"DNA Champions League" của Real Madrid đến từ đâu?

Vũ Hoàng Nam
"DNA Champions League” hay “dòng máu hoàng gia” để mô tả tinh thần bất khuất của “những ông vua Madrid” trên đấu trường Cúp C1. Nhưng có lẽ ít ai hình dung thực sự những thứ đó đến từ đâu.

Trong những năm gần đây, sau mỗi lần Real Madrid vượt ngược lẽ thường để mang về chiến thắng vang dội, những người hâm mộ bóng đá lại đua nhau… chơi chữ. Họ đưa ra những khái niệm mới như “bóng đá ma thuật”, “DNA Champions League” hay “dòng máu hoàng gia” để mô tả tinh thần bất khuất của “những ông vua Madrid” trên đấu trường Cúp C1. Nhưng có lẽ ít ai hình dung thực sự những thứ đó đến từ đâu.

Một số người không ưa Real Madrid nói: Đơn giản thôi, Real mượn danh của quá khứ huy hoàng, dùng tiền khủng câu kéo dàn siêu sao về, lại ăn may liên tục. Nhưng quan điểm đó khác xa với sự thực về đội bóng hoàng gia! Hơn nữa, nếu mọi chuyện dễ dàng vậy thì tại sao có quãng thời gian 32 năm Real không thắng nổi một chiếc Cúp “tai voi”? Tại sao khi đã có trong tay thêm 3 chiếc Cúp C1 và đội quân Galacticos siêu mạnh, họ vẫn phải đợi thêm 12 năm để mang về chiếc “decima” hằng mong? Tại sao với những khoản đầu tư lớn gấp bội, Manchester City, Chelsea hay PSG đến giờ vẫn chỉ đạt một số thành tích khá khiêm tốn so với Real Madrid?

Sân vận động Santiago Bernabeu năm 2016, trước khi được đại tu vào năm 2020.
Sân vận động Santiago Bernabeu năm 2016, trước khi được đại tu vào năm 2020.

Để giải đáp nhưng câu hỏi này, xin mời các bạn cùng tôi nhìn lại những thăng trầm và những bài học đội bóng hoàng gia đã phải trải qua trước khi nắm giữ vị thế như ngày hôm nay. Đồng thời, mời bạn đọc đi tham quan phòng thay đồ của Los Blancos qua lăng kính máy ảnh của tôi.

Phần I: Từ "hoài niệm" tới "hoài bão" (thập niên 1990)

Tôi bắt đầu cổ vũ cho Real Madrid vào giữa thập niên 90 một cách khá tình cờ, khi đang là sinh viên của một trường đại học ở châu Âu. Thủa đó Internet còn mới mẻ, chưa có nhiều thông tin, nên tôi dành nhiều thời gian trong thư viện, lúc đọc tài liệu chuyên ngành, lúc chuyển sang đọc về thể thao, niềm đam mê lớn của tôi. Có lần, tôi được một tờ báo tiếng Việt ở Nga đặt viết vài bài về lịch sử các cúp châu Âu và những đội bóng huy hoàng thời xưa. Tôi đã kể cho độc giả về giai đoạn cuối thập niên 50 mà người ta từng nói: “UEFA Cup Winner’s Cup được sinh ra để dành cho Real Madrid”. Cúp Winner’s chính là tiền thân của Champions League ngày nay, còn gọi tắt là Cúp C1 để phân biệt với hai cúp khác.

Câu hỏi tôi đặt ra trong bài viết của mình cũng là điều khiến tôi thực sự trăn trở: Tại sao Alfred Di Stefano, Ferenc Puskas và các đồng đội đã dễ dàng “nuốt chửng” 5 chiếc Cúp C1 đầu tiên, nhưng những hậu duệ của họ lại kém may mắn tới mức “bỏ đói” các cổ động viên tận 30 năm, thua cả một số đội “vô danh tiểu tốt” đến từ Romania, Nam Tư và Scotland? Với ước mơ cho những người hâm mộ Los Blancos (“kền kền trắng”) sớm lại được reo mừng chào đón chiếc Cup “tai voi” về Madrid, tôi đã dần dần trở thành một trong số họ, bất chấp việc bị bạn bè gọi chế diễu là “thành viên của câu lạc bộ hoài niệm”.

Đội bóng huyền thoại giành sáu UEFA Cup Winner’s Cup vào những năm 1956-1960, 1966. Lần tiếp theo, Real Madrid thắng Cup “tai voi” vào năm 1998.
Đội bóng huyền thoại giành sáu UEFA Cup Winner’s Cup vào những năm 1956-1960, 1966. Lần tiếp theo, Real Madrid thắng Cup “tai voi” vào năm 1998.

