Bất ngờ từ phong trào “5.000 bát hương cho Nghĩa trang liệt sĩ Trường Sơn” - Kỳ cuối

ĐỖ PHƯỢNG (Báo Sinh viên Việt Nam và Hoa học trò,nguyên phóng viên Báo TNTP)
TNTP - Tuy cuộc vận động đã kết thúc và hoàn thành như mục tiêu đã đề ra, nhưng cuối năm đó (năm 1992), một số trường học vẫn tiếp tục gửi tiền quyên góp về Tòa soạn Báo Thiếu niên Tiền phong (TNTP)...

Mục tiêu đã đề ra là trang bị 5.000 bát hương cho các phần mộ liệt sĩ của nghĩa trang, nhưng do lòng nhiệt tình và ý thức đền ơn đáp nghĩa sâu sắc, vào dịp cuối năm đó (năm 1992), một số trường học vẫn tiếp tục gửi tiền quyên góp về Tòa soạn Báo Thiếu niên Tiền phong (TNTP). Ban Biên tập quyết định dùng số tiền đó lập sổ tiết kiệm trao cho các gia đình liệt sĩ bộ đội Trường Sơn có hoàn cảnh khó khăn...

Qua Ban liên lạc bộ đội Trường Sơn tại Hà Nội, Tòa soạn được biết có một liệt sĩ ở Tiểu đoàn 20, Đoàn 559 Bộ đội Trường Sơn là anh Nguyễn Văn Xuân - một cao xạ pháo cừ khôi đã bắn hạ nhiều máy bay Mỹ tại mặt trận bảo vệ đường mòn Hồ Chí Minh. Anh Xuân đã anh dũng hy sinh trên mâm pháo cao xạ sau một trận chống máy bay Mỹ quyết liệt. Gần Tết nguyên đán, Ban Biên tập gọi tôi và giao nhiệm vụ: “Nếu báo ta chưa trao được sổ tiết kiệm cho gia đình liệt sĩ Nguyễn Văn Xuân ở huyện Kim Sơn, tỉnh Ninh Bình trước Tết thì chúng ta ăn Tết không ngon”.

Thế là ngày 28 Tết tôi lên đường về Kim Sơn. Tôi ghé qua UBND huyện và Huyện đoàn đã trách nhiệm cử một cán bộ đi cùng tôi về xã của anh Nguyễn Văn Xuân. Khi tôi đặt vấn đề với ông Chủ tịch xã thì ông rất ngạc nhiên nói: “Nếu đúng anh Nguyễn Văn Xuân ở đơn vị D20, Đoàn 559 Bộ đội Trường Sơn là xạ thủ pháo ở xã tôi thì… thì... anh ấy vẫn còn sống!”. Tôi gai người và nghĩ có thể nhầm hoặc một điều kỳ diệu may mắn nào đó đã tới với anh.

Hát cho đồng đội đã nằm xuống. (Hình sưu tầm ghi lại tại Nghĩa trang liệt sĩ Trường Sơn).

Khi chúng tôi tới nhà thì anh Xuân cũng vừa ở cơ quan về nghỉ trưa. Tôi ôm lấy anh ngay tại sân và hỏi: “Anh là Nguyễn Văn Xuân, xạ thủ D20, Đoàn 559 Bộ đội Trường Sơn phải không?”. Anh nghẹn ngào chưa hiểu điều gì và mời tôi vào nhà. Anh kể cho chúng tôi nghe, đúng anh là Nguyễn Văn Xuân, xạ thủ D20, Đoàn 559 Bộ đội Trường Sơn và đã góp phần bắn hạ nhiều máy bay Mỹ đánh phá đường mòn Hồ chí Minh.

Anh rưng rưng nước mắt kể tiếp sau một trận đánh, anh bị thương rất nặng và đơn vị anh bị phân tán. Anh đã được một đơn vị khác đưa về hậu cứ dưỡng thương. Trong lúc chiến tranh khốc liệt mất liên lạc, nên đơn vị đã báo tử anh. Sau một thời gian được cứu chữa, anh lành vết thương được trở về và hiện đang là Trưởng Ban tổ chức Huyện ủy Kim Sơn.

Được biết việc làm của thiếu nhi cả nước và Tòa soạn Báo TNTP dành cho các liệt sĩ tại Nghĩa trang Trường Sơn và gia đình anh, anh Xuân và gia đình vô cùng xúc động. Anh nói: “Tôi sẽ cố gắng làm hết sức mình để chăm lo cho các gia đình chính sách như báo Đội và các em thiếu nhi cả nước mong muốn”.

Đọc báo điện tử Thiếu niên Tiền phong và Nhi đồng nhanh chóng, thuận tiện và an toàn hơn trên các thiết bị di động với Ứng dụng TNTP&NĐ Online

Tải ngay ứng dụng TNTP&NĐ Online TẠI ĐÂY

Bạn đang đọc bài viết Bất ngờ từ phong trào “5.000 bát hương cho Nghĩa trang liệt sĩ Trường Sơn” - Kỳ cuối tại chuyên mục Góc nhìn của Báo Thiếu niên Tiền phong và Nhi đồng. Mọi thông tin góp ý và chia sẻ, xin vui lòng gửi về hòm thư banbientap@thieunien.vn.

Bài liên quan

Bài Góc nhìn khác

Lịch nghỉ hè 2024 của học sinh 63 tỉnh thành

Hầu hết các địa phương tổ chức bế giảng năm học 2023 - 2024 trước ngày 31/5 và cho học sinh nghỉ hè bắt đầu từ 1/6. Tùy thuộc thời gian bế giảng sớm hoặc muộn hơn, cuối tháng 5, các trường sẽ cho học sinh nghỉ hè.