Cụ thể là cách đọc các thể loại và viết những kiểu văn bản thông dụng để từ đó, học sinh tự đọc và viết được các văn bản tương tự. Một trong những thể loại quan trọng học sinh cần chú ý trong chương trình là truyện truyền thuyết. Chúng ta hãy cùng tìm hiểu sâu hơn về điều này.
Học cách đọc truyện truyền thuyết
Các em cần đọc và biết cách đọc truyện truyền thuyết, đó là yêu cầu của chương trình Ngữ văn. Vậy truyền thuyết là gì? Đó thường là các tác phẩm tự sự dân gian kể về sự kiện và nhân vật lịch sử, thể hiện sự tôn vinh của nhân dân với những con người có công lao lớn. Từ lúc còn nhỏ cho đến khi học qua Tiểu học, chúng ta đều đã nghe và đọc truyện truyền thuyết. Thế giới truyện cổ kỳ diệu ấy luôn đồng hành với mỗi người ngay cả khi đã trưởng thành.
Tại sao ta lại say mê truyền thuyết? Bởi đây không chỉ là câu chuyện mang nhiều yếu tố tưởng tượng, kỳ ảo, hấp dẫn, mà còn là những bài học quý giá về lịch sử, văn hóa, con người... Khi rời ghế nhà trường, ta vẫn sẽ tiếp tục đọc những câu chuyện cổ, nhưng là tự đọc và tự hiểu. Vì thế ngay khi đang học, các em cần biết cách đọc truyện truyền thuyết.
Tại sao chọn "Thánh Gióng" và "Sự tích Hồ Gươm"?
Kho tàng văn học dân gian của ta có rất nhiều truyện truyền thuyết hay và hấp dẫn. Tuy nhiên, việc lựa chọn tác phẩm nào để học trong nhà trường là có mục đích rất rõ. Phải chọn những truyện truyền thuyết tiêu biểu giúp các em nắm được đặc điểm nổi bật của thể loại này để hình thành cách đọc, phương pháp đọc sao cho đúng. Mặt khác, thông qua nội dung câu chuyện để biết được truyền thống lịch sử oai hùng của dân tộc, để tự hào về đất nước, về những người anh hùng qua từng thời kỳ lịch sử... Truyền thuyết luôn gắn với lịch sử dựng nước, như các tác phẩm: "Bánh chưng, bánh giầy", "Con rồng cháu tiên", "Sơn Tinh - Thủy Tinh"… Lại có những truyền thuyết gắn với công cuộc đánh giặc, giữ nước như: "Thánh Gióng", "Truyện An Dương Vương và Mỵ Châu, Trọng Thủy", "Sự tích Hồ Gươm"… Truyền thuyết về các Anh hùng dân tộc: Hai Bà Trưng, Bà Triệu, Lý Bí, Trần Hưng Đạo, Yết Kiêu… Khó ai có thể đọc hết kho tàng truyền thuyết. Chính vì thế để dạy cách đọc, sách Ngữ văn 6 (bộ Cánh Diều) chủ trương chọn lọc và thông qua các tác phẩm tiêu biểu như "Thánh Gióng" (trang 25, tập 1), "Sự tích Hồ Gươm" (trang 36, tập 1) để hình thành cách đọc thể loại này.
"Thánh Gióng" được chọn đưa vào SGK vì đây là truyện có các đặc điểm tiêu biểu của thể loại truyền thuyết, lại là câu chuyện hấp dẫn với nội dung ca ngợi một nhân vật lịch sử. Cậu bé ấy 3 tuổi vẫn chưa biết đi, biết nói, cười nhưng khi giặc đến, tiếng nói đầu tiên là đòi đánh giặc và đã làm nên kỳ tích to lớn cho dân tộc. Truyền thuyết Thánh Gióng dạy chúng ta bài học về lòng yêu nước ngay cả khi ta còn rất nhỏ. Nó là ngọn lửa nồng nàn âm ỉ cháy và sẽ bùng lên thành ngọn lửa rực sáng mỗi khi Tổ quốc có giặc ngoại xâm. Đó chính là một trong những nét đặc sắc của câu chuyện.
Tiếp theo, sách chọn "Sự tích Hồ Gươm" là tác phẩm tương tự về đặc điểm thể loại, chủ đề yêu nước. Sự tích Hồ Gươm là câu chuyện hàm chứa nhiều bài học có giá trị to lớn. Đó là sự kiện đánh giặc giữ nước của vua Lê Lợi, là khát khao độc lập, hòa bình của dân tộc... Mong rằng những chia sẻ xoay quanh bài học truyền thuyết trong tập 1 của sách Ngữ Văn 6 (bộ Cánh Diều) sẽ giúp các em thêm hiểu và yêu hơn các tác phẩm được học.
Phó Giáo sư, Tiến sĩ (PGS. TS) Đỗ Ngọc Thống - nguyên Phó Vụ trưởng Vụ Giáo dục Trung học (Bộ Giáo dục và Đào tạo), là Chủ biên chương trình giáo dục phổ thông mới môn Ngữ văn, Chủ biên sách giáo khoa Ngữ văn lớp 6 - bộ Cánh Diều. Với gần 40 năm kinh nghiệm công tác trong ngành giáo dục, là tác giả và chủ biên nhiều cuốn sách giáo khoa, sách tham khảo môn Ngữ văn từ lớp 6 đến lớp 12, thầy Đỗ Ngọc Thống cũng là tác giả của nhiều công trình nghiên cứu khoa học, tiêu biểu như cuốn "Chương trình môn Ngữ văn trong nhà trường phổ thông Việt Nam" (Nhà xuất bản Giáo dục Việt Nam, năm 2011) |