Huyện biên giới Bình Liêu những năm gần đây đã thực hiện các giải pháp du lịch nông nghiệp, du lịch cộng đồng theo hướng phát triển bền vững. Địa phương cũng hướng tiêu chí xây dựng du lịch theo mùa như: Mùa lúa chín, mùa hoa sở, mùa hoa lau, hoa sim, là nhưng loài hoa rất đời thường trước đây là những cây mọc hoang ở nhiều xã trên địa bàn huyện, tuy nhiên lại rất gây thích thú với du khách. Trong các chương trình trải nghiệm, nhiều du khách rất thích được vác cuốc ra ruộng thu hoạch củ dong riềng với người nông dân.
Bác Trần Thị Lan, người làm dịch vụ du lịch ở Bình Liêu cho hay: “Du khách đến với huyện vùng cao Bình Liêu họ rất thích khám phá những phong tục tập quán, ẩm thực và nhiều cái khác nữa của đồng bào dân tộc thiểu số vùng cao. Do vậy, hướng làm du lịch của chúng tôi cũng rất chú trọng việc phát huy bản sắc dân tộc, tạo sự mới lạ và tò mò của du khách”.
Xã Húc Động vốn rất nổi tiếng thác Khe Vằn, dòng thác cao gần trăm mét chảy suốt quanh năm. Nơi đây còn rất nổi tiếng với các cô gái Sán Chỉ đá bóng. Chị em mặc nguyên váy áo dân tộc mình ra sân cỏ, với những nét uyển chuyển đầy nữ tính nhưng cũng không kém phần mạnh mẽ, tạo sự khác lạ với bóng đá khiến nhiều du khách thích thú.
Ngày nay các trận bóng đá nữ Sán Chỉ được tổ chức thường xuyên, một phần để nâng cao hoạt động thể thao trên địa bàn, thu hút khách du lịch. Đã có nhiều đoàn khách du lịch đến từ Hà Nội, Lâm Đồng, Đắc Lắc… thậm chí cả du khách nước ngoài khi đến Húc Động cũng đã đặt vấn đề được xem đá bóng nữ Sán Chỉ.
Ở bản Phạt Chỉ (xã Đồng Văn) từng là bản nghèo nhất trong tỉnh. Một nguyên nhân nghèo được đưa ra do khí hậu khắc nghiệt, hàng năm có tới 9 tháng sương mù. Bà con rất khó khăn trong việc chăn nuôi dê, bò vì sương mù suốt ngày khiến gia súc ăn cỏ đọng sương đau bụng dau ốm hoặc chết.
Nhưng khi du lịch được đẩy vào Bình Liêu, Phạt Chỉ trở thành điểm thu hút khách du lịch đến với cột mốc 1327, nằm trên độ cao hơn 1.000m so với mực nước biển. Vậy là độ cao của núi đồi với những ngày đặc sương mù lại làm cho du khách thích thú, vì cảm tưởng như đang leo bậc thang lên cõi hư vô, chìm trong sương mù bao phủ. Nhiều du khách tỏ hào hứng tự chụp cho mình bức ảnh mờ mờ trong sương rồi đẩy lên facebook khoe với bạn bè.
Ngoài Bình Liêu, các địa phương khác trong tỉnh cũng tích cực phát triển du lịch. Mới đây, thôn Tầm Làng (xã Quảng An, huyện Đầm Hà) đã mở các chương trình như “Về miền Sán Cố”, “Ẩm thực miền Sán Cố” nhằm phát triển du lịch. Sán Cố là lối hát dao duyên từ bao đời nay của đồng bào Dao, ngày nay lại trở thành sản phẩm du lịch. Du khách đến đây không chỉ được trải nghiệm những cảnh sắc của 3 thác nước Tình Yêu, thác Bạch Vân và thác Hàm Rồng mà con được thưởng thức ẩm thực của đồng bào trong đó có nhiều món từ rừng như ếch khe, đậu phụ rừng, quả trám...
Du lịch ở vùng đồng bào dân tộc thiểu số ở các vùng ở Quảng Ninh đã cơ bản làm thay đổi đời sống của người dân, giúp bà con có nguồn thu nhập ngoài làm rừng, ruộng. Không những thế người dân còn hăng hái hơn việc bảo tồn văn hóa dân tộc mình nhất là thường xuyên mặc trang phục dân tộc, ý thức tốt hơn việc giữ gìn cảnh quan môi trường rừng tự nhiên, sông suối để phát triển du lịch. Người dân hăng hái hơn việc chăn nuôi trâu, gà thả đồi vì các sản phẩm này tiêu thụ tốt khi du khách đến làng bản, để từ đó đời sống không ngừng nâng cao.