Dấu hiệu điển hình
Bệnh ho gà lây theo đường hô hấp, có thể gây thành dịch, chủ yếu gặp ở trẻ em. Thời gian ủ bệnh: 5-7 ngày.
Ở giai đoạn sớm: Có biểu hiện viêm long và xu hướng hình thành cơn ho.
Giai đoạn cơn ho: Có 3 triệu chứng chính là ho cơn, tiếng thở rít, ho ra dãi trắng dính
Cơn ho điển hình: Cơn ho dài, rũ rượi không kìm được, liên tiếp 5-20 lần. Trong cơn ho: lưỡi đẩy ra ngoài, mặt tím lại, tĩnh mạch cổ nổi, mắt đỏ, chảy nước mắt, nước mũi. Khi cơn dài, tiếng ho yếu dần, trẻ thở yếu, tím tái. Sau cơn ho có tiếng thở rít vào. Cơn ho tái diễn cho đến khi trẻ ho ra đờm dãi trắng, dính và thường có nôn.
Ở trẻ dưới 1 tuổi cơn ho không điển hình. Sau cơn ho yếu, ngắn thường có cơn ngừng thở, tím tái liên tục, lồng ngực không di động, hoặc có cơn duỗi cứng do ngạt. Dưới 2 tháng chủ yếu không có cơn ho, chỉ tím tái.
Các biến chứng thường gặp:
Các biến chứng bội nhiễm phổi: Trẻ sốt cao, khó thở nhanh nông, co kéo cơ hô hấp… Chụp phổi: phế quản phế viêm, giãn phế quản, viêm màng phổi.
Viêm não do ho gà: Sốt cao, có tổn thương thần kinh trung ương như ý thức thay đổi (li bì, hôn mê), co giật, liệt khu trú…
Suy dinh dưỡng: Do trẻ ăn không đủ và nôn nhiều.
Các biến chứng khác: Chảy máu kết mạc, sa trực tràng, xuất huyết màng não…
Chăm sóc trẻ mắc ho gà thế nào?
Trẻ mắc bệnh ho gà cần được chăm sóc như sau: Hút sạch đờm dính để giảm kích thích cơn ho và tránh tắc đờm. Kho có cơn ho kịch phát: nằm nghiêng tránh hút phải chất nôn, giúp long đờm. Theo dõi cơn ngừng thở. Trẻ dưới 3 tháng cần theo dõi tại phòng cấp cứu trong giai đoạn còn cơn tím tái.
Trẻ cần ở nơi thoáng khí, không có gió lùa và kích thích lạnh. Nằm yên tĩnh, ngủ nhiều để chóng lại sức. Ăn lỏng, dễ tiêu, đủ chất, chia nhiều bữa. Theo dõi, phát hiện các biến chứng để điều trị kịp thời.
Theo SK&ĐS