Nhiều phương án lựa chọn học lớp 10 tại Hà Nội

TP
Trong khi nhiều học sinh đã tìm được chỗ học phù hợp, vẫn còn không ít bạn đang chờ đợi thông tin tuyển sinh bổ sung hoặc cân nhắc các lựa chọn học tập khác ngoài trường công lập.

Ngày 13/7, Sở Giáo dục và Đào tạo Hà Nội đã chính thức khóa hệ thống xác nhận nhập học tại Cổng thông tin tuyển sinh đầu cấp (https://tsdaucap.hanoi.gov.vn). Song song với đó, Sở cũng tiến hành rà soát, thống kê số lượng học sinh đã xác nhận nhập học tại các trường THPT công lập, tư thục, trung tâm giáo dục nghề nghiệp – giáo dục thường xuyên... nhằm chuẩn bị cho đợt xét tuyển bổ sung.

Có nhiều lựa chọn học THPT cho học sinh Hà Nội
Có nhiều lựa chọn học THPT cho học sinh Hà Nội

Căn cứ vào chỉ tiêu còn thiếu tại các trường THPT công lập, Sở GD&ĐT Hà Nội sẽ tổ chức họp xét duyệt và công bố điểm chuẩn bổ sung vào ngày 17/7. Đợt xác nhận nhập học bổ sung (nếu có) sẽ được triển khai từ ngày 19 đến hết ngày 22/7, theo hình thức trực tiếp.

Với những học sinh có nguyện vọng phúc khảo bài thi, kết quả sẽ được công bố chậm nhất vào ngày 28/7. Các trường sẽ tiếp nhận học sinh trúng tuyển sau phúc khảo từ ngày 28 đến 30/7, trong đó ngày 30/7 là thời gian duy nhất để xác nhận nhập học trực tiếp.

Mặc dù chỉ có khoảng 64% học sinh trúng tuyển vào các trường công lập sau kỳ thi tuyển sinh lớp 10, nhiều phụ huynh và học sinh đang lo lắng về việc học THPT ở đâu. Tuy nhiên, theo Sở GD&ĐT Hà Nội, Thành phố có đầy đủ các loại hình giáo dục để đáp ứng nhu cầu học tập cho 100% học sinh tốt nghiệp THCS, theo đúng chủ trương phân luồng và hướng nghiệp sau THCS.

Học sinh không trúng tuyển vào trường công lập hoặc mong muốn tìm hướng đi phù hợp với năng lực bản thân có thể lựa chọn 1 trong 3 hướng phổ biến hiện nay:

  1. Học tại các trường THPT tư thục: Với hơn 30.000 chỉ tiêu, khối trường tư thục tại Hà Nội có cơ sở vật chất khang trang, chương trình học linh hoạt, nhiều lớp chất lượng cao hoặc tích hợp ngoại ngữ. Phần lớn các trường xét tuyển bằng học bạ THCS, một số sử dụng điểm thi vào lớp 10 công lập.

  2. Theo học chương trình giáo dục thường xuyên: Ưu điểm là học phí thấp, thời gian học linh hoạt, phù hợp với học sinh cần làm thêm, có năng khiếu đặc biệt hoặc cần môi trường học nhẹ nhàng. Nhiều trung tâm còn liên kết với trường nghề để học sinh vừa học văn hóa vừa học nghề.

  3. Tham gia chương trình 9+: Đây là mô hình đang ngày càng thu hút học sinh, cho phép học song song chương trình văn hóa THPT và chương trình trung cấp nghề. Sau khi tốt nghiệp, học sinh vừa có bằng nghề vừa đủ điều kiện học tiếp lên cao đẳng, đại học.

  4. Với hệ 9+, học sinh học nghề song song với học THPT
    Với hệ 9+, học sinh học nghề song song với học THPT

    Hiện tại, Hà Nội có hơn 50 trường trung cấp, cao đẳng và 29 trung tâm giáo dục nghề nghiệp, giáo dục thường xuyên triển khai chương trình 9+, đào tạo đa dạng ngành nghề từ kỹ thuật, công nghệ đến dịch vụ. Năm học 2024-2025, gần 24.000 học sinh Hà Nội theo học chương trình này, chiếm khoảng 18% số học sinh tốt nghiệp THCS. Tỷ lệ có việc làm sau tốt nghiệp đạt trên 70% – một con số ấn tượng, thể hiện tính thực tiễn và hiệu quả của mô hình.

Sở GD&ĐT Hà Nội lưu ý, việc xác nhận nhập học ở đợt xét tuyển bổ sung chỉ thực hiện theo hình thức trực tiếp. Phụ huynh và học sinh cần chủ động theo dõi thông tin từ các kênh chính thống, nắm rõ lịch trình và chuẩn bị đầy đủ giấy tờ để không bỏ lỡ cơ hội học tập phù hợp.

Đọc báo điện tử Thiếu niên Tiền phong và Nhi đồng nhanh chóng, thuận tiện và an toàn hơn trên các thiết bị di động với Ứng dụng TNTP&NĐ Online

Tải ngay ứng dụng TNTP&NĐ Online TẠI ĐÂY

Bạn đang đọc bài viết Nhiều phương án lựa chọn học lớp 10 tại Hà Nội tại chuyên mục Trường Lớp của Báo Thiếu niên Tiền phong và Nhi đồng. Mọi thông tin góp ý và chia sẻ, xin vui lòng gửi về hòm thư banbientap@thieunien.vn.

Bài liên quan

Bài Trường Lớp khác

Mở rộng thẩm quyền cho Sở GD&ĐT và cấp xã trong quản lý giáo dục

Bộ Giáo dục và Đào tạo (GD&ĐT) vừa công bố dự thảo Thông tư hướng dẫn chức năng, nhiệm vụ, quyền hạn của Sở GD&ĐT trực thuộc Ủy ban nhân dân (UBND) tỉnh, thành phố và bộ phận chuyên môn về giáo dục của UBND cấp xã, phường, đặc khu để lấy ý kiến góp ý rộng rãi trên Cổng thông tin điện tử.