Cá chình biển - bá vương rạn san hô

TNTP Chủ Nhật
Trong muôn vàn sinh vật biển cư trú trong rạn san hô có một loài cá cực kỳ uy lực, nếu không muốn nói là chúa tể nơi đáy biển. Đó là cá chình biển.

Chúa tể nơi đáy biển

Nếu yếu bóng vía, khi nhìn thấy cá chình biển hẳn bạn không khỏi rùng mình vì thân hình dài mềm mại uốn lượn đồ sộ như con trăn và cái miệng đúng là một bộ hàm cá mập thu nhỏ lởm chởm răng nhọn. Thợ săn cá chình rất ngán bộ răng đó, nó không chỉ ăn thức ăn như các loại cá thông thường mà cấu xé như kiểu linh cẩu châu Phi.

Ở rạn san hô đáy biển, có rất nhiều loài sinh vật biển uy lực như tôm hùm với mũi lao nhọn đính sẵn trên đỉnh đầu. Cua với cặp càng mạnh hơn kìm cộng lực, bạch tuộc có khả năng bám đá bằng giác hút chân không cực khỏe đủ sức giữ con mồi có lực mạnh hơn mình gấp mười lần. Lả lướt yểu điệu như cô gái là cá mao tiên nhưng xiêm y của “nàng ta” thì đầy gai tẩm thuốc độc tê người nên người ta gọi mao tiên là “công chúa phù thủy”... Nhưng quy lại chẳng kẻ nào sánh được với chình biển.

Sở hữu thân hình mềm mại dài tới 3m, chình ta có thể luồn lách mọi ngóc ngách của hang cùng ngõ hẻm trong thế giới san hô. Nếu cá mập có thể hùng cứ nơi biển rộng nhưng vào rạn san hô lắm khi cũng đói lả vì không thể ủi mõm san hô để bắt mồi. Mà lũ mồi cá tôm ở đây nổi tiếng chơi trò ú tim. Đang tung tăng nhởn nhơ trước mắt, thoắt cái thấy nguy hiểm, chúng sẽ biến mất trong rừng san hô. Còn chình ta thì vô tư, nó sẽ luồn dí con mồi tới tận hang cùng ngõ hẻm. Với hàm răng cực kỳ sắc nhọn của cá chình biển, khó có con mồi nào thoát chết khi bị nó đớp. Cá chình giống hệt như một con rắn bò trên ngọn cây săn ổ chim non, con mồi khó lòng chống đỡ để thoát thân.

Không phải lúc nào cũng là hung thần

Tuy nhiên không phải lúc nào chình ta cũng là hung thần, khi đã no mồi, nó hiền khô như chú rắn nước, mặc cho lũ cá tôm nhởn nhơ trước mặt. Thường thì ban ngày chình biển nằm ẩn mình trong hang, tối mới đi ăn khuya! Còn việc nhởn nhơ "thăm thú bạn bè” trong rạn san hô của cá chình giống như trò của sư tử đi dạo trên thảo nguyên thăm thú các con vật tế thần của mình. Do có quá nhiều lợi thế nên nếu ở rạn san hô thợ săn đáy biển rất khó bắt được chình biển vì nó ẩn hiện huyền ảo như ma chơi. Đấy là chưa kể loài cá này có bộ da hóa trang vô cùng linh hoạt. Riêng với bộ da, loài chình có tới hàng chục loại: lốm đốm như da báo, xanh phớt xám màu cỏ úa pha chút hoa trắng, xanh lét như lá cây, hay đen tuyền màu mực... Mỗi một loại sẽ cư trú ở vùng san hô có màu sắc giống da mình. Bởi vậy nếu không tinh mắt, thợ săn biển không thể tìm ra nó khi đang ẩn trong hang.

Nếu ở rạn san hô chình biển mạnh mẽ bao nhiêu thì ra làn nước trong nó lại yếu thế bấy nhiêu vì kiểu bơi “điệu đà” nó uốn lượn như rắn mà mình lại to ngang nên dân săn cá rất thích “bắn”. So với ghẹ, cua, cá lưỡi trâu thì bắt cá chình là thú vị nhất do các yếu tố: thịt ngon, nhiều vì chình biển dài tới 3m, nặng từ 5 tới 25kg. Tuy nhiên đây là cuộc săn đầy nguy hiểm vì sự dữ tợn của chình không thua gì rắn hổ mang khi bị tấn công. Nó là loài cá hung dữ sau cá mập, sẵn sàng nổi giận rượt đuổi tận cùng kẻ săn mồi. Nên nó được xếp vào loài vật nguy hiểm ở biển. Chính vì thế, đôi khi người tắm biển hay lặn ở rạn san hô vô tình đụng cá chình bị nó đớp thì đau tới độ không kêu nổi.

Bài viết được đăng tải trên ấn phẩm TNTP Chủ Nhật, số gộp tháng 6 năm 2024. Còn nhiều bài viết hay, hấp dẫn, các câu chuyện thú vị đang chờ đón bạn khám phá tại ấn phẩm Chủ Nhật. Nếu bạn quan tâm có thể mua báo và đọc trực tuyến tại cửa hàng trực tuyến của Báo Thiếu niên Tiền phong và Nhi đồng nhé!

Đọc báo điện tử Thiếu niên Tiền phong và Nhi đồng nhanh chóng, thuận tiện và an toàn hơn trên các thiết bị di động với Ứng dụng TNTP&NĐ Online

Tải ngay ứng dụng TNTP&NĐ Online TẠI ĐÂY

Bạn đang đọc bài viết Cá chình biển - bá vương rạn san hô tại chuyên mục Khám Phá của Báo Thiếu niên Tiền phong và Nhi đồng. Mọi thông tin góp ý và chia sẻ, xin vui lòng gửi về hòm thư banbientap@thieunien.vn.

Bài liên quan

Vi vu mùa hè

Dù kỳ nghỉ hè đã trôi qua hơn nửa thời gian nhưng đang sẵn đà vui chơi tưng bừng, chúng mình ...

Bài Khám Phá khác