Trong năm 2017 vừa qua, hàng loạt vụ các bạn nhỏ đuối nước thương tâm đã xảy ra như vụ: 5 học sinh chết đuối ở Sóc Sơn, Hà Nội; cố vớt bóng, hai chị em rơi xuống đập nước Trình Bật tại xã Cao Sơn, huyện Anh Sơn, Nghệ An; Tắm hồ cạnh trường, 2 bạn học sinh thiệt mạng ở xã Nguyên Bình, huyện Tĩnh Gia, tỉnh Thanh Hóa...
Pháp luật Việt Nam thông tin, có những vụ gia đình, dòng họ trong một lúc mất vài đứa con, cháu vì đuối nước như vụ hai anh em thiệt mạng ở bể nước gia đình tại xã Luận Khê, huyện Thường Xuân, tỉnh Thanh Hóa tháng 7/2017.
Ảnh minh họa. (nguồn: internet)
Chú Lương Văn Q. (ngụ tại thôn Chiềng, xã Luận Khê) đi làm đồng trở về nhà nhưng không thấy 2 con nhỏ là Lương Gia Nh. (SN 2014) và Lương Gia Ngh. (SN 2013) nên đã hô hoán mọi người đi tìm. Khi tìm ra bể nước, người cha chết lặng khi nhìn thấy 2 con trai chết đuối dưới bể nước sinh hoạt của gia đình.
Trước đó, khi đi làm, chú Q. đã để 2 con ở nhà chơi với nhau. Trong lúc không có người lớn, hai bạn nhỏ này đã trèo vào bể nước không che đậy của gia đình tắm dẫn tới chết đuối thương tâm. Rồi vụ cả dòng họ khóc thương 4 anh em đuối nước tại làng Sở Hạ, xã Ninh Sở, huyện Thường Tín, TP Hà Nội. Trước đó các bạn học sinh ra ao nước để tắm và tập bơi. Trong khi các bạn này đang tắm thì có một số học sinh chạy lên bờ kêu cứu vì có học sinh đuối nước. Phát hiện sự việc, hai nạn nhân Đặng Văn Điều (32 tuổi) và Đặng Văn Trình (37 tuổi) đã lao xuống cứu nhưng cũng bị đuối nước và tử vong. Hai nạn nhân khác là Đặng Thế Anh (13 tuổi), Đặng Tuấn Vũ (14 tuổi). Tất cả các nạn nhân đều là người địa phương và có quan hệ họ hàng...
Theo thống kê, trong năm 2017 đuối nước là nguyên nhân hàng đầu gây tử vong do tai nạn thương tích ở các bạn nhỏ và người chưa thành niên tại Việt Nam. Tỷ lệ tử vong do đuối nước ở trẻ em chiếm khoảng 50% các trường hợp tử vong do tai nạn thương tích.
Năm 2016, hơn 2.000 trẻ em bị tử vong vì đuối nước. Số liệu từ Phòng ngừa tai nạn thương tích bất ngờ, Cục Quản lý bệnh không lây nhiễm, Người khuyết tật, Phòng ngừa bạo lực và thương tật của Tổ chức Y tế thế giới (WHO) Geneva cũng cho thấy, tỷ lệ đuối nước ở Việt Nam là 6,7%, cao nhất trong khu vực Tây Thái Bình Dương - khu vực có 78.000 người chết vì đuối nước mỗi năm.
Theo báo Dân trí, bác Vũ Thị Kim Hoa – Phó Cục trưởng Cục Bảo vệ chăm sóc trẻ em cho biết, từ đầu năm tới nay, Cục đã tiếp nhận nhiều báo cáo liên quan tới tai nạn thương tích và đuối nước của trẻ em trong cả nước.
Con số thống kê cho thấy mỗi năm có khoảng 7.000 bạn nhỏ tử vong do gặp phải các tai nạn thương tích. Trung bình mỗi năm trong giai đoạn 2010- 2015 có khoảng 2.800 bạn nhỏ bị tử vong do đuối nước. Trong đó nhóm tuổi chiếm tỷ lệ tử vong cao từ 5 - 14 tuổi. Tỷ lệ tử vong do đuối nước ở các bạn nhỏ chiếm hơn 50% các trường hợp tử vong do tai nạn thương tích. Tử vong do đuối nước ở Việt Nam cao nhất trong khu vực, cao gấp 8 lần các nước phát triển.
Việt Nam đã có Chương trình phòng chống tai nạn thương tích trẻ em nhưng việc triển khai còn gặp nhiều khó khăn. Mục tiêu đặt ra của Chương trình là giảm tỷ lệ tử vong do đuối nước xuống dưới 15% vẫn không đạt được.
Thậm chí, do kinh phí hạn chế nên chỉ có 30/63 tỉnh/thành có kế hoạch triển khai, số còn lại phải lồng ghép với các chương trình khác. Thủ tướng Chính phủ cũng đã phê duyệt Chương trình phòng chống tai nạn thương tích trẻ em giai đoạn 2016 - 2020 nhưng đến nay các địa phương cũng chưa có báo cáo thực hiện cụ thể.
Bà Hoa cho rằng: “Việc dạy bơi, học bơi là quan trọng, nhưng quan trọng hơn cần phải có cơ chế để xóa bỏ các nguy cơ. Nhiều trẻ dù biết bơi, vẫn gặp tai nạn đuối nước bởi không có hồ bơi an toàn, phải bơi ở sông hồ. Đi bơi không có phao bơi, áo phao, đồ bảo hộ. Thậm chí, ngay tại nơi các em sống vẫn tồn tại các hố nước xây dựng, ao tù… là nơi có nguy cơ cao gây tai nạn đuối nước”.
Phân tích nguyên nhân dẫn tới đuối nước, chú Nguyễn Trọng An – chuyên gia về trẻ em cho rằng: “Điều quan trọng không phải chỉ là dạy bơi, mà còn phải dạy cho trẻ những kỹ năng ở dưới nước an toàn. Ví dụ đi bơi ở ao, hồ thì phải có áo phao. Chỉ đi bơi khi có người lớn giám sát trên bờ. Khi gặp bất chắc thì phải xử lý, cấp cứu, cứu nạn thế nào. Thậm chí cha mẹ, nhà trường còn phải chủ động cung cấp hướng dẫn, chỉ cho các bạn nhỏ những nơi có thể bơi lội an toàn, tránh xa những nơi sông suối, ao hồ, có vùng nước xoáy, nguy cơ cao”.
Chú An cũng kiến nghị, các bộ ngành có liên quan không nên chỉ dừng lại ở việc thí điểm dạy bơi, mà cần nâng lên thành một môn học chính khóa bắt buộc với học sinh ở bậc tiểu học. Trong bộ môn bơi, cần dạy cả những kỹ năng xử lý khi ở dưới nước, kỹ năng cấp cứu khi xảy ra tai nạn, cách lựa chọn bể bơi, nơi bơi an toàn.
Minh Anh (tổng hợp)