Đề thi Ngữ Văn bằng hình ảnh lạ gây xôn xao cộng đồng mạng

Nguyễn Hà
Đề văn nghị luận xã hội với hình ảnh một chiếc thuyển nổi trên mặt nước được buộc chặt cùng bóng đèn phát sáng, hiện đang gây xôn xao cộng đồng mạng.

Nghị luận xã hội luôn là phần đề bài gây khó học sinh nhất. Bởi mọi vấn đề, mọi tình huống có thể khơi dậy sự sáng tạo, khả năng vận dụng kiến thức xã hội để làm bài. Trong đề thi chọn học sinh giỏi Quốc gia môn Ngữ Văn của tỉnh Bắc Giang vừa diễn ra ngày 17/9, có đưa ra hình ảnh một chiếc thuyển nổi trên mặt nước, dưới đáy có buộc một chiếc bóng điện sáng và yêu cầu học sinh trình bày quan điểm từ bức ảnh trên.

Ngay sau khi xuất hiện trên diễn đàn văn học, đề văn chọn học sinh giỏi quốc gia môn Ngữ Văn đã thu hút nhiều lượt thích và bình luận.

Đa số đều công nhận sự sáng tạo, mới lạ trong đề thi. Nhưng kèm theo đó là những ý kiến phản đối cho rằng đề thi ra khó hiểu, trừu tượng khiến học sinh phải lúng túng khi làm bài.

Bạn Minh đưa ra ý kiến quan điểm cá nhân về đề thi này: “Mình thấy đây là một đề thi rất hay và sát thực tế, mình đã từng làm cộng tác viên viết bình luận phim chiếu rạp, sau khi xem phim xong (đêm công chiếu cho báo giới) và chuẩn bị viết bài, mình luôn băn khoăn rằng phải viết như thế nào cho hợp ý số đông, để bài viết của mình được nhiều người công nhận và đồng tình, nhưng càng làm công việc này lâu mình càng cảm thấy rằng điều đó là không nên.Bởi bạn xem một bộ phim và bạn sẽ có cảm nhận của riêng bạn, bạn không nhất thiết phải giống số đông, bạn phải có quan điểm riêng, và tất nhiên, ý kiến đánh giá cho một bộ phim là rất nhiều chiều nên làm gì có một hướng suy nghĩ đúng đắn. Liên hệ với đề thi này cũng vậy, đây là đề thi tầm cỡ quốc gia nên độ khó như thế là xứng đáng, và nó sẽ giúp học sinh mở rộng thế giới quan của riêng các em ấy.Cuộc sống vốn dĩ rất khó phân biệt đâu là đúng đâu là sai, mọi người thường quan niệm rằng cái đúng thuộc về số đông thôi, cho nên hãy để các em thỏa sức tưởng tượng chứ đừng mãi rập khuôn bó buộc các em vào một suy nghĩ, đó là lối mòn dẫn đến tù túng, thiếu sáng tạo.”

Anh Du Phong nhận xét rằng: “Hình ảnh chỉ là chiếc thuyền. Đề không hề nói thuyền làm bằng giấy, vậy mọi người sao dám khẳng định đây là "thuyền giấy", rồi thi nhau liên tưởng? Nếu giờ tôi bảo con thuyền đó bằng nhôm hoặc nhựa tạo hình thì sao? Hoặc trường hợp thuyền làm bằng kim loại / hợp kim đặt trong môi trường chất lỏng có nồng độ muối cao vẫn nổi như thường. Thứ 2, bóng đèn là loại đèn dây tóc. Bóng đèn không gắn vào nguồn điện, chỉ thấy trắng lốm đốm phần đầu, và mọi người bảo là “đèn sáng”. Thế nếu trường hợp không phải do ánh sáng của dây tóc bóng đèn nóng sáng mà do ánh sáng từ nguồn sáng khác phản chiếu thì sao? Thứ 3,  Xét trên góc độ vật lý, chuôi đèn thực tế luôn nặng hơn phần bóng đèn. Vậy thuyền nằm thăng bằng trên đèn, nổi trên nước là vô lý. Nếu là thuyền giấy, nó sẽ nhanh chóng bị chúc đầu và rã ra. Từ những phân tích trên, cho thấy học sinh có thể phát triển vấn đề theo cả hướng tích cực và tiêu cực. Hơn nữa, đề có yêu cầu: “Hãy trình bày quan điểm cá nhân về vấn đề được gợi ý từ bức ảnh trên”. Vậy vấn đề ở đây là gì? Bức ảnh gợi ý điều gì? Các giáo viên bảo đây là dạng đề mở, thử thách khả năng suy luận, phát hiện và gợi mở vấn đề của học sinh. Tức là đáp án không chỉ có một. Vậy tiêu chí chấm là gì? Xem xét yếu tố độc đáo, khác biệt trong suy nghĩ? Hướng gợi mở sẽ nghiêng về mặt tích cực hay tiêu cực?”

