Bộ trưởng Bộ GD&ĐT nói về nguyên nhân dẫn đến bạo lực học đường và vai trò quan trọng của hoạt động Đoàn, Đội

tổng hợp
Mới đây, trả lời chất vấn tại Quốc hội, Bộ trưởng Bộ GD&ĐT Nguyễn Kim Sơn nêu ra những nguyên nhân dẫn đến bạo lực học đường cũng như chia sẻ về vai trò hoạt động Đoàn, Đội trong giáo dục nhân cách cho học sinh.

Nguyên nhân dẫn đến bạo lực học đường

Tại Phiên chất vấn và trả lời chất vấn, đại biểu Vương Quốc Thắng (Đoàn ĐBQH tỉnh Quảng Nam) cho hay, trong Báo cáo số 508 ngày 3/10/2023 của Chính phủ gửi đến các ĐBQH đánh giá việc triển khai các nghị quyết của Quốc hội về lĩnh vực giáo dục và đào tạo, tại trang 54 có tự đánh giá tình trạng bạo lực học đường diễn ra phức tạp.

Đại biểu Vương Quốc Thắng (Đoàn ĐBQH tỉnh Quảng Nam) chất vấn về vấn đề bạo lực học đường, tại Quốc hội, chiều 7/11
Đại biểu Vương Quốc Thắng (Đoàn ĐBQH tỉnh Quảng Nam) chất vấn về vấn đề bạo lực học đường, tại Quốc hội, chiều 7/11

Đại biểu đặt câu hỏi với Bộ trưởng Bộ GD&ĐT Nguyễn Kim Sơn, những nguyên nhân nào gây ra tình trạng này, hướng khắc phục thật căn cơ của Bộ trong thời gian tới như thế nào?

Trả lời vấn đề trên, Bộ trưởng Nguyễn Kim Sơn thông tin, tính từ 1/9/2021 cho đến 5/11/2023, cả nước xảy ra 699 vụ bạo lực học đường, liên quan đến hơn 2.000 học sinh (854 học sinh là nữ).

Các diễn biến của bạo lực học đường khá phức tạp. Nếu tính tỉ lệ với con số trên, bình quân cứ khoảng 50 cơ sở giáo dục xảy ra 1 vụ bạo lực học đường. Số vụ bạo lực học đường có nhiều học sinh tham gia xảy ra cả trong trường học lẫn ngoài trường học.

“Các vụ bạo lực mà có số học sinh nữ tham gia nhiều hơn cũng là điều mà ngành Giáo dục rất quan tâm, lo lắng, tìm mọi cách để cùng cả nước, các địa phương xử lý”, Bộ trưởng Bộ GD&ĐT nói.

Bộ trưởng Bộ GD&ĐT Nguyễn Kim Sơn trả lời chất vấn trước Quốc hội tại phiên họp chiều 7/11
Bộ trưởng Bộ GD&ĐT Nguyễn Kim Sơn trả lời chất vấn trước Quốc hội tại phiên họp chiều 7/11

Bộ trưởng Nguyễn Kim Sơn cho rằng có nhiều nguyên nhân dẫn tới bạo lực học đường. Hiện, trách nhiệm trong việc phát hiện và xử lý những tình huống dẫn đến bạo lực vẫn đang giao cho giáo viên kiêm nhiệm. Tuy nhiên, những tình huống bạo lực học đường, một số trường và giáo viên vẫn có phần lúng túng về kỹ năng xử lý.

Qua quá trình dịch bệnh kéo dài, học sinh học online lâu nên cũng dẫn đến vấn đề về mặt tâm lý. Vấn đề tâm lý sinh lý lứa tuổi, các em đang trong tuổi trưởng thành cũng là một trong những nguyên nhân dẫn đến bạo lực học đường.

Bộ trưởng viện dẫn, theo thống kê của TAND tối cao, hàng năm có 220.000 vụ ly hôn, 70% đến 80% trong số này có lý do liên quan đến xung đột và bạo lực gia đình.

Học sinh trong các gia đình này có thể vừa là người chứng kiến bạo lực, vừa là đối tượng bị bạo lực, bị bỏ rơi.

