Hà Nội không áp dụng Giấy đi đường, nới lỏng nhiều dịch vụ từ ngày 21/9

Thạch Lam
Sau 6h ngày 21/9, Hà Nội sẽ không phân vùng và không áp dụng Giấy đi đường cho các tổ chức, cá nhân, doanh nghiệp di chuyển trên địa bàn thành phố.

Chiều ngày 20/9, ông Chử Xuân Dũng - Phó chủ tịch UBND TP. Hà Nội cho biết thành phố sẽ không áp dụng quy định phân luồng, không áp dụng Giấy đi đường cho các tổ chức, cá nhân, doanh nghiệp di chuyển trên địa bàn thành phố. Đồng thời, tăng cường áp dụng công nghệ thông tin trong giám sát việc di chuyển, tránh phát sinh thêm thủ tục hành chính với cá nhân, doanh nghiệp.

Trong quá trình triển khai, thành phố phân cấp uỷ quyền cho các sở ngành, địa phương hướng dẫn các cá nhân, tổ chức, doanh nghiệp phục hồi sản xuất kinh doanh tốt nhất trên địa bàn thành phố. Thành lập các đoàn kiểm tra liên ngành, tổ chức hậu kiểm. Chính quyền tiếp tục duy trì biện pháp phong tỏa trên địa bàn, truy vết thần tốc F0 nếu có, cách ly nguồn lây trong cộng đồng.

Hà Nội không áp dụng Giấy đi đường, nới lỏng nhiều hoạt động sau 6h sáng ngày 21/9 - Ảnh 1
Sau 6h ngày 21/9, Hà Nội sẽ không áp dụng quy định phân luồng, không áp dụng Giấy đi đường cho các tổ chức, cá nhân, doanh nghiệp di chuyển trên địa bàn thành phố.

Thành phố sẽ điều chỉnh các hoạt động tại các ổ dịch, nguy cơ cao, khu vực cách ly, phong tỏa cũng như điều chỉnh hoạt động trên các địa bàn bám sát thực tiễn linh hoạt giữa Chỉ thị 15, 16, 19 và giao cho các địa phương quy định cụ thể.

Mục tiêu giai đoạn sau ngày 21/9, thành phố nới lỏng một số hoạt động với ưu tiên hàng đầu là đảm bảo sức khỏe cho người dân, kiểm soát tình hình của thành phố trong bối cảnh cả nước vẫn đang dịch bệnh khó lường, phấn đấu hoàn thành tiêm mũi 2 cho người dân.

Theo Giám đốc Sở Giao thông Vận tải Hà Nội Vũ Văn Viện, Sở tham mưu lãnh đạo thành phố tiếp tục duy trì 23 chốt tại cửa ngõ để kiểm soát ra vào. Đồng thời, tạo điều kiện tối đa cho xe luồng xanh của các tỉnh đi qua Hà Nội, luồng đi vào thành phố vẫn kiểm soát như hiện nay. Các hoạt động vận tải hành khách công cộng đi và đến Hà Nội cũng như trên địa bàn thành phố tiếp tục tạm dừng.

Hà Nội không áp dụng Giấy đi đường, nới lỏng nhiều hoạt động sau 6h sáng ngày 21/9 - Ảnh 2
Thành phố tạo điều kiện tối đa cho xe luồng xanh của các tỉnh đi qua Hà Nội.

Sở Giao thông Vận tải Hà Nội đang nghiên cứu cho phép hoạt động lại một số shipper công nghệ với số lượng phù hợp với việc bán hàng mang về, đảm bảo đời sống cũng như giải quyết công ăn việc làm. Ông Viện cho biết: "Việc đi lại, vận chuyển hàng hóa sau 21/9 được chúng tôi tham mưu cho thành phố trên nguyên tắc kết hợp hài hòa giữa thực hiện chỉ thị 15, 16 và 19, đảm bảo hoạt động bình thường và yêu cầu chống dịch". Các dịch vụ vận chuyển xe khách liên tỉnh vẫn chưa hoạt động trở lại.

Đối với 23 chốt cửa ngõ, Đại tá Nguyễn Ngọc Dương, Phó giám đốc Công an Hà Nội nói, sẽ kiểm soát cả chiều ra và vào, nhất là đối với người từ vùng có dịch, nguy cơ cao vào thành phố. Quá trình kiểm soát, lực lượng chức năng chú trọng khai báo y tế, xét nghiệm và quét mã QR. Công an thành phố Hà Nội cũng duy trì lực lượng tuần tra, kiểm soát xử lý các trường hợp vi phạm trên địa bàn; chuẩn bị phương án chốt chặt tại các vùng phong tỏa, cách ly.

Hà Nội không áp dụng Giấy đi đường, nới lỏng nhiều hoạt động sau 6h sáng ngày 21/9 - Ảnh 3
Công an thành phố Hà Nội cũng duy trì lực lượng tuần tra, kiểm soát xử lý các trường hợp vi phạm trên địa bàn.

 

Đọc báo điện tử Thiếu niên Tiền phong và Nhi đồng nhanh chóng, thuận tiện và an toàn hơn trên các thiết bị di động với Ứng dụng TNTP&NĐ Online

Tải ngay ứng dụng TNTP&NĐ Online TẠI ĐÂY

Bạn đang đọc bài viết Hà Nội không áp dụng Giấy đi đường, nới lỏng nhiều dịch vụ từ ngày 21/9 tại chuyên mục Chuyển động của Báo Thiếu niên Tiền phong và Nhi đồng. Mọi thông tin góp ý và chia sẻ, xin vui lòng gửi về hòm thư banbientap@thieunien.vn.

Bài liên quan

Bài Chuyển động khác

Đưa golf vào dạy trong nhà trường: Nên hay không nên?

Mới đây, một số trường học tại Hà Nội đã bắt đầu đưa golf vào giảng dạy trong tiết giáo dục thể chất nhằm giúp học sinh làm quen với môn thể thao này. Tuy nhiên xung quanh vấn đề này còn nhiều ý kiến trái chiều, bởi đây được coi là môn thể thao "quý tộc" có mức đầu tư đắt đỏ.

Cấm thuốc lá điện tử từ năm 2025

Quốc hội vừa thông qua việc cấm toàn diện đối với việc sản xuất, kinh doanh, nhập khẩu, vận chuyển, chứa chấp và sử dụng thuốc lá điện tử, thuốc lá nung nóng, có hiệu lực từ năm 2025 nhằm bảo vệ sức khỏe cộng đồng.