PGS.TS Phạm Văn Quang, Trưởng khoa Hồi sức tích cực - chống độc, Bệnh viện Nhi đồng 1 cho biết, bệnh nhi nhập khoa Cấp cứu trong tình trạng hôn mê, suy hô hấp nặng kèm sưng bầm vùng cổ chân phải với dấu rắn cắn ở mắt cá trong.
Theo ghi nhận bệnh sử, buổi sáng bạn vào nhà bếp thì bị rắn cắn ở vùng cổ chân phải, người nhà nghi là rắn hổ đất. Khoảng một tiếng sau khi bị rắn cắn, người nhà mang bạn đến thầy lang hút nọc rắn, bó chân. Về nhà bạn nôn ói nhiều, than mệt và tiếp xúc kém nên nhập Bệnh viện Sản nhi Hậu Giang trong tình trạng lơ mơ, thở mệt.
Tại bệnh viện, bệnh nhi được chẩn đoán theo dõi rắn hổ đất cắn, được xử trí cấp cứu thở oxy, tiêm kháng sinh, chăm sóc vết rắn cắn và chuyển Bệnh viện Nhi đồng 1.
Tại khoa Cấp cứu Bệnh viện Nhi đồng 1, ngay lập tức, bệnh nhi được đặt nội khí quản thở máy, hội chẩn truyền 8 lọ huyết thanh kháng nọc rắn hổ đất và chuyển khoa Hồi sức tích cực - chống độc điều trị tiếp. Tại đây, bệnh nhi được thở máy, tiêm kháng sinh, chăm sóc vết thương kiểm soát tình trạng nhiễm trùng sau nhiễm độc. Sau khoảng 10 giờ truyền huyết thanh kháng nọc, bé tỉnh, tự thở tốt và được cai máy thở.
Hiện tại bệnh nhi tỉnh táo, thở bình thường, ăn uống được, vết thương rắn cắn tiến triển tốt.
Theo PGS.TS Phạm Văn Quang, rắn cắn thường xảy ra nhiều vào mùa mưa do rắn hay bò vào nhà, nhất là ở vùng nông thôn. Rắn độc cắn là một tai nạn khá thường gặp, có thể dẫn đến tử vong nếu xử trí không thích hợp, đặc biệt khi bị rắn hổ cắn.