Ghi nhớ những kỹ năng giúp bạn phòng tránh bị bắt cóc cơ bản

Bảo Bối
Để phòng ngừa bị bắt cóc trẻ em, các bạn hãy luôn cảnh giác và ghi nhớ một số kỹ năng đơn giản nhưng vô cùng quan trọng để biết cách tự bảo vệ mình nhé!

Tệ nạn bắt cóc trẻ em ngày một gia tăng với nhiều thủ đoạn tinh vi. Mục đích chủ yếu của các tội phạm khi bắt cóc trẻ em là tống tiền, bán cho người khác, bán cho các gia đình hiếm muộn hoặc mang về nuôi, bán ra nước ngoài… Ngoài ra, tội phạm cũng có thể bắt cóc trẻ em để cướp các tài sản có giá trị như dây chuyền, điện thoại, nhẫn vàng… mà các bạn đang mang trên người.

Thủ đoạn mà các tội phạm sử dụng không chỉ tinh vi, khó phát hiện mà còn đa dạng, điển hình là khi chơi một mình ngoài đường hoặc đi với bố mẹ đến nơi công cộng (công viên, khu vui chơi, siêu thị, bệnh viện, trường học…) nhưng không ở gần người lớn.

Dạy trẻ ngay 10 kỹ năng phòng tránh bị bắt cóc cơ bản - 1

Các đối tượng này sẽ tìm cách tiếp cận, làm quen rồi dùng những thứ hấp dẫn như đồ chơi, sách truyện, bánh kẹo… để dụ dỗ các bạn nhỏ đến nơi vắng vẻ nhằm dễ dàng thực hiện hành vi bắt cóc.

Bên cạnh đó, các đối tượng còn lợi dụng sự quen biết với gia đình và đón các bạn trên đường đi học về, cho đi nhờ, rủ đi chơi… rồi bắt cóc. Hoặc trong thời đại công nghệ 4.0, các đối tượng có thể kết bạn với các bạn nhỏ qua mạng xã hội rồi rủ rê bé đi thăm quan, xem phim, ăn uống…

Cụ thể, các đối tượng này sẽ xác định mục tiêu, thăm dò quy luật sinh hoạt của từng thành viên trong gia đình và theo dõi nhất cử nhất động của các bạn để tìm cơ hội bắt cóc dễ dàng hơn.

Các hành vi bắt cóc do ai thực hiện và vì mục đích gì thì đều để lại nhiều hậu quả vô cùng nặng nề đối với các bạn nhỏ. Gây tổn hại về thể chất, tâm sinh lý và những di chứng từ lần bắt cóc này có thể kéo dài suốt cuộc đời của các bạn. Vì thế, để đảm bảo an toàn các bạn cần phải biết cách phòng chống bắt cóc trẻ em.

Kỹ năng giúp phòng tránh bị bắt cóc

Giúp trẻ em khỏi nạn buôn người, sự nỗ lực bảo vệ và bao bọc của gia đình là điều cần thiết, tuy nhiên các bậc phụ huynh cũng cần dạy những kỹ năng khác để các bạn nhỏ có thể tự bảo vệ chính mình trong trường hợp không có người lớn ở bên.

Không bắt chuyện với người lạ

Đây cũng là kỹ năng đầu tiên và quan trọng nhất là các bạn không tiếp xúc được với kẻ bắt cóc. Người xấu thường sẽ cố gắng bắt chuyện, dò hỏi các bạn nhỏ để chọn lựa đối tượng phù hợp cho hành vi của mình. Trong trường hợp có người lạ tìm đến và cố bắt chuyện khi bạn ở một mình, bạn nên chạy ngay đi tìm cha mẹ hoặc tới những chỗ đông người để tìm những người đáng tin cậy như nhân viên cửa hàng, bảo vệ tòa nhà, cảnh sát hoặc người qua đường để xin sự giúp đỡ.

Không nhận quà từ người lạ

Dạy trẻ ngay 10 kỹ năng phòng tránh bị bắt cóc cơ bản - 2

Thông thường, nếu muốn dụ dỗ một bạn nhỏ đi theo mình một cách tự nguyện, kẻ xấu thường sử dụng những món quà vật chất như đồ chơi, đồ ăn để thu hút sự chú ý và thích thú của các bạn. Khi nhận những món quà đó, người xấu sẽ đưa ra lời hứa hẹn về một phần quà lớn hơn nếu bạn đi theo hắn. Và khi đến chỗ vắng vẻ, chúng sẽ thực hiện hành vi bắt cóc trẻ em. Chính vì vậy, các bạn phải cảnh giác tuyệt đối với những phần quà từ người lạ và nhận thức được rằng bất kỳ món quà nào từ người lạ đều có mục đích, đặc biệt khi không có người lớn bên cạnh thì những món quà đó thường đi kèm với ý định không tốt.

