Đưa "Chí Phèo" ra khỏi sách Ngữ Văn: Một nhận định phiến diện?!

Nguyễn Hà
Sau khi đọc bài viết "Có thể đưa Chí Phèo ra khỏi chương trình ngữ văn lớp 11?", cô giáo Trần Phương (hiện đang giảng dạy môn Ngữ Văn tại Hà Nội) đã chia sẻ với Thieunien.vn về những ý kiến phản biện trước đề xuất này.

Thạc sĩ Nguyễn Sóng Hiền - nghiên cứu sinh tiến sĩ Trường ĐH Newcastle (Australia) cho rằng nên loại bỏ tác phẩm này để tránh tác động xấu đến mặt nhận thức của học sinh.

Thạc sĩ Nguyễn Sóng Hiền

Thạc sĩ đã đưa ra những luận điểm sau: Tác phẩm "Chí Phèo" không có ý nghĩa nhiều về mặt giáo dục, mà ngược lại, có thể có những tác động xấu về mặt nhận thức của học sinh…

Chí Phèo chỉ là bi kịch của một cá nhân. Xuất thân không cha, không mẹ, không nhà cửa, không người thân, không được giáo dục, Chí được nhặt về nuôi và đi ở hết nhà này đến nhà khác. Nếu là đại diện cho tầng lớp nông dân thì thật mang tiếng cho nông dân mình quá. Bản thân một đứa trẻ bị bỏ rơi đã mang cho mình số phận thiệt thòi, huống chi lại được sinh ra trong một xã hội lạc hậu và đầy rẫy bất công ấy. Vậy, Chí đơn giản chỉ là một đứa trẻ không được giáo dục và không thể là đại diện hay điển hình cho một tầng lớp nào trong xã hội ấy…. Sau khi ra tù, Chí biến thành con người khác, một người xấu, hay một con quỷ. Chí uống rượu say, rạch mặt ăn vạ, đòi nợ thuê, phá phách, xin đểu, đốt quán...Một đứa trẻ không cha, không mẹ, không được giáo dục bị đẩy đi ở tù liệu ra tù nó có thể trở thành người tốt không? Và chính lúc say Chí cũng chửi cái đứa nào đã đẻ ra mà không nuôi Chí chứ đâu chửi cái xã hội đang sống. Đơn giản, Chí không phải là một sản phẩm của xã hội đó. Chí chỉ như những đứa trẻ cùng hoàn cảnh ở bất kỳ xã hội nào khác. Vì vậy, không thể quy chụp rằng Chí bị xã hội phong kiến lưu manh hoá, hay bị cường hào ác bá làm hại.

… Lạ lùng thay, nhiều nhà phê bình và học giả còn hình tượng hoá cái cảnh Chí uống rượu say rồi cưỡng bức Thị Nở, và xem đó như sự thức tỉnh tính thiện trong con người Chí”.

Trước đề xuất này, cô giáo Ngữ Văn Trần Phương đã có những ý kiến như sau:

Tôi cảm thấy đánh giá của Thạc sĩ Nguyễn Sóng Hiền khá phiến diện và chưa hiểu hết truyện “Chí Phèo”, thậm chí tôi có cảm giác anh chưa đọc kỹ tác phẩm này. Đọc nhận định của anh thấy lập luận có rất nhiều lỗ hổng. Và chỉ vì lý do như này mà gợi ý bỏ “Chí Phèo” ra khỏi chương trình Sách giáo khoa thì quá là đáng tiếc. Hiếm có tác phẩm nào lại khiến cho người đọc ấn tượng và giàu suy ngẫm như “Chí Phèo”, cũng hiếm có truyện ngắn nào thành công vang dội đến thế.

Thứ nhất, phần đầu Ths.Hiền khẳng định Chí Phèo không thể là điển hình cho tầng lớp nào trong xã hội, Chí Phèo chỉ là bi kịch cá nhân. Anh đang nhầm lẫn giữa khái niệm điển hình xã hội và điển hình nghệ thuật. Hai khái  niệm này hoàn toàn khác nhau. Chữ “điển hình” và “đại diện” mà Ths. Hiền nói là điển hình xã hội, tức là nhân vật ấy phải mang những nét chung mà xã hội có, nhân vật chỉ được khái quát một hiện tượng xã hội nổi bật.

