Thời đại 4.0 phát triển kéo theo thị trường tuyển dụng cũng trở nên khốc liệt và cạnh tranh hơn bao giờ hết. Đối với các công ty, hồ sơ sáng giá là chưa đủ, họ sẽ đặt ra nhiều câu hỏi ứng xử để thử thách EQ và kỹ năng mềm của ứng viên. Vậy nên dù có điểm số hoặc thành tích học tập không cao nhưng biết cách trả lời phỏng vấn, ứng viên vẫn có thể đánh bại đối thủ để được nhận vào làm.
Câu chuyện về Tiểu Vương dưới đây là một ví dụ. Anh chàng vừa tốt nghiệp một ngôi trường tầm trung với số điểm không quá xuất sắc nên rất lo lắng khi nộp hồ sơ. Thời sinh viên, Tiểu Vương dành một phần thời gian cho các hoạt động ngoại khoá cũng như việc học các kỹ năng khác và đi làm thêm nên điểm sau 4 năm đại học chỉ ở mức bình thường. Nhận ra đây cũng là yếu điểm của mình so với những ứng viên khác nên chàng trai tập trung vào kỹ năng chuyên môn cho môi trường làm việc mình định hướng để có sự cân bằng hơn.
Sau thời gian tìm kiếm, nộp hồ sơ, cuối cùng anh cũng được một công ty gọi tới phỏng vấn. Cũng như mọi công ty, ứng viên phải trải qua phần test kiến thức và phỏng vấn với trưởng bộ phận. Nhờ chuẩn bị kỹ lưỡng, Tiểu Vương đã đến được vòng phỏng vấn cuối cùng. Cơ hội đã gần tới đích, chỉ cần anh đánh bại 2 đối thủ khác.
Vì đã có bài kiểm tra kiến thức từ trước nên phần phỏng vấn chủ yếu tập trung vào việc trao đổi công việc cũng như tìm hiểu các ứng viên. Sau khoảng 10 phút phỏng vấn, nhà tuyển dụng nhận thấy các ứng viên đều có tố chất và kỹ năng để làm việc nhưng khi nhìn hồ sơ thì tỏ ra chưa hài lòng và thẳng thắn đặt câu hỏi: "Tôi thấy điểm đại học của các bạn không cao? Tại sao chúng tôi phải chọn bạn?".
Đụng trúng điểm yếu của cả 3 ứng viên, ai nấy đều tỏ ra hoảng hốt vì không biết phải trả lời làm sao. Ứng viên thứ nhất cố lấy lại bình tĩnh và trả lời: "Tôi nghĩ điểm số không phải tất cả, tôi tự tin rằng mình vẫn có thể làm tốt công việc ứng tuyển". Phần trả lời có phần dõng dạc nhưng nhà tuyển dụng không thực sự ưng ý nên đã chuyển qua người thứ 2.
Ứng viên thứ 2 cũng chẳng khá hơn là mấy, người này tỏ ra vô cùng lúng túng, lấy lý do về những khó khăn mình gặp phải để giải thích cho việc điểm số không cao. Nhưng đáng tiếc là nhà tuyển dụng lại không để tâm tới lời giải thích chủ quan này.
Còn lại Tiểu Vương, anh đã biết điểm số không phải thế mạnh của mình nên đã mạnh dạn trả lời: "Tôi không có gì để giải thích việc điểm chưa tốt. Nhưng tôi nghĩ việc đi học và đi làm có một khoảng cách khá xa. Đi học thì cuối kỳ mới kiểm tra, nhưng trong công việc bất cứ lúc nào cũng là một thử thách, không được phép lơ là. Và tôi có kỹ năng xã hội, các chứng chỉ ngoại ngữ đủ để ứng phó với mọi tình huống bất ngờ hằng ngày".
Câu trả lời tự tin và khéo léo đã giúp Tiểu Vương chinh phục nhà tuyển dụng. Anh được mời đi làm vào tuần sau, nhà tuyển dụng còn bày tỏ mong muốn anh có thể phát huy được tinh thần này trong công việc sắp tới.