Giữ khoảng cách 3m với người lạ

Trong nhiều trường hợp, kẻ xấu sẽ sử dụng những thủ thuật khác để khiến bạn đi theo mình như “thuốc mê” hoặc “thôi mê”, nhưng những cách làm này chỉ có thể áp dụng ở khoảng cách gần. Nếu không cẩn thận bị kẻ xấu bỏ thuốc, các bạn nhỏ sẽ mất đi khả năng phản kháng và kiểm soát cơ thể. Bạn cần luôn phỉa nhớ giữ khoảng cách với người lạ và khi người lạ cố gắng tiến lại gần, hãy chạy đi thật nhanh tới chỗ đông người và tìm kiếm sự giúp đỡ.

Không đi theo người lạ

Dạy trẻ ngay 10 kỹ năng phòng tránh bị bắt cóc cơ bản - 3

Thủ đoạn bắt cóc của kẻ buôn người ngày càng tinh vi, nếu không thể dụ dỗ được, chúng thường sẽ đánh vào lòng tốt thích giúp đỡ người khác của các bạn nhỏ. Nhiều trường hợp, chúng sẽ nhờ trẻ xách đồ hộ mình hoặc giả vờ đi lạc nhờ các bạn dẫn đường và khi đi theo, chúng sẽ thực hiện hành vi bắt cóc với các bạn nhỏ. Vì vậy, khi có người lạ nhờ các bạn làm hộ việc gì đó, bạn nên khéo léo từ chối và đi tìm kiếm người lớn nếu người đó thật sự cần giúp đỡ. Tuyệt đối không tự ý đi theo người lạ dù trong tình huống nào.

Không cho người lạ vào nhà

Nhiều kẻ bắt cóc thường nhân cơ hội lúc cha mẹ đi làm, nhà không có ai để cố gắng tiếp xúc với các bạn nhỏ. Lý do phổ biến nhất thường được sử dụng là người quen của gia đình, thợ sửa đồ, nhân viên thu tiền dịch vụ…. để dụ dỗ bạn mở cửa và cho kẻ xấu vào nhà. Nếu phải ở nhà một mình, bạn hãy luôn nhớ không được đến gần, tiếp chuyện hay mở cửa cho người lạ. Nếu ai đó ở ngoài gọi vào, hãy đứng ở khoảng cách xa hết sức và nói vọng ra, khéo léo từ chối yêu cầu của người đó. Trong tình huống khẩn cấp khi kẻ xấu cố tìm mọi cách để vào nhà, bạn đừng ngần ngại mà hãy hô to báo hàng xóm hoặc gọi ngay 113 báo công an và sau đó gọi cho cha mẹ.

Không nói chuyện với người lạ qua mạng

Ngày nay, các bạn nhỏ được tiếp xúc với mạng internet từ rất sớm và điều đó thúc đẩy xu hướng kết bạn qua mạng gia tăng. Kẻ xấu thường sẽ lợi dụng thông tin các bạn đăng tải trên mạng, sở thích của các bạn từ đó sẽ tìm cách tiếp cận, làm quen trên mạng rồi đưa ra lời mời gặp mặt bên ngoài. Các bạn cần nhớ không được công khai những thông tin cá nhân lên mạng như họ tên, tên của những thành viên trong gia đình, số điện thoại, địa chỉ nhà… để tránh bị người khác lợi dụng với mục đích xấu.

Hét lên khi cảm thấy nguy hiểm

Dạy trẻ ngay 10 kỹ năng phòng tránh bị bắt cóc cơ bản - 4

Trong tình huống nguy hiểm nhất khi bị kẻ xấu kéo đi, dàn dựng kịch bản để công khai bắt cóc, các bạn hãy la hét lên thật to, thu hút sự chú ý của người đi đường. Trong nhiều trường hợp, kẻ bắt cóc giả danh người thân để kéo các bạn đi và điều đó khiến cho người ngoài sẽ e ngại khi can thiệp. Vì vậy, khi kêu lên xin sự giúp đỡ của mọi người, các bạn hãy chỉ đích danh đặc điểm nhận dạng của người nào đó đang ở gần như “áo hồng, đeo kính trắng…” để buộc người đó phải can thiệp. Tuy cách làm này sẽ gây sự khó xử cho người giúp nhưng sẽ bảo vệ các bạn an toàn khỏi kẻ bắt cóc.

Chống trả bằng thể lực

Ngoài việc gào thét kêu cứu, trẻ cũng nên phản kháng bằng thể lực như cào, cắn, đá. Nhiều kẻ bắt bóc vì bị cắn đau mà đã phải buông nạn nhân ra, khiến đứa trẻ có cơ hội bỏ chạy.

