Khi thầy cô hướng dẫn bạn làm bài, là truyền đạt kiến thức và hơn cả là mong muốn bạn tiến bộ. Khi một người bạn kể chuyện buồn, tức là bạn ấy đang cần sự sẻ chia. Lắng nghe chính là cách để bạn đón nhận những điều quý giá nhất từ cuộc sống.
Chiều hôm ấy, trên đường đi học về, em trai tớ kể với mẹ: Mẹ ơi, hôm nay con kể chuyện cười cho Minh nghe mà bạn ấy chẳng cười gì cả!
Mẹ mỉm cười hỏi lại: Thế con có lắng nghe Minh nói gì không?
Nam gãi đầu: Dạ... không ạ. À con nhớ ra, lúc trước Minh bảo hôm nay bạn ấy buồn vì làm mất quyển sách, nhưng con mải kể chuyện quá nên không để ý.

Mẹ xoa đầu cu Tí và nhẹ nhàng nói: Đó là tầm quan trọng của việc biết lắng nghe đúng lúc đấy con ạ. Đừng lúc nào cũng hấp tấp nói tranh hết lời của người khác hoặc phớt lờ mà không chịu nghe và hiểu điều người khác muốn nói. Khi con biết lắng nghe, con sẽ hiểu và chia sẻ được với bạn bè và những người xung quanh nhiều hơn.
Từ hôm đó, mình thấy cu cậu bắt đầu điềm tĩnh hơn, tập lắng nghe nhiều hơn.
Vì sao lắng nghe quan trọng?
Lắng nghe là thể hiện sự tôn trọng: Ai cũng muốn được người khác chú ý khi mình nói. Nếu bạn chỉ nghe hời hợt hoặc ngắt lời, người đối diện s 6 ẽ cảm thấy không được quan tâm.
Lắng nghe giúp bạn học hỏi nhiều hơn: Những câu chuyện, lời khuyên từ cha mẹ, lời bảo ban từ thầy cô hay lời khuyên nhủ từ bạn bè đều chứa đựng rất nhiều điều đáng giá.

Lắng nghe giúp tránh hiểu lầm: Đôi khi, vì chưa nghe hết câu chuyện, chúng mình vội vàng kết luận sai và gây ra những rắc rối không đáng có. Nếu chịu khó lắng nghe kỹ hơn, mọi chuyện sẽ trở nên dễ dàng hơn nhiều.
Lắng nghe để kết nối: Không ai muốn chơi với một người lúc nào cũng chỉ thích nói về mình mà không quan tâm đến người khác. Một người biết lắng nghe luôn được yêu quý!

Bí quyết nằm ở đâu
Nhìn vào người đang nói để thể hiện sự tập trung: Đừng vừa nghe vừa xem điện thoại hay mơ màng nghĩ chuyện khác nhé!
Đừng ngắt lời: Ai cũng muốn được nói hết ý của mình. Nếu bạn cứ chen ngang, mọi người sẽ cảm thấy khó chịu đấy.
Đặt câu hỏi khi cần: Nếu bạn chưa hiểu, có thể hỏi lại một cách lịch sự. Điều này cho thấy bạn thực sự quan tâm đến câu chuyện.

Biểu cảm phù hợp: Một cái gật đầu, một nụ cười hay một câu cảm thán thể hiện sự chăm chú của bạn sẽ giúp cuộc trò chuyện vui hơn.
Nghe bằng cả trái tim: Bạn nhớ chú ý đến cảm xúc của người nói để hiểu họ hơn. Khi bạn thực sự lắng nghe, bạn không chỉ nghe lời nói, mà còn cảm nhận được tâm tư của họ.
Bài viết được đăng tải trên ấn phẩm Cún bông chăm học. Còn nhiều bài viết hay, hấp dẫn, các câu chuyện thú vị đang chờ đón bạn khám phá tại ấn phẩm Cún bông chăm học. Nếu bạn quan tâm, có thể mua báo và đọc trực tuyến tại cửa hàng trực tuyến của Báo Thiếu niên Tiền phong và Nhi đồng nhé! |