Năm học này được Bộ trưởng Nguyễn Kim Sơn nhận định là năm học nhiều khó khăn và thách thức với ngành giáo dục, khi vừa phải tiếp tục cùng cả nước khắc phục, nỗ lực vượt qua khó khăn do hậu quả của đại dịch Covid-19, vừa phải củng cố, nâng cao chất lượng các hoạt động giáo dục và đào tạo.
Đây cũng là năm học đầu tiên ngành giáo dục triển khai tổ chức dạy học môn Tiếng Anh, Tin học theo Chương trình Giáo dục dục phổ thông (GDPT) 2018 đối với lớp 3 và triển khai Chương trình GDPT đối với cấp THPT.

Năm học 2023-2024, ngành giáo dục tiếp tục triển khai thực hiện Nghị quyết Đại hội đại biểu toàn quốc lần thứ XIII của Đảng; Nghị quyết của Quốc hội về Kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội 5 năm 2021-2025, Chương trình hành động của Chính phủ nhiệm kỳ 2021-2026 thực hiện Nghị quyết của Quốc hội về Kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội 5 năm 2021-2025...
Bộ GD-ĐT mới đây đã ban hành 12 nhiệm vụ cho năm học 2023-2024 để thực hiện chủ đề cũng như các mục tiêu đặt ra. Tuy nhiên, một trong những nỗi lo lớn nhất của ngành giáo dục ở thời điểm hiện tại là việc thiếu hơn 118.000 giáo viên các cấp.
Theo thống kê, hiện nay cả nước còn thiếu 118.253 giáo viên, tăng thêm 11.308 người thiếu so với năm học 2021-2022 (cấp mầm non tăng 7.887 người, cấp tiểu học tăng 169 người, cấp THCS tăng 1.207 người, cấp THPT tăng 2.045 người).
Tại Hội nghị tổng kết năm học 2022-2023 và triển khai nhiệm vụ năm học 2023-2024 diễn ra giữa tháng Tám vừa qua, một trong những chỉ đạo của Thủ tướng Phạm Minh Chính là các bộ, ngành, cơ quan, địa phương xây dựng, sửa đổi, bổ sung các chính sách, chế độ đãi ngộ đối với ngũ giáo viên; có giải pháp tài chính hỗ trợ giáo viên vùng sâu, vùng xa, giáo viên mầm non; nâng cấp, bổ sung điều kiện cơ sở vật chất, thiết bị dạy học.
"Bộ Tài chính phối hợp với Bộ GD-ĐT và các bộ, ngành liên quan có giải pháp tài chính hỗ trợ giáo viên vùng sâu, vùng xa, giáo viên mầm non. Đề nghị 2 Bộ trưởng gặp nhau khẩn trương để xem xét về phụ cấp cho giáo viên" - Thủ tướng Phạm Minh Chính yêu cầu.
Chủ tịch nước Võ Văn Thưởng dự lễ Khai giảng Trường Phổ thông Dân tộc nội trú Gia Lai

Cùng đi có Bộ trưởng Bộ Giáo dục và Đào tạo Nguyễn Kim Sơn; Chủ nhiệm Văn phòng Chủ tịch nước Lê Khánh Hải; Bí thư Tỉnh ủy, Chủ tịch HĐND tỉnh Gia Lai Hồ Văn Niên; Thượng tướng Phạm Hoài Nam, Thứ trưởng Bộ Quốc phòng; Thứ trưởng, Phó Chủ nhiệm Ủy ban Dân tộc Y Vinh Tơr.

Phát biểu tại buổi lễ khai giảng, thay mặt Đảng, Nhà nước, Chủ tịch nước Võ Văn Thưởng đã gửi lời chúc mừng năm học mới đến tập thể giáo viên và học sinh Trường Phổ thông Dân tộc nội trú tỉnh. Chủ tịch nước cũng ghi nhận và biểu dương những thành tích mà thầy và trò Trường Phổ thông Dân tộc nội trú tỉnh đã đạt được trong suốt hơn 30 năm qua dù còn nhiều khó khăn. Chủ tịch nước Võ Văn Thưởng khẳng định: “Từ ngôi trường thân yêu này, hàng ngàn học sinh con em đồng bào dân tộc Bahnar, Jrai, Thái, Nùng, Tày, Ê Đê, Xơ Đăng… đã trưởng thành, đóng góp nguồn nhân lực có chất lượng phục vụ cho sự nghiệp phát triển kinh tế-xã hội, đảm bảo quốc phòng, an ninh của tỉnh nhà. Trong số đó, nhiều học sinh của trường đã trở thành cán bộ lãnh đạo các cấp trong tỉnh. Thành tích đạt được của Trường Phổ thông Dân tộc nội trú Gia Lai những năm qua đã góp phần tích cực vào sự nghiệp giáo dục-đào tạo của tỉnh; khẳng định mô hình trường công lập chuyên biệt trong hệ thống giáo dục quốc dân dành cho thanh, thiếu niên các dân tộc thiểu số”.

