Đảm bảo an toàn, phòng chống đuối nước cho trẻ em TP. Hồ Chí Minh trong dịp hè

Đức Trọng
Sở GD&ĐT TP.HCM mới ban hành văn bản về việc tăng cường các hoạt động quản lý, giáo dục và bảo đảm an toàn cho trẻ em, học sinh, học viên, sinh viên trong kỳ nghỉ hè năm 2024.

Theo đó, sở yêu cầu các Phòng GD&ĐT, các trường THPT, trường phổ thông nhiều cấp học, trung tâm GDTX, GDTX-GDNN... thực hiện có hiệu quả việc tiếp nhận, bàn giao trẻ em, học sinh, học viên, sinh viên (bao gồm cả học sinh, học viên giáo dục thường xuyên trong độ tuổi học sinh phổ thông) về sinh hoạt hè tại địa phương.

Ảnh minh họa
Ảnh minh họa

Các tổ chức, đơn vị cũng cần tăng cường giáo dục và bảo đảm an toàn trong tổ chức các hoạt động giao lưu, học hỏi, trải nghiệm, thực hành, rèn luyện kỹ năng; đa dạng hoá các hoạt động Đoàn, Đội, các hoạt động vui chơi, giải trí an toàn, lành mạnh nhằm nâng cao tính tích cực, chủ động của trẻ em, học sinh, học viên, sinh viên tại nơi cư trú.

Các nội dung mà tổ chức, đơn vị cần tập trung bao gồm:

Thứ nhất là chủ động nắm bắt nhu cầu của trẻ em, học sinh, học viên, sinh viên; chỉ đạo các bộ phận chức năng của nhà trường trực tiếp triển khai hoặc phối hợp với các tổ chức đoàn thể quản lý, thực hiện các hoạt động trải nghiệm, giáo dục kỹ năng sống, hoạt động văn hóa thể thao, phát triển năng khiếu, tạo môi trường cho trẻ em, học sinh, học viên, sinh viên có các hoạt động vui chơi lành mạnh, bổ ích.

Các trường, phòng giáo dục cũng cần có giải pháp phối hợp với gia đình, các tổ chức đoàn thể, chính quyền địa phương bảo đảm an toàn cho trẻ em, học sinh, học viên, sinh viên khi tham gia các hoạt động tại nhà trường và trên địa bàn sinh sống.

Thứ hai là quan tâm theo dõi, hướng dẫn trẻ em, học sinh, học viên, sinh viên sử dụng và khai thác mạng an toàn, lành mạnh; tuyên truyền về tác hại của trò chơi trực tuyến có nội dung không lành mạnh; đẩy mạnh các hoạt động tuyên truyền về phòng, chống xâm hại, tại nạn thương tích, đuối nước trẻ em.

Các gia đình, người dân cũng cần được tuyên truyền về việc tải và sử dụng ứng dụng “Người trợ lý ảo” trên điện thoại thông minh để phát huy hiệu quả của ứng dụng phòng, chống xâm hại trẻ em và người dưới 18 tuổi, đồng thời hưởng ứng tham gia các hoạt động kỷ niệm Ngày Gia đình Việt Nam 28/6 và Tháng hành động quốc gia về phòng, chống bạo lực gia đình năm 2024.

Thứ ba là chú trọng triển khai công tác tư vấn tâm lý và công tác xã hội học đường trong việc tư vấn, hỗ trợ học sinh, phòng tránh những sự việc đáng tiếc, đặc biệt trước, trong và sau khi các kỳ thi diễn ra.

Các đơn vị, tổ chức được giao nhiệm vụ hướng dẫn gia đình theo dõi, phát hiện các khó khăn tâm lý - xã hội của trẻ em, học sinh và kịp thời phối hợp với nhà trường để có các biện pháp phòng ngừa, hỗ trợ, can thiệp; phân công nhân sự thường trực hỗ trợ trẻ em, học sinh, học viên, sinh viên khi có các vấn đề cần sự hỗ trợ về tâm lý và các vấn đề liên quan.

Thứ tư là khi phối hợp tổ chức các hoạt động trong và ngoài nhà trường, các bên cần có phân công nhân sự là cán bộ, giáo viên, nhân viên của đơn vị tham gia hỗ trợ, đảm bảo an toàn cho học sinh, học viên, sinh viên.

Thứ năm là phối hợp với Đoàn TNCS Hồ Chí Minh tại địa phương tổ chức Chiến dịch Thanh niên tình nguyện Hè: Chương trình “Tiếp sức mùa thi”, Chiến dịch tình nguyện “Hoa Phượng đỏ”, Chiến dịch tình nguyện “Mùa Hè xanh”, tình nguyện tại chỗ, v.v… ; tổ chức các hoạt động hè vui tươi, lành mạnh, thu hút học sinh, học viên, sinh viên tham gia, góp phần giáo dục kỹ năng sống; tăng cường giải pháp phòng chống bạo lực, xâm hại trẻ em.

Đọc báo điện tử Thiếu niên Tiền phong và Nhi đồng nhanh chóng, thuận tiện và an toàn hơn trên các thiết bị di động với Ứng dụng TNTP&NĐ Online

Tải ngay ứng dụng TNTP&NĐ Online TẠI ĐÂY

  • Tags
Bạn đang đọc bài viết Đảm bảo an toàn, phòng chống đuối nước cho trẻ em TP. Hồ Chí Minh trong dịp hè tại chuyên mục Góc nhìn của Báo Thiếu niên Tiền phong và Nhi đồng. Mọi thông tin góp ý và chia sẻ, xin vui lòng gửi về hòm thư banbientap@thieunien.vn.

Bài liên quan

Bài Góc nhìn khác