Trong công văn chiều 3/4 gửi Sở Y tế các tỉnh, thành phố trong cả nước về việc dự phòng bảo vệ sức khỏe cộng đồng, người lao động trước tác động của nắng nóng, hạn hán, Cục Quản lý Môi trường y tế (Bộ Y tế) cảnh báo thời gian tới, nắng nóng có khả năng xuất hiện nhiều đợt và gay gắt hơn.
Nguy cơ hạn hán, thiếu nước do nắng nóng
Theo Bộ Y tế, qua dự báo của Trung tâm Dự báo khí tượng - thủy văn Quốc gia, năm 2024 do ảnh hưởng của hiện tượng El Nino, từ đầu năm đến nay nắng nóng kéo dài, hạn hán, thiếu nước, xâm nhập mặn đã xảy ra ở một số địa phương, nhất là ở ĐBSCL và miền Trung, Tây Nguyên.
Nắng nóng có nguy cơ ảnh hưởng đến sức khỏe người dân, người lao động. Để chủ động bảo vệ sức khỏe người dân và phòng chống dịch, bệnh trong mùa nắng nóng, Bộ Y tế đã xây dựng các tài liệu hướng dẫn chăm sóc sức khỏe mùa nắng nóng cho cộng đồng và người lao động.
Theo Bộ Y tế, vào mùa nắng nóng, có thể gặp phải một số vấn đề sức khỏe thường gặp là: Say nắng, say nóng hoặc đột quỵ do nóng.
Nguyên nhân chủ yếu là do phải tiếp xúc quá lâu hoặc làm việc trong môi trường nắng nóng, nhiệt độ cao hoặc cũng có thể do thay đổi nhiệt độ môi trường đột ngột.
Một số đối tượng có nguy cơ cao gồm: Người già, trẻ nhỏ và phụ nữ có thai.
Những người làm việc, luyện tập với cường độ cao ở ngoài trời nắng lâu hoặc trong môi trường nóng bức: Người lao động nông nghiệp, công nhân làm việc ở các lò gạch, lò luyện gang thép...
Những người mắc các bệnh mạn tính: Tăng huyết áp, bệnh phổi tắc nghẽn mạn tính, hen phế quản, đái tháo đường...
Biểu hiện của các vấn đề sức khỏe thường gặp trong mùa nắng nóng phụ thuộc vào thời gian tiếp xúc với nắng nóng, mức độ tăng thân nhiệt của cơ thể.
Mức độ nhẹ: Mệt mỏi, khát nước, hoa mắt, chóng mặt, tăng nhịp tim, tăng nhịp thở, hồi hộp đánh trống ngực, chuột rút.
Mức độ nặng: Đau đầu dữ dội, khó thở tăng dần, cảm giác buồn nôn hoặc nôn, yếu hoặc liệt nửa người, co giật, ngất xỉu hoặc hôn mê, trụy tim mạch (tim đập nhanh, huyết áp tụt, …) và có thể tử vong.
Nếu nạn nhân có các biểu hiện ở mức độ nặng, cần gọi ngay cấp cứu 115 hoặc nhanh chóng đưa nạn nhân đến cơ sở y tế gần nhất. Lưu ý trong quá trình vận chuyển thường xuyên chườm mát cho nạn nhân.
Nên uống ít nhất 1,5-2 lít nước/ngày
Cục Quản lý Môi trường y tế khuyến cáo người dân cần hạn chế đi ra ngoài trời nắng trong những ngày nắng nóng, đặc biệt trong khoảng thời gian từ 10 giờ sáng đến 4 giờ chiều.
Những người đang ở trong phòng điều hòa nhiệt độ thấp không nên đi ra ngoài trời nắng đột ngột mà cần có một khoảng thời gian để cơ thể thích nghi với môi trường bên ngoài bằng cách tăng nhiệt độ điều hòa trong phòng hoặc ngồi nghỉ trong bóng mát trước khi đi ra ngoài trời.
Mặc quần áo sáng màu, thoáng mát, thấm mồ hôi. Cần uống ít nhất 1,5-2 lít nước/ngày. Nên uống thành nhiều lần trong ngày, không nên uống quá nhiều nước trong một lần.
Hạn chế tối đa diện tích tiếp xúc của ánh nắng lên cơ thể đặc biệt là vùng vai gáy. Sử dụng phương tiện bảo hộ cá nhân phù hợp khi làm việc ngoài trời nắng như quần áo bảo hộ lao động, mũ, nón, kính. Mặc quần áo rộng, thoáng mát và thấm mồ hôi. Có thể sử dụng thêm các loại kem chống nắng.
Không sử dụng các loại đồ uống có cồn. Cần uống nước đều đặn trong suốt thời gian làm việc. Đặc biệt, cần uống thêm các loại nước có bổ sung thêm muối và khoáng chất như Oresol đối với những người bị mất nhiều mồ hôi trong quá trình làm việc.