Đây cũng là kết quả do chính các em tự thực hiện sau chuyến trải nghiệm thực tế tại các tỉnh, thành Nam trung bộ trong suốt một tuần, từ ngày 29-10 đến ngày 4-11 vừa qua.
Làm trường học, nhà máy điện bằng... carton, xốp
Tại buổi báo cáo, 8 đề tài thuộc lĩnh vực khoa học tự nhiên được các HS thuyết trình rất sinh động bằng kiến thức và hình ảnh mà các em đã học hoặc thu thập được từ chuyến đi thực tế. Đặc biệt hơn, mọi người còn được chiêm ngưỡng các mô hình địa danh rất chân thực do chính các em tự làm ra, đó là những nơi mà các em đã đến tham quan trong chuyến đi của mình. Không chỉ mô phỏng về hình thức mà cao hơn, các mô hình này đều còn có thể vận hành được như thực tế của chúng.
Cụ thể là các mô hình như vườn thanh long Hàm Thuận Nam (Bình Thuận), năng lượng tái tạo thông qua mô hình Nhà máy điện gió Phú Lạc (Bình Thuận), cáp treo Bà Nà HillS, ruộng muối Sa Huỳnh, Thánh Địa Mỹ Sơn, Viện Hải Dương học, nhà sản xuất mía đường, Hải Đăng Mũi Đại Lãnh...
Đáng nói, các em tận dụng các nguyên, vật liệu quen thuộc trong cuộc sống để làm, như các miếng xốp, tấm nhựa, gỗ, ống, nilon, giấy... nên mỗi mô hình đều thu hút sự chú ý của các HS, giáo viên bởi sự mới lạ và sáng tạo.
Kết thúc mỗi bài trình bày là những đối đáp thú vị với các giám khảo và các HS với nhau khiến buổi học trở nên sôi động và hấp dẫn.
Như nhóm của em Nguyễn Văn Phú (lớp 11/2) đã thuyết trình về đề tài năng lượng tái tạo và mô hình của nhóm chính là ngôi trường THCS - THPT Nhân văn được lắp hệ thống sử dụng năng lượng điện gió. Phú cho hay nhóm chọn đề tài này vì khi đi tham quan một số công trình về nhà máy điện thấy rất ý nghĩa vì tận dụng được các nguồn năng lượng tự như gió, mặt trời, thủy triều... để tạo ra điện năng. Sau đó, nhóm đã tận dụng các thùng giấy caton, miếng gỗ... làm nên mô hình của chính trường mình sử dụng điện gió để tạo ra điện cho trường.
“Tụi em đã mất hai tuần để thực hiện mô hình này, vì thời gian học nhiều nên tụi em chỉ tranh thủ buổi trưa hoặc giờ nghỉ để cùng làm. Mô hình tụi em thực hiện sẽ rất khó thành hiện thực vì điều kiện ở TP lớn còn khó khăn. Nhưng qua đề tài, tụi em muốn mọi người biết tiết kiệm điện hơn và cũng hy vọng nguồn năng lượng tái tạo được sử dụng, phát triển rộng hơn vì một tương lai xanh, sạch” - một thành viên trong nhóm cho hay.
Nhóm của em Nguyễn Văn Phú đang thuyết trình về đề tài năng lượng tái tạo và giới thiệu hệ thống điện gió tại mô hình chính trường mình
Các thầy cô tham quan mô hình và cách vận hành của hệ thống điện gió này
Hay nhóm của em Mỹ Linh (lớp 11/1) đã thuyết trình và tái hiện mô hình vườn thanh long Hàm Thuận Nam (Bình Thuận) nhằm giúp mọi người hiểu hết quá trình trồng, chăm sóc dựa vào ứng dụng đặc điểm sinh học để nâng cao năng suất thanh long. Đồng thời, các em tìm thêm hướng ra cho loại trái cây này để hạn chế tình trạng được mùa mất giá hay ngược lại, như làm kem...
Các thầy cô tham quan mô hình vườn thanh long và sản phẩm chế biến từ thanh long do nhóm của em Mỹ Linh thực hiện.
