Thời đi học, nhiều người đánh giá kỳ thi chuyển cấp 3 còn khốc liệt hơn thi đại học bởi cánh cửa trường công không phải mở cho tất cả sĩ tử, nếu không được vào công lập thì học trò chỉ có nước học trường tư hoặc giáo dục thường xuyên.
Cánh cửa nguyện vọng không phải luôn mở cho tất cả sĩ tử, và nhiều khi thực tế nghiệt ngã khi có học sinh chỉ vì thiếu 0,25 điểm mà đã tuột mất ngôi trường yêu thích. Vậy nên đi kèm với mỗi lần thông báo điểm là những áp lực và gánh nặng học tập luôn đè nặng trên vai.
Câu chuyện về một cô bạn 7 năm học sinh giỏi nhưng thi trượt trường công, đến lớp 10 trường tư cũng không nhận chắc chắn sẽ làm mọi người phải suy ngẫm.
Theo lời một số bạn trẻ chứng kiến sự việc từ đầu, cô bạn không may thi trượt kỳ thi vào lớp 10 trường công lập, nên đã cùng mẹ đến đăng ký nhập học tại trường cấp 3 tư thục. Không rõ vì lý do nào đó mà ngay cả trường dân lập này nhà trường cũng không nhận. Người mẹ bức xúc nên quay ra nặng lời với nữ sinh, đỉnh điểm khi ra khỏi văn phòng trường, người mẹ này đã bắt cô con gái quỳ xuống lối đi để xin lỗi.
Đó có phải là sự bất lực, là đỉnh điểm của sự thất vọng sau chuỗi ngày chạy ngược chạy xuôi tìm trường cho con bất thành của bậc phụ huynh có con thi trượt lớp 10?
Thi trượt, cha mẹ thất vọng 1 thì chúng ta, những cô cậu học trò đã cố gắng miệt mài thất vọng 10 bởi ta không chỉ bỏ lỡ cơ hội trước một trong những cuộc thi quan trọng nhất của đời học sinh mà còn phải chịu áp lực đổ dồn từ kỳ vọng của cha mẹ.
Ngày bé, chúng ta đi học hầu như chưa có sự ganh đua cạnh tranh trong điểm số, nhưng càng lớn lên cuối cấp 2 thi vào lớp 10, cuối cấp 3 thi vào đại học, chúng ta càng phải chịu áp lực chiến thắng trong kết quả học tập, sợ bị thua sút, sợ bị so sánh.
Thứ áp lực ấy khiến học trò luôn trong trạng thái căng thẳng và cảm thấy tương lai bất định. Cạnh tranh để có kiến thức tốt là động lực, nhưng cạnh tranh để giữ vị trí cao trong lớp tạo tâm lý nặng nề đè nặng lên học sinh. Thậm chí, khi đã ở vị trí dẫn đầu, nhiều bạn vẫn hoang mang sợ không giữ được thành tích này, sợ bị vượt mặt sẽ khiến bố mẹ phiền lòng.
Học sinh ngày nay, phần đa đang phải chịu áp lực đè quá nặng lên đôi vai của chính mình. Không còn được tự do vui chơi như ngày xưa, không còn được làm những việc mà mình yêu thích nữa mà thay vào đó là học và học. Ngoài giờ học trên lớp thì phải học thêm nhiều môn, những yêu cầu của cha mẹ làm các bạn học sinh trở nên đau đầu. Hằng ngày cứ diễn ra như vậy, tan học là phải học thêm cho đến tối, vừa về đến nhà cũng đã chín, mười giờ chỉ kịp bỏ cặp xuống rồi vội lao vào bàn học, học tiếp cho bài của ngày mai.
Tuy nhiên, một kỳ thi không thể nói lên sự thắng hay bại của một đời người. Thất bại hôm nay có thể là tiền đề cho thành công ngày mai. Thất bại chỉ là ranh giới mong manh cho sĩ tử lựa chọn quyền tiếp tục đứng lên hay nằm đó ủ rũ như kẻ thất bại trên chiến trường cuộc đời. Và sau tất cả, quan trọng nhất là chúng ta biết đứng lên sau thất bại và không ngừng cố gắng học tập, phấn đấu cho tương lai.