Bệnh nhân phân bố rải rác ở 28 quận, huyện. Trong đó, một số địa bàn có nhiều bệnh nhân, gồm: Ba Vì 23 ca, Hà Đông 14 ca, Thanh Trì 12 ca, Ba Đình và Hoàng Mai đều ghi nhận 10 ca. Trong tuần, có thêm 3 ổ dịch tay chân miệng. Trong đó, huyện Ba Vì ghi nhận 2 ổ dịch và quận Thanh Xuân có 1 ổ dịch.
Trung tâm Kiểm soát bệnh tật Hà Nội đánh giá, hiện là giai đoạn chuyển mùa, virus bệnh truyền nhiễm có nguy cơ phát triển, lây lan trong cộng đồng, trong đó có bệnh tay chân miệng. Đặc biệt, theo quy luật hằng năm, tháng 4, tháng 5 là cao điểm bệnh tay chân miệng. Do đó, thời gian tới, số ca mắc và số ổ dịch, chùm ca bệnh có thể gia tăng.
Chính vì vậy, các đơn vị cần tăng cường kiểm tra, giám sát dịch bệnh tại khối trường mầm non, tiểu học. Việc vệ sinh phòng bệnh tay chân miệng ở các trường cần chú trọng dụng cụ cá nhân của trẻ như: Cốc, khăn mặt, đồ chơi… Ngoài ra, mỗi tuần, các trường cần tổ chức tổng vệ sinh trường, lớp, dụng cụ.
Tính từ đầu năm đến nay, Hà Nội ghi nhận 585 ca mắc bệnh tay chân miệng (tăng hơn 1,5 lần so với cùng kỳ năm ngoái) nhưng chưa có ca tử vong. Ngoài ra, thành phố cũng đã ghi nhận 9 ổ dịch từ đầu năm đến nay. Hiện, còn 5 ổ dịch hoạt động. Trong đó, có 3 ổ dịch tại Ba Vì. Đông Anh và Thanh Xuân có cùng 1 ổ dịch.
Mặc dù các ca mắc bệnh đều nhẹ và có thể tự khỏi sau 7 - 10 ngày, nhưng trong một số trường hợp, bệnh có thể gây ra các biến chứng nghiêm trọng và nguy hiểm tính mạng nếu không được phát hiện, điều trị kịp thời.
Cha mẹ cần đặc biệt lưu ý các dấu hiệu nặng như sốt cao kéo dài, những dấu hiệu về thần kinh, khó thở, nôn ói liên tục và tình trạng mất nước nặng để đưa trẻ đến cơ sở y tế gần nhất càng sớm càng tốt. Nếu trẻ không có bất kỳ dấu hiệu nặng nào, cha mẹ có thể chăm sóc trẻ tại nhà theo hướng dẫn của bác sĩ.