Một người bạn Tây Ban Nha của tôi cũng kể: thời đầu thập niên 90, các Madridista cay cú lắm, nhưng vẫn phải “đi nhẹ, nói khẽ, cười duyên”. Bởi vì Barcelona được cầm quân bởi Johan Cruyff đã bốn lần liên tiếp vô địch La Liga, hai lần vào chung kết Cúp C1 (một lần thắng). Họ sở hữu những cầu thủ xuất sắc nhất hành tinh như Romario, Stoichkov, Ronaldo. Có lần, Real đã tìm cách làm suy yếu đối thủ bằng việc mua lại Michael Laudrup.

Tuy nhiên, ngoài việc giúp Laudrup lập vài kì tích, như năm lần vô địch La Liga liên tiếp, hay hai lần đại thắng El Clásico với tỉ số 5-0 dưới hai màu cờ sắc áo khác nhau trong vòng một năm, điều này cũng chỉ mang cho Real một chức danh vô địch quốc gia 1994/95. Không hài lòng với ban lãnh đạo, nên cuối năm 1995, các cổ động viên đã bầu chọn Lorenzo Sanz thay Ramon Mendoza trong vị trí Chủ tịch.

Real Madrid được sử hữu bởi hơn 90.000 socios, họ có quyền bầu Chủ tịch Câu lạc bộ và tham gia Đại hội đồng.
Real Madrid được sử hữu bởi hơn 90.000 socios, họ có quyền bầu Chủ tịch CLB và tham gia Đại hội đồng.

Khác với đa số các câu lạc bộ bóng đá trên thế giới, Real Madrid thuộc quyền sở hữu của hơn 90 ngàn cổ động viên, được biết đến với tên gọi “socios”, những người đóng lệ phí khoảng 150 euro mỗi năm và có quyền bỏ phiếu bầu chủ tịch theo nguyên tắc dân chủ. Khoảng hơn 2000 socios là thành viên của Đại hội đồng (bao gồm Hội đồng quản trị) - cơ quan tối cao của câu lạc bộ. Để so sánh, những câu lạc bộ như Manchester United, Chelsea, AC Milan hay PSG thuộc sở hữu của những doanh nhân hoặc tập đoàn giàu có, nên các cổ động viên của họ khó có thể tác động vào chính sách đội bóng. Đáng nói thêm, Câu lạc bộ Bóng đá Madrid được trao tặng tước hiệu “Real” (“hoàng gia”) cùng quyền gắn vương miện trong logo vào năm 1920, nhưng giữa hoàng gia và đội bóng không hề có sự liên kết chính thức nào.

Một cổ động viên nhí đang lắng nghe “tiếng vọng từ quá khứ”.
Một cổ động viên nhí đang lắng nghe “tiếng vọng từ quá khứ”.

Tuy Lorenzo Sanz đi vào lịch sử với tư cách người khôi phục sự huy hoàng của Real Madrid, qua việc giành được hai chiếc Cúp C1 đầu tiên sau 32 năm (!), ông cũng không trụ được quá một nhiệm kỳ chủ tịch. Một mặt, ông có công rước về những danh thủ như Roberto Carlos, Hierro, Seedorf, sau này trở thành huyền thoại của đội. Mặt khác, bất chấp việc ông tự bỏ tiền cá nhân để mua một số cầu thủ như Miijatovic và Šuker, khoản nợ của câu lạc bộ vẫn ngày càng tăng và đã đạt mức báo động đỏ - khoảng 300 triệu euro.

Hơn nữa, các thành tích của đội bóng cũng không ổn định: trong 5 năm Sanz làm Chủ tịch, Real Madrid chỉ một lần vô địch, một lần về nhì và ba lần… nằm ngoài top 3 La Liga, kể cả những năm họ vô địch Champions League. Tổng cộng trong thập niên 1990, Real Madrid đã có 13 huấn luyện viên trưởng thay phiên nhau, trong số đó có 8 người dưới thời Lorenzo Sanz. Không ai trong số họ trụ quá một mùa bóng, kể cả những tên tuổi lừng danh như Fabio Capello, người tự tuyên bố nghỉ sau khi vô địch La Liga 1996/97, hay Guus Hiddink, người mang về UEFA Super Cup 1998.

Real Madrid được gắn hình vương miện vào logo từ năm 1920. Nhưng trong thời Đệ nhị Cộng hoà Tây Ban Nha (1931-1939), các biểu tượng của hoàng gia bị cấm. Năm 1941, Real Madrid lại được “đội vương miện”.
Real Madrid được gắn hình vương miện vào logo từ năm 1920. Nhưng trong thời Đệ nhị Cộng hoà Tây Ban Nha (1931-1939), các biểu tượng của hoàng gia bị cấm. Năm 1941, Real Madrid lại được “đội vương miện”.