Chủ tịch nước đề nghị trong năm học mới này, cấp ủy, tổ chức Đảng, chính quyền, MTTQ, đoàn thể các cấp của tỉnh Gia Lai cần tiếp tục quán triệt sâu sắc chủ trương, đường lối của Đảng, chính sách, pháp luật của Nhà nước về giáo dục-đào tạo, về đổi mới hoạt động, củng cố phát triển các trường phổ thông dân tộc nội trú, trường phổ thông dân tộc bán trú, trường phổ thông có học sinh ở bán trú và xóa mù chữ cho người dân vùng đồng bào dân tộc thiểu số; đồng thời chỉ đạo Bộ Giáo dục và Đào tạo về nhiệm vụ, giải pháp trọng tâm năm học 2023-2024; trên cơ sở đó, xây dựng chương trình, kế hoạch cụ thể, sát hợp với tình hình, bảo đảm nâng cao hơn nữa chất lượng giáo dục-đào tạo của tỉnh nhà.

“Do xuất phát điểm, điều kiện sống của nhiều em không được thuận lợi như học sinh vùng miền xuôi, thành thị, nên cùng một chương trình giáo dục, nhà trường và các cô giáo, thầy giáo phải rất coi trọng việc đổi mới phương pháp giảng dạy; phải kiên trì, bền bỉ, chắc chắn, với phương pháp sư phạm phù hợp nhất, giúp các em bù đắp những kiến thức còn thiếu hụt, không chạy theo điểm số, thành tích, học đến đâu chắc đến đó. Cùng với đó, nhà trường phải hết sức coi trọng giữa học và hành; tổ chức cho các em tích cực lao động, tăng gia sản xuất, cải thiện đời sống hằng ngày, biết giữ gìn và làm đẹp cảnh quan nhà trường…, từ đó giúp học sinh nhận thức rõ hơn trách nhiệm với tập thể, nâng cao tính kỷ luật, củng cố kiến thức, hình thành và rèn luyện kỹ năng sống”, Chủ tịch nước nhấn mạnh.
Chủ tịch Quốc hội dự khai giảng tại trường Hữu nghị T78

Trường Hữu nghị T78 tiền thân là Khu học xá miền núi Trung ương được Ban Bí thư Trung ương Đảng quyết định thành lập vào ngày 1/1/1958 từ tư tưởng chỉ đạo của Chủ tịch Hồ Chí Minh nhằm giúp Cách mạng Lào đào tạo nguồn cán bộ phục vụ cho sự nghiệp giải phóng dân tộc và xây dựng đất nước.
Trường đã trải qua 4 lần đổi tên, 9 lần thay đổi địa điểm qua 7 huyện, 6 tỉnh, thành phố khác nhau. Năm 1980 chuyển về thường trú tại xã Thọ Lộc, huyện Phúc Thọ, thành phố Hà Nội.

Khu học xá miền núi Trung ương – T78 trở thành ngôi trường đầu tiên dành cho lưu học sinh Lào học tiếng Việt và văn hóa các cấp và là tiền thân của hệ thống các trường Lào tại Việt Nam sau này.
Hiện nay, Trường Hữu nghị T78 là đơn vị sự nghiệp trực thuộc Bộ GD&ĐT. Nhiệm vụ trọng tâm của Trường là giảng dạy dự bị tiếng Việt cho lưu học sinh Lào và giáo dục chương trình THPT cho học sinh dân tộc thiểu số Việt Nam, lưu học Lào theo mô hình trường phổ thông dân tộc nội trú có yếu tố nước ngoài.
Thông qua đó, góp phần thực hiện hai nhiệm vụ chính trị quan trọng là vun đắp. làm sâu sắc thêm mối quan hệ hữu nghị đặc biệt Việt Nam – Lào và củng cố khối đại đoàn kết các dân tộc Việt Nam.
Bí thư thứ nhất T.Ư Đoàn dự khai giảng tại Nghệ An
Sáng 5/9, anh Bùi Quang Huy - Ủy viên dự khuyết Trung ương Đảng - Bí thư thứ nhất Trung ương Đoàn dự lễ khai giảng tại trường THPT Dân tộc Nội trú Nghệ An (TP. Vinh, Nghệ An). Dự lễ khai giảng còn có chị Hồ Hồng Nguyên - Trưởng ban Thanh niên Trường học Trung ương Đoàn, Phó Chủ tịch thường trực Trung ương Hội Sinh viên Việt Nam, Bí thư Tỉnh đoàn Nghệ An Lê Văn Lương cùng đại diện lãnh đạo tỉnh Nghệ An.

