắc ở 18 phường và xác định được 37 ổ dịch tại 13 phường. Số mắc tăng gấp 3 lần, số ổ dịch tăng 1,85 lần so với cùng kỳ năm 2016.
Mới đây, trên địa bàn quận cũng ghi nhận ổ dịch sốt xuất huyết tại ký túc xá Trường ĐH Luật Hà Nội với 11 ca mắc. Ngoài ra, tại phường Khương Thượng cũng ghi nhận ổ dịch sốt xuất huyết tại ngõ 95 Chùa Bộc và ngõ 354 Trường Chinh với tổng số bệnh nhân là 10 người.
Trước diễn biến khó lường của dịch bệnh và đã có bệnh nhân tử vong, Sở Y tế Hà Nội đã có văn bản khẩn chỉ đạo các đơn vị y tế trong và ngoài công lập tăng cường triển khai các giải pháp phòng chống sốt xuất huyết. Trong đó đặc biệt nhấn mạnh đến công tác tuyên truyền, nhất là tổ chức họp dân để thông tin về tình hình dịch bệnh và hướng dẫn người dân cách phòng chống.
Tăng cường giám sát phát hiện các ca bệnh sốt xuất huyết tại các cơ sở khám-chữa bệnh, tại cộng đồng; điều tra, xử lý dịch sốt xuất huyết theo quy định. Tổ chức các chiến dịch tổng vệ sinh môi trường diệt bọ gậy để huy động cộng đồng tham gia phòng chống dịch. Tập trung mọi nguồn lực từ con người, thuốc, hóa chất, máy móc, trang thiết bị y tế cho công tác phòng chống dịch cũng như cấp cứu, điều trị cho người bệnh để hạn chế dịch bệnh bùng phát và lan rộng, giảm tử vong do dịch bệnh sốt xuất huyết.
4 type sốt xuất huyết luân phiên nhau gây dịch
Theo BS Lê Xuân Thuỷ (Cục Y tế dự phòng, Bộ Y tế), sốt xuất huyết xảy ra ở tất cả các nước nằm trong vùng khí hậu nhiệt đới. Ở Việt Nam, bệnh lưu hành rất phổ biến, ở cả 3 miền Bắc, Trung, Nam và Tây Nguyên, kể cả ở thành thị và vùng nông thôn, bệnh xảy ra quanh năm nhưng thường bùng phát thành dịch lớn vào mùa mưa, nhất là vào các tháng 7, 8, 9, 10.
Theo BS Lê Xuân Thủy, sự nguy hiểm của căn bệnh sốt xuất huyết ở chỗ bệnh chưa có thuốc điều trị đặc hiệu và chưa có vaccine phòng bệnh. Hơn nữa, bệnh thường gây ra dịch lớn với nhiều người mắc cùng lúc làm cho công tác điều trị hết sức khó khăn, có thể gây tử vong nhất là với trẻ em, gây thiệt hại lớn về kinh tế, xã hội. Người mắc bệnh sốt xuất huyết thường có biểu hiện sốt cao đột ngột 39 - 40 độ C, kéo dài 2 - 7 ngày, khó hạ sốt. Đau đầu dữ dội ở vùng trán, sau nhãn cầu. Có thể có nổi mẩn, phát ban. Do đó, khi nghi ngờ bị sốt xuất huyết cần đưa ngay người bệnh đến cơ sở y tế để được khám, điều trị kịp thời.
“Mặt khác, bệnh sốt xuất huyết do virus Dengue gây ra với 4 type gây bệnh được ký hiệu là D1, D2, D3, D4. Cả 4 type gây bệnh này đều gặp ở Việt Nam và luân phiên gây dịch. Do miễn dịch được tạo thành sau khi mắc bệnh chỉ có tính đặc hiệu đối với từng type cho nên người ta có thể mắc bệnh lần thứ 2 hoặc thứ 3 bởi những típ khác nhau” - BS Xuân Thủy nói.
Theo Lao động