Còn thực tế nhân vật Chí Phèo trong văn học là điển hình nghệ thuật, họ vừa có những nét chung của điển hình xã hội, vừa cần có nét cá tính riêng biệt của nhân vật ấy. Những cá tính, ngoại hình của nhân vật sinh động và độc đáo tới nỗi nó không trùng lặp với bất cứ người nào khác ở ngoài xã hội và ở trong văn học. Phải có cái cá biệt trong mỗi nhân vật thì tác phẩm hấp dẫn được chứ. Và đồng thời người đọc mới có ấn tượng lâu hơn, việc thể hiện dụng ý của nhà văn mới trở nên sâu sắc. Đấy là bản chất của văn học.

Văn học không phải là sự phản ánh y xì đúc đời thực, nó còn thông qua cái nhìn của nhà văn nữa, nên tất nhiên nó phải có cái riêng cái hay, cái mới mẻ cái sáng tạo. Nói như anh Hiền, thì Chị Dậu trong “Tắt đèn” cũng chỉ là bi kịch của một cá nhân, Xuân tóc đỏ trong “Số đỏ” cũng chỉ là vận may của một cá nhân, cô vợ nhặt trong “Vợ nhặt” cũng là trường hợp cá nhân, ... Hay nói rộng hơn, hầu hết các tác phẩm (từ kinh điển đến bình dân) mà cứ nói về một cá nhân như này thì chúng ta loại bỏ hết khỏi chương trình? Và nói như này, thì sẽ chẳng còn tác phẩm văn học nào được công nhận nữa hết.

Thứ hai, Ths.Hiền muốn phủ nhận vai trò của xã hội lên con người Chí Phèo. Chí không phải nạn nhân của xã hội. Vấn đề này cũng được anh triển khai khá một chiều: “Một đứa trẻ không cha, không mẹ, không được giáo dục, bị đẩy đi ở tù liệu ra tù nó có thể trở thành người tốt không?” Nếu trước khi đi tù nhà văn xây dựng Chí Phèo cũng là kẻ lưu manh, sống vô tâm, vụ lợi thì có thể chấp nhận Chí lưu manh hóa không phải do nhà tù thực dân và tầng lớp thống trị gây ra.

Nhưng hãy để ý kĩ vào những chi tiết Nam Cao đã dựng: “hắn hiền như cục đất”, hắn giàu tự trọng, hắn cũng có khát khao vô cùng bình dị. Những chi tiết này chứng tỏ, Chí Phèo có ước mơ, có bản chất lương thiện như bao người nông dân có cha có mẹ và được giáo dục đầy đủ. Nam Cao cố ý xây dựng thêm những người nông dân khác như Năm Thọ,  Binh Chức, những con người này có cha có mẹ, không giống Chí Phèo, nhưng họ vẫn bị tha hóa sau khi ra tù thì sao? Chưa kể nhận định này của anh có phần “vơ đũa cả nắm”  với những đứa trẻ mồ côi.

Nam Cao xây dựng Chí Phèo cùng với hình tượng Bá Kiến lọc lõi, lợi dụng Chí Phèo làm tay sai. Tất cả những chi tiết ấy nằm trong logic chỉnh thể của tác phẩm. Không thể chỉ tách riêng Chí Phèo ra rồi nhận xét Chí Phèo vốn là kẻ xấu, không bị tác động gì bởi xã hội và giai cấp thống trị.

Nếu đặt Chí sang xã hội khác (ví dụ như xã hội văn minh) thì Chí có rơi vào bi kịch không? Câu trả lời là có, nếu xã hội vẫn còn định kiến, còn thờ ơ và vẫn còn những kẻ xảo quyệt kiểu như Bá Kiến. Mỗi xã hội sẽ có một kiểu người tương tự, nhưng người đấy không thể giống hoàn toàn nhân vật trong truyện được. Đấy chính là lý do vì sao tác phẩm của Nam Cao sống lâu đến thế, vì đến ngày nay, những vấn đề mà Nam Cao đặt ra vẫn còn rất đúng: xã hội vẫn còn định kiến, xã hội không nên cắt đứt mọi cơ hội làm người lương thiện, và ẩn trong vẻ hung dữ của một con người, vẫn còn bản chất người đã bị khuất lấp.

Còn nhận định: “Chí chỉ như những đứa trẻ cùng hoàn cảnh ở bất kỳ xã hội nào khác” của anh Hiền thì hoàn toàn mâu thuẫn với nhận định ban đầu của chính anh: “Chí Phèo chỉ là bi kịch của một cá nhân” nên thực sự mình cũng không rõ anh muốn nói Chí điển hình hay không điển hình? Vì nhân vật khi đã có đặc điểm chung cho một tầng lớp, một loại người nào đó, tức đã là nhân vật điển hình rồi.

