Đánh vào đầu trẻ: Nguy cơ tổn thương não, sang chấn tâm lý

Thúy Quỳnh
Theo các chuyên gia nhi khoa, hành động đánh vào đầu không chỉ gây nguy hiểm đến sức khỏe mà còn ảnh hưởng nặng nề đối với tâm lý của trẻ.

Sáng 26/11, báo Tuổi trẻ đã đăng clip ghi lại cảnh bạo hành trẻ tại Trường Mầm non tư thục Mầm Xanh. Nội dung clip ghi lại hình ảnh ba người phụ nữ đã có các hành vi bạo hành học sinh, đặc biệt là dùng nhiều dụng cụ khác nhau đánh vào đầu, mặt của trẻ. Tuy nhiên, đi kèm với việc trẻ bị bạo hành sẽ là hành loạt các hệ lụy vô cùng nguy hiểm kèm theo như tổn thương não, sang chấn tâm lý,…

Đánh vào đầu trẻ: Nguy cơ chấn thương sọ não

Theo VnExpress, Giáo sư Phạm Gia Khải, Bệnh viện Bạch Mai (Hà Nội) phân tích trẻ bị đánh liên tiếp vào mặt, đầu có hai nguy cơ xảy ra. Thứ nhất trẻ bị tổn thương về mặt tâm lý, thứ hai là có nguy cơ bị chấn thương sọ não nếu lực đánh với lực mạnh. Mức độ chấn thương của trẻ tới đâu thì cần phải chụp CT để xác định.

Đồng quan điểm, PGS.TS Nguyễn Tiến Dũng, nguyên Trưởng khoa Nhi, Bệnh viện Bạch Mai (Hà Nội) chia sẻ trẻ bị đánh liên tiếp vào đầu, vào mặt chắc chắn sẽ có tổn thương nhất định. Thậm chí, trẻ không gặp phải những vấn đề tổn thương phần mềm cũng sẽ ảnh hưởng tới tâm lý.

Theo Thạc sĩ Lương y Vũ Quốc Trung, nguy cơ chấn thương sọ não là do phần cơ dây chằng cổ của trẻ yếu khi đánh một lực quá mạnh vào đầu sẽ dễ dẫn đến tổn thương. Ngoài ra, phần đỉnh đầu còn tập trung hai huyệt rất quan trọng là Bách Hội (huyệt ở điểm gặp nhau của đường thẳng dọc giữa đầu và đường ngang qua đỉnh vành tai, sờ vào đó thấy một khe xương lõm xuống) và Tứ Thần Thông (có bốn huyệt trước, sau, phải, trái cách huyệt Bách Hội một thốn - đơn vị đo chiều dài sinh học trên cơ thể người).

Đây là hai huyệt cấm kỵ nếu đánh vào có thể nguy hiểm tới tính mạng.  Tác động lực lớn vào hai huyệt này có thể gây ra tụ máu trong não. Thường xuyên tiếp xúc với các bệnh nhi, PGS.TS Dũng khẳng định vấn đề tổn thương tâm lý trẻ còn nguy hiểm hơn rất nhiều những vết thương nhìn thấy bên ngoài.

"Người lớn thường nghĩ trẻ con không biết gì nhưng thực tế thì không phải. Những cử chỉ, hành động, ánh mắt,… của người lớn đối với trẻ đều ảnh hưởng tới tâm lý của bé. Trẻ nhỏ thường xuyên bị đánh đập ngay từ lúc nhỏ sẽ ảnh hưởng tới tính cách về sau, khiến bé có xu hướng cư xử bạo lực hơn", bác sĩ này chia sẻ.

Dấu hiệu nhận biết khi trẻ bị đánh vào đầu

Đối với những dấu hiệu nhận biết trẻ bị bạo hành, Gia đình mới đưa tin, một trong những dấu hiệu chính xác nhất khi trẻ bị bạo hành chính là cơ thể của trẻ. Chỉ cần quan sát kỹ bàn tay, chân, cổ, mông, má của trẻ trước và sau khi đón trẻ về là cha mẹ có thể biết được chuyện gì đã diễn ra ở trường. Cha mẹ cần kiểm tra xem con có vết bầm tím, cào xước, vết bỏng, vết lằn... nào không, nếu có cần chú ý ngay, với các bé đã biết nói và có thể trò chuyện, cha mẹ nên giúp con cởi mở, thường xuyên trò chuyện hỏi han con những chuyện ở trường.

