Tình trạng ấm lên toàn cầu và sự xuất hiện của El Nino đang trở thành mối đe dọa đối với toàn nhân loại. Theo các chuyên gia, biến đổi khí hậu kết hợp El Nino khiến những hiện tượng thời tiết trên trở nên dữ dội và thường xuyên hơn. Chịu ảnh hưởng của biến đổi khí hậu và hiện tượng El Nino, băng trên đảo Greenland đang có xu hướng tan chảy nhanh.
Nghiên cứu của các chuyên gia cho thấy nếu tan chảy toàn bộ, lượng băng ở Greenland đủ khiến mực nước biển toàn cầu dâng cao 7,5m.
Một nghiên cứu khác công bố vào tháng 2/2022 cho biết các nhà khoa học đã ghi nhận tốc độ tan băng "chưa từng có" ở đáy của dải băng Greenland.
Các nhà khoa học cũng phát hiện tốc độ tan băng trong những năm gần đây vượt quá những gì Greenland đã trải qua trong 12.000 năm trước.
Kể từ những năm 1980, Greenland đã ấm dần lên với tốc độ nhanh gấp 4 lần so với tốc độ trên toàn cầu.
Theo dữ liệu do Cơ quan Không gian châu Âu (ESA) cung cấp, Greenland đã mất 3.500 tỉ tấn băng từ năm 2011 đến năm 2022. Lượng băng tan chảy này đủ sức làm tăng mực nước biển trên toàn cầu và đẩy các cộng đồng ven biển đối mặt với nguy cơ ngập lụt.
Trong số này, 1/3 số băng tan xảy ra trong 2 mùa Hè là năm 2012 và 2019. Riêng mùa Hè năm 2012 đã chứng kiến 527 tỉ tấn băng ở Greenland “bốc hơi”.
Chuyên gia Amber Leeson thuộc Đại học Lancaster (Anh) cho hay dựa trên mô hình xây dựng được từ dữ liệu vệ tinh, băng tầng Greenland tính đến năm 2100 sẽ góp phần làm mực nước biển toàn cầu dâng thêm từ 3 - 23 cm.
Khi băng ở Greenland tan chảy với tốc độ nhanh theo thời gian sẽ đổ hàng tỷ tấn nước ra đại dương. Hậu quả là những thành phố, làng mạc ven biển sẽ có nguy cơ bị nước biển "nhấn chìm" từ từ và đối mặt với những trận lũ lụt nguy hiểm gây thiệt hại lớn về nhân mạng và kinh tế. Thêm nữa, hệ sinh thái ở Greenland cũng có thể rơi vào thảm kịch diệt vong.