Ngoài ra, việc chống trả, tấn công này cũng là thông điệp để những người xung quang đó nghi ngờ rằng kẻ đó không phải thân nhân đứa trẻ và đang thực hiện hành vi bắt cóc, họ sẽ để ý và can thiệp. Tên bắt cóc nhiều khi chịu buông tha đứa trẻ khi bị cắn, đá không phải vì quá đau mà vì biết mình đã gây chú ý, nên đành bỏ cuộc.

Nhớ số điện thoại của bố mẹ

Khi bị lạc, các bạn thường sẽ bối rối và hoang mang không biết phải làm gì. Chính những lúc như này là thời cơ thích hợp để kẻ xấu giả xuất hiện với mục đích đề nghị giúp đỡ và dẫn các bạn đi tìm cha mẹ. Bạn hãy học thuộc số điện thoại của mình để trong những trường hợp khẩn cấp, bạn có thể bình tĩnh đi đến những nơi đông người như cửa hàng tiện lợi hoặc đến đồn công an… gọi điện về cho gia đình. Việc này sẽ giúp bạn tự tin hơn khi gặp nguy hiểm và tránh bị kẻ xấu lợi dụng.

Phòng chống bắt cóc trẻ em với đồng hồ định vị thông minh

Cách phòng chống bắt cóc trẻ em cuối cùng chính là các bạn nên mang theo người thiết bị thông minh hoặc đồng hồ định vị khi đi ra ngoài. Với chiếc đồng hồ định vị, người lớn có thể dễ dàng kiểm tra và xác định vị trí của bạn mọi lúc. Nhờ đó, kịp thời ngăn chặn các tình huống xấu xảy ra với bạn, bảo vệ bạn khỏi những kẻ bắt cóc.

Lợi dụng việc cha mẹ đưa đón không đúng giờ

Hầu hết các kẻ phạm tội đều lợi dụng sự sơ hở của bố mẹ trong việc đưa đón con đi học để dàn dựng cảnh bắt cóc bằng cách cho đi nhờ hay giả dạng người quen, được gia đình nhờ đón giúp. Bạn cần ghi nhớ việc giữ khoảng cách, di chuyển nhanh đến nơi đông người và yêu cầu được gọi cho bố mẹ trước để xác định thông tin có đúng bố mẹ nhờ hay không.

Đọc báo điện tử Thiếu niên Tiền phong và Nhi đồng nhanh chóng, thuận tiện và an toàn hơn trên các thiết bị di động với Ứng dụng TNTP&NĐ Online

Tải ngay ứng dụng TNTP&NĐ Online TẠI ĐÂY

Bạn đang đọc bài viết Ghi nhớ những kỹ năng giúp bạn phòng tránh bị bắt cóc cơ bản tại chuyên mục Kỹ Năng Sống của Báo Thiếu niên Tiền phong và Nhi đồng. Mọi thông tin góp ý và chia sẻ, xin vui lòng gửi về hòm thư banbientap@thieunien.vn.

Bài liên quan

Bài Kỹ Năng Sống khác

Halloween "cực chất" - Vui hết nấc

Năm ngoái Tóc Mây còn bận “dùi mài kinh sử” để chuẩn bị kỹ càng cho kỳ thi Olympic Toán học nên chẳng có nhiều tâm trạng vui chơi lễ hội. Thế nên, năm nay, Tóc Mây quyết định “xõa” tưng bừng cùng các bạn trong lớp.

Đuối nước ở trẻ em, biến nỗi lo thành hành động

Mới đây, tại Hà Nội, Cục Trẻ em phối hợp với Quỹ từ thiện Bloomberg, Tổ chức Vận động Chính sách Y tế toàn cầu thuộc Tổ chức Chiến dịch vì Trẻ em không thuốc lá Hoa Kỳ (CTFK/GHAI) đã tổ chức buổi tập huấn tuyên truyền về phòng chống đuối nước trẻ em.

Bàn gọn gàng - học dễ dàng

Việc sắp xếp bàn học gọn gàng và hợp lý là một yếu tố quan trọng góp phần tạo nên không gian học tập thoải mái. Nhưng không phải bạn nào cũng biết sắp xếp bàn học đúng cách đâu nhé!

Biết cách bày tỏ “lòng biết ơn”

5 rưỡi chiều, hai chị em tớ vừa đi học về đến đầu ngõ thì bỗng một chiếc xe từ trong lao ra mà không quan sát. Tí bị ngã nhào xuống đất. Bác Lan hàng xóm thấy vậy chạy ra đỡ chị em tớ rồi phủi quần áo cho Tí. Cậu nhóc vừa mệt vừa đói giờ suýt bị tông xe nên tức tối mang khuôn mặt cau có chạy thẳng về nhà, không thèm ngoái lại. Tớ vội vàng cảm ơn bác Lan rồi về.