Về nhận định Chí Phèo là kẻ xấu đã cưỡng bức Thị Nở: tôi nghĩ tác giả bài viết chưa đọc kỹ tác phẩm thì phải. “Nở là người bị hại, bị Chí lợi dụng lúc ngủ say để cưỡng bức”. Chí Phèo ăn nằm với thị Nở khi thị đã tỉnh giấc, thị còn định hô hoán lên cho người ta chạy đến cứu thị. Và sau khi Chí “nhanh miệng” hơn kêu làng vì sợ thị tranh mất phần việc hàng ngày của Chí, thì “thị Nở bỗng nhiên bật cười. Thị Nở vừa rủa vừa đập tay lên lưng hắn. Nhưng đó là cái đập yêu, bởi vì đập xong, cái tay ấy lại giúi lưng hắn xuống. Và chúng cười với nhau...”. Đọc đến đây thì chắc chắn chúng ta phải nhận ra thị cũng đã đồng tình với việc làm của Chí, vậy thì đâu thể gọi là cưỡng bức được? Hôm sau khi thị tỉnh giấc, thị lại bắt đầu thấy yêu hắn, “đó là một cái lòng yêu của một người làm ơn. Nhưng cũng có cả lòng yêu của một người chịu ơn”. Như vậy, xét trên suy nghĩ của nhân vật thị Nở, và ý nghĩa văn học, khi một người đàn bà xấu ma chê quỷ hờn, bị “người ta tránh thị như tránh một con vật rất tởm” thì có một gã trai lại gần âu yếm lại là niềm hạnh phúc, và thị còn thấy biết ơn nữa.

Chí Phèo có thể coi là nhân vật xuất sắc nhất của Nam Cao khi viết về đề tài người nông dân, và đây cũng là người nông dân khốn cùng nhất trong làng Văn học Việt Nam - một kẻ đánh mất tất cả, cả nhân hình lẫn nhân tính. Nếu không có nhân vật Chí Phèo, chắc chắn mảng văn học hiện thực Việt Nam sẽ khuyết một khoảng trống rất lớn.

Đặc biệt, người đọc không thể quên nhân vật Chí Phèo với những đặc điểm rất riêng, rất ấn tượng về một kẻ say ngật ngưỡng chuyên rạch mặt ăn vạ, một con quỷ dữ cũng có lúc thức tỉnh và thèm lương thiện. Nhiều học sinh dẫu ngại học Văn tới mấy, hoặc có người đã ra trường vài năm, có thể quên các tác phẩm thơ văn khác, nhưng duy nhất truyện “Chí Phèo” thì lại nhớ rất rõ. Tôi nghĩ đây chính là thành công tuyệt vời của Nam Cao mà hiếm có nhà văn nào làm được. Đó cũng là lý do vì sao “Chí Phèo” hôm nay không hề “lỗi thời”.

Nam Cao xây dựng các nhân vật đều có tính logic và dụng ý, tôi nghĩ Ths. Hiền nên đọc kĩ lại tác phẩm và nhận ra ý đồ của tác giả trước khi nhận định Chí Phèo là người xấu và cần thay thế tác phẩm này. Còn tất nhiên, việc thay thế “Chí Phèo” của Nam Cao chắc chắn là việc mà  không chỉ Bộ GD&ĐT, các thầy cô, mà ngay cả các em học sinh cũng sẽ không đồng tình.

Cô giáo Trần Phương

 

Đọc báo điện tử Thiếu niên Tiền phong và Nhi đồng nhanh chóng, thuận tiện và an toàn hơn trên các thiết bị di động với Ứng dụng TNTP&NĐ Online

Tải ngay ứng dụng TNTP&NĐ Online TẠI ĐÂY

Bạn đang đọc bài viết Đưa "Chí Phèo" ra khỏi sách Ngữ Văn: Một nhận định phiến diện?! tại chuyên mục Góc nhìn của Báo Thiếu niên Tiền phong và Nhi đồng. Mọi thông tin góp ý và chia sẻ, xin vui lòng gửi về hòm thư banbientap@thieunien.vn.

Bài liên quan

Bài Góc nhìn khác

Miền Bắc tái diễn nồm ẩm kéo dài

Từ nay đến ngày 21/3, miền Bắc vẫn kéo dài tình trạng mưa phùn sương mù. Độ ẩm tăng cao khiến nồm ẩm trở thành nỗi "ác mộng" của thời tiết Bắc Bộ.