Vượt qua những khó khăn, trường THPT DTNT tỉnh Nghệ An đã đoàn kết, cố gắng, vượt khó để đạt được những thành tích vượt bậc, đưa nhà trường vươn lên vị trí tốp đầu các trường THPT toàn tỉnh.

Nhà trường đã hoàn thành công nhận trường chuẩn quốc gia mức độ 2; đánh giá ngoài mức độ 3; hoàn thành xuất sắc kế hoạch thí điểm xây dựng trường trọng điểm giai đoạn 2019-2023, là 1 trong 6 trường trên 14 trường tham gia thí điểm xây dựng trường trọng điểm được Chủ tịch UBND tỉnh tặng bằng khen; tập thể nhà trường vinh dự đón nhận danh hiệu đơn vị tiên tiến xuất sắc.


Năm học 2023-2024, trường THPT DTNT Nghệ An có tổng cộng 700 học sinh của 3 khối, trong đó có 278 em học sinh nhập học lớp 10. Toàn trường có 82 cán bộ, giáo viên.
Các trường tại TP. Hà Nội tập trung đón học sinh đầu cấp từ 7h
Lễ khai giảng tại các trường bắt đầu với việc chào cờ Tổ quốc, hát Quốc ca và bao gồm các hoạt động như: Đọc thư của Chủ tịch nước gửi cán bộ, giáo viên, nhân viên và học sinh nhân ngày khai trường; các hoạt động tập thể (văn hóa, văn nghệ, thể thao, trò chơi dân gian...).
Theo hướng dẫn của Sở GD-ĐT Hà Nội, lễ khai giảng được các trường tổ chức gọn nhẹ, với học sinh là trung tâm, chú trọng việc tổ chức đón học sinh đầu cấp, đảm bảo thực sự trở thành ngày hội khai trường của học sinh.
Sau khai giảng, các trường cần duy trì nề nếp hát Quốc ca trong các buổi sinh hoạt đầu tuần, lễ kỷ niệm, tổng kết, tuyên dương, khen thưởng...














TP.HCM đồng loạt tổ chức Lễ Khai giảng với tất cả học sinh được tham dự
Theo yêu cầu của Sở GD-ĐT, lễ khai giảng diễn ra ngắn gọn trong khoảng 45 phút, với những hoạt động văn nghệ chào mừng, đón học sinh đầu cấp, cắt băng khánh thành (đối với trường mới), diễn văn khai giảng của hiệu trưởng, đánh trống khai trường, trao học bổng...
Sau phần lễ, các trường tổ chức phần hội để tạo không khí vui tươi, phấn khởi cho học sinh.
Đối với giáo dục mầm non, các trường tổ chức ngày hội “Bé vui đến trường”, tận dụng không gian để tổ chức trò chơi vận động, hoạt động phát triển thẩm mỹ, trò chơi dân gian, xem xiếc, múa rối…
Sở GD-ĐT TP.HCM yêu cầu tất cả học sinh các trường phải tham dự lễ khai giảng. Trong trường hợp nhà trường không đủ điều kiện phải đảm bảo học sinh đầu cấp, cuối cấp tham dự phần lễ và tất cả học sinh được tham dự phần hội.





