Em có chờ ký ức của riêng mình?

Thanh Xuân
TNTP - Khi cuộc sống ngày càng trở nên hiện đại hơn, bận rộn hơn thì những gì xưa cũ, mang chút hoài niệm luôn khiến cho người ta cảm thấy thư thái, bình yên...

Không khí của những góc phố cổ, cảm giác yên tĩnh của những quán café mang phong cách xưa, những khu nhà tập thể đã cũ nát, những viên gạch hoa, họa tiết chim công đỏ,hay những bộ bàn ghế bằng gỗ sồi đen bóng, những thứ mang hơi thở của ký ức như vậy luôn khiến người ta thấy bồi hồi, thích thú, luôn thu hút những con người hiện đại đang bị cuốn vào dòng chảy tất bật của cuộc sống tìm về một góc bình yên giữa thành phố nhộn nhịp.

Em có mong chờ một góc bình yên trong tâm hồn không? Khi cuộc sống thường ngày của em cuốn quanh trường lớp, bài vở, mạng xã hội, những trào lưu, những giật gân vô nghĩa, em có mong tiếc về một thời đơn sơ giản dị như tôi, một người trưởng thành đang chật vật quay cuồng và luôn có một khoảng trống cần lấp đầy. Có lẽ bởi vậy mà tôi hay mong ngóng đếnTrung Thu, với tôi, đó giống như một tấm vé ngược chiều về quá khứ, về cái thời tôi không phải lo nghĩ quá nhiều, cái thời tôi sống trong sự bảo bọc của gia đình. Em có nghe người ta vẫn hay nói, rằng khi trẻ con, chúng chỉ muốn lớn thật nhanh, để được tự do, để được tự làm chủ bản thân, còn khi lớn rồi, lúc nào cũng chỉ muốn mình bé lại. Tôi không phải ngoại lệ, một người đang lớn đã mong mình bé lại.

Trung Thu, ngày Tết của những đứa trẻ, tôi thường ngồi lặng lẽ ở một quán café cũ kỹ, ngắm nhìn chúng, năm nào cũng vậy, trong tôi luôn là những cảm xúc vui buồn lẫn lộn. Trung Thu của em không giống Trung Thu của tôi, tôi không biết đến những món đồ chơi hiện đại này, không có smartphone trên tay, không biết đến những món đồ chơi kinh dị mà lẽ ra chỉ phù hợp cho mùa Halloween, tôi cũng không có những tấm ảnh đẹp để lưu giữ lại trên các trang mạng xã hội, càng không có những địa điểm vui chơi được trang hoàng đẹp đẽ như ở các trung tâm thương mại. Tôi đã từng nghĩ, một suy nghĩ hẹp hòi rằng bọn trẻ ngày nay thật kém may mắn vì không có một Trung Thu như tôi, em có từng nghe về Trung Thu của những đứa trẻ như tôi? Trung Thu của tôi chỉ là những đứa bạn hàng xóm, những chiếc đèn ông sao, đèn kéo quân màu mè, đứa nào có điều kiện hơn thì được mua đèn lồng, chiếc đèn màu vàng cam bé xíu phát ra âm thanh eo éo của nhạc phim Tây Du Ký khiến người lớn nhức đầu, rồi chúng tôi tranh nhau những cây nến bé xíu, gắn vào đèn ông sao và đèn kéo quân của mình, và một hàng những đứa trẻ nối đuôi nhau đi vài chục vòng quanh con xóm nhỏ, hát ầm ầm bài hát đèn ông sao năm cánh tươi màu, lại khiến người lớn phải nhức đầu. Em có từng nghe bài hát đó, hay có từng hát theo? Trung Thu của tôi là những mâm cỗ bày trên những chiếc bàn nhựa xếp giữa xóm, có những con gấu làm từ bưởi, vài loại trái cây đặc trưng, vài cái bánh nướng bánh dẻo mà lúc phá cỗ đứa nào nhanh tay mới lấy được, nhưng rồi cuối cùng vẫn xúm lại chia nhau. Là tranh thủ chơi trốn tìm hay rồng rắn lên mây trong khi một đứa đứng canh ở đầu xóm chờ đoàn múa lân đi qua là chạy vội vào thông báo. Là các bố mẹ tụ tập ngồi bệt với nhau trước cửa nhà ăn bánh uống trà và thỉnh thoảng quát ầm ĩ đứa nào đấy nghịch ngợm lửa đèn.