Tuyệt đối không bao giờ tỏ ra nóng giận, quát mắng con khi con kể chuyện dù con có làm gì sai, mà nên giữ sự chừng mực, thoải mái, vì các bé có thể sẽ không dám kể chuyện mình bị bạo hành với cha mẹ nếu bị kẻ xấu tiêm nhiễm vào đầu óc rằng các bé 'hư' và đáng bị 'phạt'.

Dấu hiệu bị bạo hành ở những trẻ dưới 1 tuổi

Tuy nhiên, không phải khi nào những dấu vết bạo hành cũng để lại trên da thịt. Đặc biệt là với những trẻ chưa biết nói, phụ huynh nên tìm hiểu về triệu chứng của Shaken Baby Syndrome - SBS (Tạm dịch: Hội chứng xảy ra với trẻ khi bị rung lắc mạnh).

Hội chứng SBS xảy ra khi trẻ (thường là dưới 1 tuổi) bị người chăm sóc lắc mạnh cơ thể của trẻ một cách hung bạo.

Khi đầu của trẻ bị lắc mạnh, bộ não sẽ va đập với xương sọ và có thể gây nên những bầm tím, sưng tấy, tạo áp lực hay thậm chí là chảy máu trong não bộ.

Ảnh hưởng thường gặp của hội chứng SBS là làm tổn thương, chảy máu võng mạc - một lớp mô thần kinh vô cùng nhạy cảm của mắt, có vai trò chuyển hóa năng lượng ánh sáng thành thông tin hình ảnh gửi về não bộ.

Hội chứng SBS ở trẻ là khá phổ biến, riêng ở Mỹ mỗi năm có hơn 10,000 trẻ nhỏ gặp phải hội chứng này.

Những người lớn bạo hành thường trút giận lên trẻ nhỏ bằng cách vừa lắc mạnh vừa quát mắng, quăng quật mạnh hay thậm chí tung lên xuống nhiều lần như trong vụ người giúp việc bạo hành bé gái hơn 1 tháng tuổi vừa qua.

Một số triệu chứng phổ biến của hội chứng SBS:

Trẻ đặc biệt cáu kỉnh

Nôn trớ

Biếng ăn hoặc gặp trở ngại trong ăn uống

Khó thở

Co giật

Bơ phờ (mệt mỏi, ít vận động, thường không tỉnh táo)

Da xanh tái

Vết bầm ở cổ tay, cánh tay, ngực, cổ...

Trán rộng hơn bình thường, hay trên cơ thể có một phần mềm lồi ra.

Không thể ngẩng đầu lên

Rùng mình

Trẻ không thể tập trung theo dõi theo chuyển động bằng mắt của mình

Mê man

Nếu gặp nhiều trong số các triệu chứng trên ở trẻ lớn hơn, cha mẹ cũng cần lưu tâm chú ý và nghĩ đến khả năng trẻ đã bị bạo hành.

Minh Phương (tổng hợp)

Đọc báo điện tử Thiếu niên Tiền phong và Nhi đồng nhanh chóng, thuận tiện và an toàn hơn trên các thiết bị di động với Ứng dụng TNTP&NĐ Online

Tải ngay ứng dụng TNTP&NĐ Online TẠI ĐÂY

Bạn đang đọc bài viết Đánh vào đầu trẻ: Nguy cơ tổn thương não, sang chấn tâm lý tại chuyên mục Tư Vấn - Chia Sẻ của Báo Thiếu niên Tiền phong và Nhi đồng. Mọi thông tin góp ý và chia sẻ, xin vui lòng gửi về hòm thư banbientap@thieunien.vn.

Bài liên quan

Bài Tư Vấn - Chia Sẻ khác

Những loại đồ uống gây "nguy hiểm" cho xương của bạn

Thực phẩm mà bạn tiêu thụ hàng ngày có thể ảnh hưởng đến xương của bạn. Bên cạnh các loại thực phẩm giàu Canxi, Vitamin D và các chất dinh dưỡng khác quan trọng cho sức khỏe xương, vẫn có những loại thực phẩm và đồ uống làm giảm sự hấp thụ Canxi và khiến xương, răng của bạn yếu hơn.

"Bật mí" những cách trị sẹo thâm ở chân nhanh và an toàn

Sẹo thâm được tạo nên khi vùng da bị tổn thương nhưng không được bảo vệ, chăm sóc đúng cách. Để cho da bị ảnh hưởng trực tiếp từ ánh nắng mặt trời và bụi bẩn, vi khuẩn môi trường. Khiến cho da tổn thương sản sinh nhiều sắc tố melanin hình thành sẹo thâm, sẫm màu.