Mô hình và vận hành ruộng muối Sa Huỳnh
Các thầy cô và HS thích thú với mô hình cáp treo Bà Nà Hills
Mô hình ngọn Hải Đăng Mũi Đại Lãnh do chính các HS làm nên
Mô hình Viện Hải dương học
Trải nghiệm để học tốt hơn
Nói về cách học trải nghiệm này, em Phạm Viết Thắng (lớp 11/3) cho biết nhóm em làm về đề tài sản xuất mía đường vì tụi em đã được học qua kiến thức này rồi nhưng nội dung trong sách ít, phải tưởng tượng ra là chính nên rất khó hiểu. Đến khi đi thực tế tại nhà sản xuất mía đường Mỹ Nhật (Quảng Ngãi) mới hiểu hết quá trình làm đường như thế nào, đường được ứng dụng thế nào... Sau đó, tụi em bàn với nhau, vận dụng các kiến thức đã học và từ thực tế để làm nên mô hình tự làm đường tại gia đình để vừa có sản phẩm tại chỗ, vừa an toàn.
Học sinh đặt câu hỏi với các nhóm thuyết trình
Thầy Trần Anh Tài, Phó hiệu trưởng nhà trường, cho hay đây là hoạt động giáo dục chủ đạo của nhà trường từ ba năm nay. Mỗi năm, từng khối lớp sẽ được nhà trường tổ chức các chuyến đi trải nghiệm thực tế ở các vùng miền khác nhau, cấp độ thực hiện đề tài cũng khác.
Thầy Tài cho biết như khối 11 vừa qua được đi một tuần qua các tỉnh, thành ở Nam Trung bộ. Khối này có ba lớp được chia thành 15 nhóm, mỗi nhóm 7-8 thành viên do các em tự chọn trong từng lớp. Các nhóm được chia hai dạng đề tài, khoa học tự nhiên và khoa học xã hội. Sau khi nhà trường lên kế hoạch chi tiết cho chuyến đi, các em sẽ chọn đề tài phù hợp để tìm hiểu và theo đuổi thực hiện trong suốt quá trình đi.
Theo thầy Tài, các em không chỉ được trải nghiệm rèn luyện bản thân, nâng cao kỹ năng sống, mở mang hiểu biết, mà còn học hỏi và ứng dụng kiến thức từ thực tế vào việc học. Mỗi đề tài của các em là tổng hòa kiến thức của nhiều môn học, kết hợp với sự tìm tòi, sáng tạo trong quá trình thực hiện.
“Năm nay, để làm ra được các đề tài này, các em phải chủ động làm tất cả mọi việc, từ chuẩn bị kiến thức, tìm tòi thông tin, tác nghiệp tại hiện trường... Riêng mô hình, các em tạo ra không chỉ tái hiện địa danh đơn thuần, mà còn phải có sự ứng dụng để vận hành được. Có như vậy các em mới hiểu sâu kiến thức được” - thầy Tài nói.
Và điểm chấm cho đề tài, thầy Tài cho hay các giám khảo (giáo viên trong trường) chấm dựa trên các tiêu chí về phần cứng (nội dung), phần mềm (hình thức), thuyết trình, mô hình sản phẩm. Tổng điểm cho từng đề tài là 100. Điểm này sẽ được tính vào điểm 15 phút hoặc một tiết cho các em, tùy theo môn học chủ đạo trong đề tài.
Đánh giá các đề tài của HS năm nay, cô Hoàng Thị Minh Liên, Hiệu trưởng nhà trường, cho rằng các em rất sáng tạo và đầu tư nghiêm túc, trách nhiệm. Kỹ năng của các em cũng được nâng cao hơn, từ cách tư duy đề tài, làm việc nhóm, thuyết trình...
“Qua các đề tài của các em mới thấy càng học, càng đi thì các em càng sáng tạo và thích thú học tập hơn, thoát khỏi kiến thức sách vở khô khan. Ngay cả thầy cô cũng được cập nhật thêm chất liệu từ thực tế, từ đó làm mới mình hơn, làm mới cách dạy dựa trên thực địa sinh động để việc dạy hiệu quả hơn” - cô Liên nói.
Theo Pháp luật thành phố Hồ Chí Minh