Chuyện làm "Tổng" ở vùng sâu

Nhật Linh
Nằm cách biên giới Lào 30km, trường Phổ thông Dân tộc (PTDT) Bán trú TH Trường Sơn (huyện Quảng Ninh, tỉnh Quảng Bình) được chia thành 8 điểm trường nhỏ. Mỗi điểm trường lại có những câu chuyện riêng, những khó khăn riêng.

Để hiểu thêm về “nghề gieo chữ” giữa núi rừng Trường Sơn, mời các bạn cùng gặp gỡ cô Nguyễn Thị Nhi, giáo viên Tổng phụ trách Đội của trường nhé!

Cô Tổng “đa-zi-năng”

“Thầy” Nhi hay “anh” Nhi là cái tên thân mật mà đồng nghiệp đặt cho cô Tổng phụ trách Nguyễn Thị Nhi. Phần vì tính cách cô thẳng thắn; phần vì khi di chuyển giữa các điểm trường phải trèo đèo, lội suối mà cô Nhi cứ đi “phăm phăm” như cánh nam nhi. Thi thoảng cô còn tập trung các bạn học sinh lại, đảm nhiệm công việc của một thợ cắt tóc chuyên nghiệp.

cô Tổng - Ảnh 2

Nhờ cô Nhi mà chúng tớ có tóc mới siêu đẹp luôn!

Là một Tổng phụ trách Đội, cô Nhi luôn chú trọng đẩy mạnh công tác Đội và phong trào thiếu nhi trong nhà trường. Cô phối hợp cùng nhà trường, dẫn dắt Liên đội thực hiện tốt các phong trào thi đua, văn hoá, văn nghệ, hội thi thể dục thể thao… Nhờ vậy mà nhiều năm liền, Liên đội trường PTDT Bán trú TH Trường Sơn đã đạt danh hiệu Liên đội mạnh cấp Huyện. 

Ngoài làm công tác Đội, cô Nhi còn giảng dạy môn Lịch sử và Địa lý; khi thiếu giáo viên, cô cũng kiêm luôn cả công tác chủ nhiệm. Không chỉ vậy, mỗi tháng 1 buổi, cô Tổng thường đứng lớp dạy tiếng Anh cho các bạn học sinh ở bản Hôi Rấy nữa. 

cô Tổng - Ảnh 4

Bạn Hoàng Thị Mỹ Tâm (lớp 5A) vui vẻ kể về cô Tổng phụ trách: “Cô Nhi siêu hiền! Cô luôn vận dụng nhiều phương pháp dạy học sáng tạo để chúng tớ nhanh hiểu bài. Còn khi là cô giáo Tổng phụ trách, bạn nào gặp chuyện gì là cô sẵn sàng tâm sự, giúp đỡ. Chúng tớ yêu cô Tổng lắm!”.

Thử thách rèn ý chí

Trường PTDT Bán trú TH Trường Sơn có 305 học sinh, trong đó có 80% học sinh là người dân tộc Bru - Vân Kiều. Trường được chia thành 8 điểm nằm cách xa nhau và cô Nhi làm công tác phụ trách chung cho cả 8 điểm trường ấy. Có điểm trường cách xa trung tâm 35 – 40 km, có điểm trường phải đi thuyền gần 3 tiếng đồng hồ mới đến, có điểm thì cứ đến mùa mưa bão là phải đi bộ mới vào được trường, nên mỗi tháng cô Nhi chỉ đi được 1 – 2 nơi. Vì vậy mà việc tổ chức hoạt động Đội tại tất cả các điểm trường hoặc tập trung lại rất khó, đa phần đều phối hợp với các giáo viên chủ nhiệm để tổ chức.

cô Tổng - Ảnh 1

Cô Nhi phải băng qua những con đường hiểm trở để đến các điểm trường PLoang, Rìn Rìn.

Kỷ niệm khiến cô Nhi nhớ mãi trong suốt 5 năm làm Tổng phụ trách là vào đợt lũ tháng 10 năm 2020. Cô Nhi cùng một cô giáo khác vào trực tại bản Ploang đúng ngày mưa gió tầm tã, ở nơi không có điện, không có sóng điện thoại và hoàn toàn cắt đứt liên lạc với bên ngoài. Sau một hồi đắn đo, hai cô giáo quyết định băng qua 24 chỗ sạt lở trong vòng một ngày để rời khỏi bản, thông báo tình hình cho mọi người bên ngoài. Và sau một tuần kẹt ở bản, trải qua nhiều hiểm nguy, các cô giáo đã bình an trở về nhà.

cô Tổng - Ảnh 6

Điểm trường Bản Sắt sau cơn lũ hồi tháng 10/2020.

Cùng với điều kiện tự nhiên khắc nghiệt, các giáo viên cũng gặp phải những khó khăn trong việc giảng dạy. Học sinh ở đây rất ngoan, nhưng các bạn còn hạn chế về kỹ năng sống và khả năng tiếp nhận kiến thức. 

Từ đó, cô Nhi đã triển khai một số mô hình hoạt động nhằm nâng cao chất lượng giáo dục, công tác Đội và phong trào thiếu nhi vô cùng hiệu quả và được Ban Giám hiệu nhà trường đánh giá cao. Nổi bật là mô hình “Đọc to nghe chung” áp dụng tại tất cả các điểm trường và “Lớp học bơi an toàn” ở một số điểm trường trung tâm.

cô Tổng - Ảnh 3

Mô hình “Đọc to nghe chung giúp các bạn học sinh tập trung và hứng thú với bài học hơn.

cô Tổng - Ảnh 5

Lớp học bơi an toàn” được tổ chức tùy vào điều kiện của từng điểm trường. Các giáo viên luôn theo sát để đảm bảo an toàn cho học sinh.

Những gian khó, thử thách đều có thể vượt qua được khi ngôi trường vùng cao Trường Sơn có những thầy, cô giáo tâm huyết với sự nghiệp bồi dưỡng và giáo dục thế hệ tương lai của đất nước như cô Tổng phụ trách Nguyễn Thị Nhi.

Đọc báo điện tử Thiếu niên Tiền phong và Nhi đồng nhanh chóng, thuận tiện và an toàn hơn trên các thiết bị di động với Ứng dụng TNTP&NĐ Online

Tải ngay ứng dụng TNTP&NĐ Online TẠI ĐÂY

Bạn đang đọc bài viết Chuyện làm "Tổng" ở vùng sâu tại chuyên mục Trường Lớp của Báo Thiếu niên Tiền phong & Nhi đồng. Mọi thông tin góp ý và chia sẻ, xin vui lòng gửi về hòm thư banbientap@thieunien.vn.

Bài liên quan

Bài Trường Lớp khác