Trong bối cảnh như vậy, chiến thắng 1-0 của Real Madrid trước Juventus trong trận chung kết Champions League 1997/98 đã hoàn toàn bất ngờ! Không chỉ vì đây là chung kết Cúp C1 lần thứ ba liên tiếp của “Bà đầm già” với những ngôi sao như Del Piero, Zidane, được huấn luyện bởi bậc thầy chiến lược Marcello Lippi. Mà vì ngay cả người Madrid cũng không tin vào chiến thắng đội nhà. Chủ tịch Lorenzo Sanz kể, trước trận chung kết một tuần, HLV trưởng Jupp Heynckes đã than phiền với ông về các cầu thủ bằng lời lẽ đầy tiêu cực. Chính vì vậy, vị HLV người Đức đã bị sa thải ngay sau khi dẫn dắt Madrid giành được chiếc Cup “tai voi” hoài mong!

Người thuyền trưởng cuối cùng được Lorenzo Sanz bổ nhiệm vào cuối năm 1999 chính là Vicente del Bosque, trước đó từng hai lần làm huấn luyện viên tạm quyền. Lúc bấy giờ, không ai có thể nghĩ rằng vị “thầy giáo làng” hiền khô này sẽ trở thành một trong những huấn luyện viên thành công nhất trong lịch sử đội bóng hoàng gia. Suốt bốn năm ông cầm quân, Los Blancos liên tục vào bán kết Cúp C1, trong đó hai lần vô địch.

Tác giả được trải nghiệm ngồi vào “ghế nóng” của huấn luyện viên trong phòng họp báo.
Tác giả được trải nghiệm ngồi vào “ghế nóng” của huấn luyện viên trong phòng họp báo.

Với chiến thắng Champions League 1999/2000 nhờ sự lựa chọn may mắn này, Sanz đã tổ chức cuộc bầu cử chủ tịch sớm, nhưng bất ngờ thua cuộc. Các socios đã đứng trước lựa chọn khó khăn: tiếp tục tin tưởng Lorenzo Sanz hay “chọn mặt gửi vàng” cho Florentino Pérez, người đã hứa những điều gần như không tưởng. Cụ thể, ông đã hứa xoá món nợ khủng, biến Real Madrid thành một thương hiệu hàng đầu thế giới, đưa về sân Santiago Bernabeu những cầu thủ xuất sắc nhất hành tinh, khởi đầu bằng việc mua Figo, trái tim và đội trưởng đương nhiệm của kình địch muôn thủa - Barcelona.

Các Cúp Champions League được đặt trong vị trí trang trọng nhất trong bảo tàng.
Các Cúp Champions League được đặt trong vị trí trang trọng nhất trong bảo tàng.

Phải chăng, trong bầu không khí tràn trề hy vọng khi vừa bước sang thiên niên kỉ mới, các cổ động viên đã đặt niềm tin vào những hoài bão của Perez nên dành 55% phiếu bầu cho ông? Dù gì đi nữa, lịch sử đã chứng minh rằng, đó là một sự lựa chọn không thể tuyệt vời hơn, bởi vì Florentino Perez đã thực hiện tất cả những gì ông hứa với những người hâm mộ Real Madrid!

Mời các bạn đón đọc Phần II: Sự hình thành, sụp đổ và hồi sinh “Galacticos” (thập niên 2000).

 

Đọc báo điện tử Thiếu niên Tiền phong và Nhi đồng nhanh chóng, thuận tiện và an toàn hơn trên các thiết bị di động với Ứng dụng TNTP&NĐ Online

Tải ngay ứng dụng TNTP&NĐ Online TẠI ĐÂY

Bạn đang đọc bài viết "DNA Champions League" của Real Madrid đến từ đâu? tại chuyên mục Bóng Đá của Báo Thiếu niên Tiền phong và Nhi đồng. Mọi thông tin góp ý và chia sẻ, xin vui lòng gửi về hòm thư banbientap@thieunien.vn.

Bài liên quan

Bài Bóng Đá khác

"Hỏi xoáy - đáp xoay" cầu thủ Văn Hậu

Không khí buổi họp báo công bố Giải bóng đá U9 toàn quốc - Toyota Cup năm 2024 diễn ra tại Thủ đô càng trở nên vui vẻ và sôi nổi vì màn “Hỏi xoáy - Đáp xoay” giữa các cầu thủ nhí với hai tuyển thủ Đoàn Văn Hậu và Nguyễn Hữu Thực.