 Bạn Nguyễn Vũ Quỳnh Anh phân tích bức ảnh một cách chi tiết: "Con thuyền giấy ấy đang chở ước mơ, hoài bão, khát vọng của chúng ta. Bóng đèn kia có thể hiểu đó là ý chí, là sự sáng tạo, là ánh sáng hi vọng, là sự quyết tâm. Nhưng bởi chiếc thuyền kia làm bằng giấy, còn đích đến của chúng ta nó mơ hồ như dòng nước vậy. Con thuyền chở ước mơ ấy cứ thế trôi mãi, có thể trước khi về đc đích nó đã tan vào nước rồi. Bóng đèn ấy chính là đòn bẩy thúc đẩy cái khát vọng của chúng ta, nó soi sáng con đường mơ ước của cta, để cta có thể đi tới đích một cách minh bạch và rõ ràng nhất. Hình ảnh sợi dây "buộc chặt" kia chính là sự kết nối quan trọng nhất giữa thuyền - đèn, giữa ý chí - ước mơ. Nói cách khác: Ai cũng có quyền được ước mơ, ai cũng có hoài bão riêng của mình, và để đạt được cái riêng của bản thân, cta cần phải có ý chí và sự quyết tâm. Ước mơ và ý chí phải luôn luôn đi đôi, song hành với nhau. Bởi ánh sáng của sự quyết tâm ấy sẽ giúp ta chèo lái con thuyền ước mơ kia về tới đc bến bờ thành công. Thành công không tình cờ đến, thay vào đó bạn cần phải quyết tâm để thành công !"

Trả lời báo Dân trí, cô Phạm Thị Thanh Bình - tổ trưởng tổ Ngữ văn, thành viên của tổ ra đề thi chọn đội tuyển thi HSG Quốc gia năm 2018 môn Ngữ văn của Sở GD&ĐT Bắc Giang, đây là "dạng đề mở" đi kèm đáp án mở. Khi ra đề bài này, tổ ra đề đã lường trước việc gây khó khăn cho người chấm. Nhưng mục đích hướng đến của đề thi là tìm học sinh có khả năng tư duy, lập luận vấn đề, có khả năng liên tưởng một hình ảnh với thực tiễn xã hội.

Trên diễn đàn văn học tiếp tục xuất hiện một đề văn cực kỳ "hại não" với các bạn thí sinh.

Ngọc Hà (Tổng hợp)

 

 

 

Đọc báo điện tử Thiếu niên Tiền phong và Nhi đồng nhanh chóng, thuận tiện và an toàn hơn trên các thiết bị di động với Ứng dụng TNTP&NĐ Online

Tải ngay ứng dụng TNTP&NĐ Online TẠI ĐÂY

Bạn đang đọc bài viết Đề thi Ngữ Văn bằng hình ảnh lạ gây xôn xao cộng đồng mạng tại chuyên mục Trường Lớp của Báo Thiếu niên Tiền phong và Nhi đồng. Mọi thông tin góp ý và chia sẻ, xin vui lòng gửi về hòm thư banbientap@thieunien.vn.

Bài liên quan

Bài Trường Lớp khác

Hơn 7.000 học sinh THPT tại Bến Tre sẵn sàng “Hiểu mình - Hiểu nghề - Sáng tương lai”

Đầu tháng 11 vừa qua, Tỉnh đoàn Bến Tre phối hợp Sở Giáo dục và Đào tạo, Trung tâm Hướng nghiệp Thành phố Hồ Chí Minh tổ chức Hành trình truyền thông Hướng nghiệp - Khởi nghiệp dành cho hơn 7.000 học sinh THPT, học viên Trung tâm GDNN - GDTX trên địa bàn 6 huyện, thành phố với chủ đề “Hiểu mình - Hiểu nghề - Sáng tương lai”.

Trường Tiểu học Bế Văn Đàn tưng bừng khởi động tuần mới

Vừa qua, đến với gần 2.000 học sinh trường Tiểu học Bế Văn Đàn (quận Bình Thạnh, TP. Hồ Chí Minh), chương trình “Hiểu và thực hành Quyền trẻ em - Luật trẻ em” do Báo TNTP&NĐ tổ chức tuần qua đã mang đến không khí vô cùng sôi nổi bên cạnh những bài học bổ ích.