Chỉ 1 ngày trước khai giảng - ngày 4/9, ông Trần Hoàng Tuấn, Phó Chủ tịch UBND tỉnh Quảng Ngãi ký văn bản yêu cầu lãnh đạo tỉnh đến tham dự nhưng sẽ không phát biểu và không đánh trống khai giảng ở các trường.
Ông Tuấn chia sẻ việc không đánh trống, phát biểu sẽ làm đơn giản hóa buổi lễ khai giảng, lãnh đạo tỉnh chỉ đến trường thăm, động viên thầy cô, học trò năm mới, tặng hoa hoặc quà cho học sinh nghèo vượt khó, hiếu học tùy từng điểm trường. Tỉnh Quảng Ngãi có khoảng 600 trường học, chủ trương của tỉnh là buổi lễ đơn giản, tránh kéo dài, rườm rà.
TP. Đà Nẵng khai giảng ngắn gọn tập trung đón học sinh đầu cấp
Tương tự, Sở GD-ĐT TP. Đà Nẵng cũng chỉ đạo lễ khai giảng được tổ chức với tinh thần ngắn gọn, không có phần phát biểu của lãnh đạo các cấp, không thả bóng bay.
Bài phát biểu chào mừng năm học mới tập trung chào mừng các em học sinh đến trường, nhất là học sinh đầu cấp... kết thúc là lời cảm ơn và chúc mừng năm học mới.
Trường THCS Lê Độ, quận Sơn Trà, TP Đà Nẵng là ngôi trường có truyền thống dạy và học nhiều năm qua. Năm học vừa qua, nhà trường đạt kiểm định chất lượng giáo dục cấp độ 2, trường chuẩn quốc gia cấp độ 1 và Tập thể lao động xuất sắc. Liên đội nhà trường đạt danh hiệu Liên đội xuất sắc nghìn việc tốt. Trong kỳ thi tuyển sinh vào lớp 10, trường có 13 học sinh xuất sắc đỗ vào trường THPT Chuyên Lê Quý Đôn.
Cũng trong năm học 2023-2024 vừa qua, nhà trường đã vận động kinh phí tặng học bổng, quà, sách vở, đồ dùng học tập , xe đạp và quà Tết cho 200 học sinh với số tiền 79 triệu đồng, việc làm trên đã giúp các bạn vượt khó vươn lên học tập và đạt kết quả thành tích tốt.





Học sinh huyện đảo Trường Sa tưng bừng khai giảng năm học mới
Sáng 5/9, các trường Tiểu học trên huyện đảo Trường Sa, tỉnh Khánh Hòa, phấn khởi tham dự Lễ Khai giảng năm học mới 2023-2024.

Năm học 2022 – 2023 vừa qua, thầy và trò của các trường trên huyện đảo đã hoàn thành xuất sắc nhiệm vụ được giao. Các bạn học sinh đều đạt học lực khá, giỏi và có hạnh kiểm tốt.
Để chuẩn bị cho Lễ Khai giảng năm học mới 2023-2024, chính quyền, đoàn thể và cán bộ, chiến sĩ trên đảo đã phối hợp cùng giáo viên, phụ huynh học sinh tổ chức dọn vệ sinh, trang trí lớp học khang trang, sạch đẹp.

Thầy giáo Cao Văn Truyền, trường Tiểu học thị trấn Trường Sa, cho biết học sinh ở đảo xa gặp nhiều khó khăn, thiếu thốn so với đất liền. Vì thế, các thầy cô sẽ nỗ lực hết mình để truyền đạt kiến thức không chỉ trong sách giáo khoa, mà cả kinh nghiệm trong cuộc sống để các bạn trưởng thành hơn.
Thầy Cao Văn Truyền chia sẻ được sự quan tâm của cấp ủy, chính quyền địa phương và đơn vị, cơ sở vật chất của trường, lớp được sửa sang sạch, đẹp tạo nên khí thế vui tươi, phấn khởi cho thấy và trò.

Trong năm học này, nhà trường quyết tâm nâng cao hơn nữa chất lượng dạy và học, phấn đấu 100% học sinh có học lực khá, giỏi, hạnh kiểm tốt.
Tại lễ khai giảng, chính quyền và các đơn vị đang làm nhiệm vụ trên các đảo đã tặng các bạn học sinh nhiều phần quà nhằm động viên các em nỗ lực chăm ngoan, học giỏi, là con ngoan, trò giỏi, cháu ngoan Bác Hồ.
Học sinh Quảng Nam đón chào năm học mới
Các bạn học sinh con em các đồng bào dân tộc ở xã miền núi Trà Mai, huyện Nam Trà My, tỉnh Quảng Nam vừa được đón nhận những phần quà cho năm học mới và Tết Trung thu. Đó là các bạn ở điểm trường Nước Ui và Tăk Râu, hai điểm trường xa và khó khăn thuộc trường TH Kim Đồng, xã Trà Mai.
Phần quà mà các nhà hảo tâm mang đến cho các bạn gồm 80 bộ quần áo đồng phục học sinh, 40 chiếc bánh Trung thu, 40 ram vở, 80 cây bút, 40 chiếc ba lô học sinh, 40 tấm chăn, 40 suất bánh kẹo, 40 gấu bông, tiền tài trợ gas nấu ăn trưa, 40 đôi dép tổ ong, một bộ trống Đội, gia vị nấu ăn…dành tặng 40 học sinh tại 2 điểm trường này.
Những phần quà tình thương này do thầy giáo Phạm Phú Cường, giáo viên Tổng phụ trách Đội trường TH và THCS Nguyễn Chí Thanh (huyện Duy Xuyên, tỉnh Quảng Nam), kiêm Trưởng nhóm Phóng viên Tuổi hồng của báo Thiếu niên Tiền phong và Nhi đồng vận động đóng góp.