Trung Thu của tôi gói gọn trong con xóm nhỏ,với đèn với bánh và đoàn múa lân, với những trò nghịch ngợm và bài hát hát mãi không chán, không hoành tráng, không đông nghịt phố phường. Tôi nhìn bọn trẻ đi cùng bố mẹ, trên tay là một món đồ chơi bắt mắt hơn thời chúng tôi rất nhiều, tôi tự hỏi, liệu chúng có cảm nhận được đây là một cái Tết khác biệt dành riêng cho chúng, chứ không phải như những ngày lễ hội khác? Còn em, em có cảm nhận được sự khác biệt dành cho mình, khi mà tôi thấy, mọi dịp lễ tết giờ cứ giống nhau quá, các em cứ xuống đường, hòa vào dòng người đông đúc, chụp vài tấm ảnh. Tôi nhìn ngắm đường phố và cái ý nghĩ tự cao rằng thật tiếc cho các em vì không có tuổi thơ lại xuất hiện, nhưng tôi lại chợt nghĩ, ai là người định nghĩa tuổi thơ? Có phải nhất nhất phải giống như tôi mới gọi là tuổi thơ? Và các em liệu có cần, hay muốn một tuổi thơ giống tôi? Tôi may mắn vì được trải qua những ký ức đơn giản bình dị, mộc mạc đơn sơ nhất. Nhưng các em lại may mắn được hưởng những điều thật hoành tráng, rực rỡ và nhộn nhịp. Các em theo dòng chảy của cuộc sống hiện đại, đâu phải là một điều kém may mắn, chỉ là những điều làm nên tuổi thơ của mỗi người đều khác nhau.

Những ký ức mang màu đen trắng, có hương thơm của trà và vị ngọt của bánh, có rộn ràng tiếng cười và tiếng nhạc, thuộc về riêng tôi, khiến tôi cảm thấy bình yên mỗi khi Trung Thu đến. Em giữ Trung Thu của mình như thế nào? Trung Thu này, tôi sẽ lại chọn cho mình một chiếc đèn ông sao nhỏ, còn em, em đã chọn được Trung Thu của riêng mình chưa?

Đọc báo điện tử Thiếu niên Tiền phong và Nhi đồng nhanh chóng, thuận tiện và an toàn hơn trên các thiết bị di động với Ứng dụng TNTP&NĐ Online

Tải ngay ứng dụng TNTP&NĐ Online TẠI ĐÂY

Bạn đang đọc bài viết Em có chờ ký ức của riêng mình? tại chuyên mục Góc ô mai của Báo Thiếu niên Tiền phong và Nhi đồng. Mọi thông tin góp ý và chia sẻ, xin vui lòng gửi về hòm thư banbientap@thieunien.vn.

Bài liên quan

Bài Góc ô mai khác

"Tôi đã khóc khi nhìn chiếc áo cũ của Đại tướng"

Cuối năm 1993, chuẩn bị Kỷ niệm 40 năm Chiến thắng lịch sử Điện Biên Phủ vĩ đại, báo Thiếu niên Tiền phong (TNTP) đã chủ động phối hợp với Hội đồng Đội Trung ương, Bộ Giáo dục và Đào tạo (GD&ĐT), Ban Thanh niên Quân đội, Bảo tàng Lịch sử Quân sự Việt Nam và Hội Cựu chiến binh Việt Nam tổ chức một cuộc thi lớn.

"Phóng viên nhỏ" kể chuyện

Chúng mình cùng nghe các phóng viên nhỏ kể về những người mà các bạn ấy vô cùng yêu mến. Và các bạn cũng đừng quên thi đua viết bài gửi về chuyên mục để được đăng báo và nhận nhuận bút rất hấp dẫn nhé!