Các trường chuẩn bị, giúp học sinh làm quen với hình thức bài thi theo phương án mới

Ngay sau khi Hà Nội phê duyệt phương án và kế hoạch tuyển sinh vào lớp 10 năm học 2019 - 2020, nhiều trường THCS đã có những chuẩn bị ban đầu, giúp học sinh khối lớp 9 làm quen với hình thức bài thi theo phương án mới.

Theo kế hoạch tuyển sinh, Sở Giáo dục và Đào tạo Hà Nội sẽ tổ chức một kỳ thi chung vào lớp 10 cho tất cả các trường Trung học phổ thông công lập với 4 bài thi độc lập, gồm: Toán, Ngữ văn, Ngoại ngữ và bài thi thứ tư. Trong đó, bài thi thứ tư sẽ được công bố vào tháng 3-2019, được chọn ngẫu nhiên một trong các môn: Vật lý, Hóa học, Sinh học, Lịch sử, Giáo dục công dân, Địa lý. 

Đây là điểm mới cả về số lượng môn thi và hình thức bài thi trong kỳ thi tuyển sinh vào lớp 10 năm nay. Theo đó, bài thi môn Toán và Ngữ văn được thi theo hình thức tự luận, thời gian làm bài 120 phút/bài thi. Bài thi môn Ngoại ngữ thi theo hình thức kết hợp trắc nghiệm và tự luận, thời gian làm bài 60 phút. Bài thi môn thứ tư thi theo hình thức trắc nghiệm, thời gian làm bài 60 phút, có nhiều mã đề thi trong một phòng thi để đảm bảo nguyên tắc hai thí sinh liền kề không trùng mã đề.

Theo ghi nhận, hầu hết các phụ huynh và học sinh đều lo ngại về hình thức thi trắc nghiệm của môn thi thứ tư. Mặc dù theo kế hoạch của Sở Giáo dục và Đào tạo Hà Nội, đề thi môn Ngoại ngữ và môn thứ tư chủ yếu ở cấp độ nhận biết, thông hiểu và một số câu vận dụng cấp độ thấp.


Ảnh minh họa/ TTXVN.

Cô Lê Kim Oanh (phường Xuân Đỉnh, quận Bắc Từ Liêm) bày tỏ sự lo lắng khi không biết mức độ khó, dễ của đề thi môn thứ tư sẽ như thế nào. Chị nói: “Năm đầu tiên áp dụng thi theo phương án mới cũng gây áp lực không nhỏ đối với gia đình tôi. Ngoài hai môn Toán và Ngữ văn đã được gia đình chú trọng ôn tập cho con, hiện nay, khi phương án mới được công bố, gia đình tôi đã phải cho con đi học thêm tiếng Anh. Còn đáng ngại nhất là môn thứ tư thì đến tận tháng 3 năm sau mới biết là môn gì”.

Cùng chung nỗi băn khoăn, cô Nguyễn Phương Bình (phường Đồng Nhân, quận Hai Bà Trưng) cho rằng: “Hình thức thi trắc nghiệm cũng không phải là mới, nhưng cấu trúc đề thi, mức độ khó dễ thế nào khiến chúng tôi không thể không lo lắng”.

Nắm bắt được nỗi lo lắng của phụ huynh và học sinh cũng như để chuẩn bị cho kỳ thi, nhiều trường học trên địa bàn Hà Nội đã xây dựng kế hoạch giảng dạy và ôn tập cho học sinh, giúp học sinh không bỡ ngỡ với hình thức thi theo phương án mới.

Cô Lê Thị Thúy Nga, Hiệu trưởng Trường Trung học cơ sở Dịch Vọng (quận Cầu Giấy, Hà Nội) cho biết, ngay sau khi kế hoạch thi tuyển vào lớp 10 được phê duyệt, trường đã liên kết với 1 trường trong cùng quận mời chuyên gia tập huấn cho giáo viên tìm hiểu về kỹ thuật ra đề trắc nghiệm đối với các môn Vật Lý, Hóa học, Sinh, Sử, Địa lý, Giáo dục công dân. 

“Đối với các môn Toán, Ngữ văn, Ngoại ngữ, các học sinh đã quen với hình thức thi. Còn đối với những môn còn lại có thể được chọn làm môn thi thứ tư, ngay trong những tiết học, tiết ôn tập, Ban Giám hiệu yêu cầu giáo viên phải đưa ra những câu hỏi trắc nghiệm. Đặc biệt là hướng dẫn học sinh kỹ thuật trả lời phiếu thi trắc nghiệm. Trắc nghiệm sẽ không có giới hạn về kiến thức nên giáo viên sẽ phải đổi mới phương pháp dạy học để học sinh có đủ lượng kiến thức trả lời được các câu hỏi. Dự kiến trong đợt kiểm tra học kỳ I, nhà trường cũng sẽ cho học sinh làm quen với hình thức làm bài thi trắc nghiệm”, cô Lê Thị Thúy Nga cho biết thêm. 