Theo thống kê, số học sinh có bối cảnh bạo lực gia đình liên quan đến bạo lực trong nhà trường có tỷ lệ rất lớn. Cho nên, ngăn chặn giải quyết vấn đề gia đình là một việc rất quan trọng.

Vấn đề ảnh hưởng từ mạng xã hội, phim ảnh, đặc biệt là những bộ phim được giới trẻ quan tâm, mô-típ về bạo lực tập thể quay rồi đưa lên mạng đang rất phổ biến.

“Có rất nhiều nguyên nhân như vậy, cho nên mong các ngành có liên quan hỗ trợ cùng với ngành Giáo dục để giải quyết vấn đề lớn này”, Bộ trưởng Nguyễn Kim Sơn nói.

Hoạt động Đoàn, Đội có vai trò quan trọng giáo dục nhân cách cho học sinh

Đại biểu Tô Thị Bích Châu, đoàn TP Hồ Chí Minh đặt hỏi, phong trào Đoàn, Đội trong nhà trường có quan trọng hay không trong sự nghiệp trồng người?

Đại biểu Tô Thị Bích Châu (Đoàn đại biểu Quốc hội TP. Hồ Chí Minh) chất vấn chiều 7/11
Đại biểu Tô Thị Bích Châu (Đoàn đại biểu Quốc hội TP. Hồ Chí Minh) chất vấn chiều 7/11

Trả lời câu hỏi của đại biểu Tô Thị Bích Châu, Bộ trưởng Bộ GD&ĐT Nguyễn Kim Sơn nêu rõ, hoạt động Đoàn, Đội có vai trò quan trọng, đặc biệt khi coi trọng giáo dục phát triển con người, đạo đức, nhân cách, chăm lo lối sống cho học sinh.

Tại trường Tiểu học luôn có tổng phụ trách là giáo viên kiêm nhiệm. Với trường Trung học, có thể do học sinh hoặc giáo viên đảm nhiệm, nếu học sinh đảm nhận thì có giáo viên cố vấn. Tầm quan trọng là điều không cần bàn cãi.

Về kinh phí, Bộ trưởng cho hay, hiện trong cơ sở giáo dục có 81% để chi lương và 19% là chi thường xuyên gồm: điện nước và các hoạt động khác; trong đó kinh phí cho hoạt động Đoàn, Đội nằm trong tổng số 19% này.

Kinh phí do các trường đề xuất và cấp Tiểu học do Phòng Tài chính của cấp huyện phê duyệt và cấp Trung học thì Sở Tài chính phê duyệt. Quyền chủ động của các nhà trường tự cân đối sao cho thuận tiện nhất.

Bộ trưởng Bộ GD&ĐT Nguyễn Kim Sơn nhấn mạnh vai trò quan trọng của hoạt động Đoàn, Đội trong các nhà trường
Bộ trưởng Bộ GD&ĐT Nguyễn Kim Sơn nhấn mạnh vai trò quan trọng của hoạt động Đoàn, Đội trong các nhà trường

Bộ GD&ĐT chưa nhận được phản ánh nào của các Hiệu trưởng có khó khăn trong việc chi tiêu 19% khoản kinh phí này.

Nhấn mạnh tầm quan trọng của hoạt động Đoàn, Đội nhưng có cần thiết có mục kinh phí riêng cho hoạt động Đoàn, Đội hay không là điều cần xem xét, khảo sát thấu đáo, nghiên cứu lắng nghe người trong cuộc là các Hiệu trưởng trong toàn quốc.

Nếu quá rạch ròi trong tổng số 19% này thì có thể làm khó thêm cho các trường. Do đó, với nguyên tắc ủng hộ để hoạt động này hoạt động hiệu quả trong nhà trường.

(nguồn GD&TĐ)

 

 

Đọc báo điện tử Thiếu niên Tiền phong và Nhi đồng nhanh chóng, thuận tiện và an toàn hơn trên các thiết bị di động với Ứng dụng TNTP&NĐ Online

Tải ngay ứng dụng TNTP&NĐ Online TẠI ĐÂY

Bài liên quan

Bài Góc nhìn khác