Đồng tình với phương án thi vừa được thành phố Hà Nội phê duyệt, cô Nguyễn Mỹ Hảo, Hiệu trưởng Trường Trung học cơ sở Nghĩa Tân (quận Cầu Giấy, Hà Nội) cho biết, trước khi có quyết định chính thức lựa chọn phương án thi, nhà trường đã xác định, dù phương án thi tổ hợp hay phương án thi 4 môn thì giáo viên và học sinh cũng phải có sự chuẩn bị cho việc dạy và học ở tất cả các bộ môn ngay từ đầu năm. 

Nhà trường đã thông báo với phụ huynh về tinh thần đổi mới trong thi vào lớp 10 Trung học phổ thông từ đầu năm, để phụ huynh yên tâm và chủ động phối kết hợp với nhà trường trong việc hướng dẫn học sinh học tập và ôn tập. Nhà trường cũng đã phân công giáo viên đảm bảo không có giáo viên dạy chéo môn, đồng thời chỉ đạo các nhóm chuyên môn thống nhất yêu cầu, ma trận bài kiểm tra, tỉ lệ phần trăm số câu hỏi trắc nghiệm trong bài kiểm tra 15 phút trở lên. Đặc biệt, Ban Giám hiệu đã yêu cầu giáo viên xây dựng hệ thống ôn tập theo chương, theo chủ đề cuốn chiếu để khi kết thúc học kỳ, kết thúc năm học, học sinh có tài liệu chủ động trong việc ôn tập.

“Tới đây, chúng tôi sẽ tập huấn cho giáo viên về kỹ thuật ra đề thi trắc nghiệm, tập huấn sử dụng phần mềm tin học trong việc trộn đề câu hỏi trắc nghiệm, mua và cung cấp phần mềm cho giáo viên sử dụng. Ban Giám hiệu nhà trường đặc biệt quan tâm, chỉ đạo sát sao công tác dạy và học, ôn tập cho học sinh lớp 9”, cô Nguyễn Mỹ Hảo cho hay.

Về vấn đề chuẩn bị cho môn thi thứ tư theo hình thức trắc nghiệm, thầy Lê Đức Thuận, Phó Trưởng phòng Giáo dục và Đào tạo quận Hoàn Kiếm, Hà Nội cho biết, quận đã triển khai tổ chức các buổi tập huấn chuyên đề theo từng môn cho giáo viên các trường Trung học cơ sở trên địa bàn, đặc biệt chú trọng vào các môn có thể được chọn là môn thi thứ tư. “Trong khi chờ đợi quy định về cấu trúc đề, chúng tôi đã cử chuyên viên phân công các trường xây dựng câu hỏi cho từng chương, sau đó tổng hợp và dùng phần mềm trộn, từ đó xây dựng bộ đề cho từng môn thi. Các em học sinh lớp 9 sẽ được làm quen với các đề đó, chủ yếu là hình thức và kỹ năng làm bài”, ông Lê Đức Thuận cho biết thêm.

Năm học 2018 - 2019, thành phố Hà Nội có hơn 101.460 học sinh xét tốt nghiệp Trung học cơ sở, giảm khoảng 4.000 học sinh so với năm học 2017 - 2018. Theo kế hoạch tuyển sinh vào lớp 10 Trung học Phổ thông năm học 2019 - 2020, sẽ có từ 60 - 62% số học sinh tuyển vào trường Trung học phổ thông công lập, 20% số học sinh vào các trường Trung học phổ thông tư thục, 10% số học sinh vào các trung tâm giáo dục nghề nghiệp - giáo dục thường xuyên và từ 8 - 10% số học sinh còn lại tham gia học nghề./.

Theo TTXVN

Đọc báo điện tử Thiếu niên Tiền phong và Nhi đồng nhanh chóng, thuận tiện và an toàn hơn trên các thiết bị di động với Ứng dụng TNTP&NĐ Online

Tải ngay ứng dụng TNTP&NĐ Online TẠI ĐÂY

Bạn đang đọc bài viết Các trường chuẩn bị, giúp học sinh làm quen với hình thức bài thi theo phương án mới tại chuyên mục Sự kiện của Báo Thiếu niên Tiền phong và Nhi đồng. Mọi thông tin góp ý và chia sẻ, xin vui lòng gửi về hòm thư banbientap@thieunien.vn.

Bài liên quan

Bài Sự kiện khác

Học trò đất Tổ đọ tài nét hoa

Mới đây, tại trường tiểu học Đinh Tiên Hoàng (thành phố Việt Trì, tỉnh Phú Thọ), Báo Thiếu niên Tiền phong và Nhi đồng (TNTP&NĐ) đã tổ chức Lễ phát động Ngày hội Trạng Nguyên nhỏ tuổi lần thứ XXII, Viết chữ đẹp “Nét chữ - Nết người” toàn quốc - Bảng vàng ghi danh lần thứ IV và ngày hội Viết chữ đẹp tỉnh Phú Thọ, năm học 2023-2024.

Diễn đàn quốc gia về thanh niên xung phong, thanh niên tình nguyện

Ngày 5/4 tới, Trung ương Đoàn, Ủy ban quốc gia về thanh niên Việt Nam cùng với Ủy ban Văn hóa, Giáo dục của Quốc hội, Hội Cựu thanh niên xung phong Việt Nam phối hợp tổ chức Diễn đàn chính sách quốc gia với chủ đề “Chính sách đối với thanh niên xung phong, thanh niên tình nguyện”.