Học sinh hào hứng với giờ học quan họ Bắc Ninh

Nguyễn Hà
Đưa văn hóa nghệ thuật dân gian vào giảng dạy trong trường học để phát triển giáo dục toàn diện cho học sinh là cách làm của nhiều cơ sở giáo dục trên cả nước thời gian qua. 
 
Thế nhưng vẫn không ít người ngạc nhiên và thú vị khi được biết Trường Tiểu học Trần Quang Khải (Q. 1, TPHCM) lại có cách triển khai khác lạ, khi lựa chọn dân ca quan họ Bắc Ninh để đưa vào giảng dạy ngay trong giờ dạy âm nhạc cho HS và cũng là gợi ý lựa chọn hàng đầu cho các em trong những tiết ngoại khóa ngoài lớp bọc.

Tiết học ca ngoài trời

Từng được nghe đâu đó đôi ba lần nhưng dân ca quan họ Bắc Ninh vẫn chưa được in lại đậm nét vào trí nhớ của từng bạn nhỏ. Chỉ đến khi được tham gia chương trình Giới thiệu dân ca quan họ do Phòng GD&ĐT Q.1 tổ chức, các bạn HS Trường Tiểu học Trần Quang Khải mới được hòa mình vào trong không gian văn hóa phi vật thể đầy ắp âm thanh và giai điệu.

Hàng tuần mỗi khi có những tiết học ngoài trời được tổ chức ngay dưới sân là thầy trò của ngôi trường mang tên vị Tể tướng Chiêu Minh đại vương đều háo hức. Không còn là những giờ học chật hẹp trong bốn bức tường khép kín, các bạn được tung tăng xuống sân để tiếp nhận tri thức qua cách học mới. Kỷ luật lớp học tuy không phá vỡ nhưng chính các bạn đã trở thành chủ thể tương tác tích cực nhất với thầy cô.

Chương trình Giới thiệu dân ca quan họ cũng là “tiết học” thật sự hào hứng vì ngay từ sáng sớm các bạn đã thấy sân trường giăng biểu ngữ, kê sân khấu rất trịnh trọng. Lạ mắt nhất là có một “đoàn đại biểu” nam thanh nữ tú ăn vận mớ bảy mớ ba như bước ra từ một bức tranh dân gian Đông Hồ duyên dáng. Nhìn lên sân khấu thấy đủ các loại “đồ dùng dạy học” gồm các nhạc cụ được bày biện sẵn sàng.

Sau này khi vào “tiết học” các bạn mới biết “đoàn đại biểu” nam thanh nữ tú đó là các nghệ sĩ hát quan họ Bắc Ninh trong Câu lạc bộ Trúc Xinh thuộc Cung Lao động TPHCM. Trong lúc chương trình chuẩn bị ra mắt, các bạn trong đội văn nghệ nhà trường còn được các nghệ sĩ tập hát múa bài Trèo lên quán dốc để làm quen với từng làn điệu dân ca quan họ Bắc Ninh.

Đối với hầu hết HS, tiếng hát quan họ vừa lạ lẫm lại vừa quen thuộc, vì đã từng nghe mà không nhớ là ở đâu và lúc nào. Ngay khi đọc tấm biểu ngữ, có bạn còn thắc mắc không hiểu dân ca quan họ là gì, nhưng khi các nghệ sĩ trong đoàn cất tiếng hát thì mới cảm nhận được quan họ Bắc Ninh cũng là loại hình dân ca thật sự gần gũi.

Phần lớn các bạn đã từng nghe dân ca quan họ qua các chương trình biểu diễn nghệ thuật trên truyền hình và đặc biệt trong chương trình giảng dạy bộ môn Âm nhạc trường phổ thông. Không chỉ được thưởng thức các bài quan họ cổ như Khách đến chơi nhà, Mời trầu, Con nhện giăng mùng mà các em còn được nghệ sĩ Ngọc Quang - Chủ nhiệm CLB Trúc Xinh giới thiệu về nguồn gốc các làng quan họ và sự giàu có của các làn điệu quan họ Bắc Ninh.

Nhiều bạn học sinh tỏ ra bất ngờ khi biết có đến 300 làn điệu quan họ đã được ký âm và mỗi bài lại có giai điệu riêng. Đây chính là nét phong phú về mặt giai điệu trong kho tàng dân ca Việt Nam. Có lẽ chính vì thế khi các cô chú nghệ sĩ cất lên tiếng hát lảnh lót, trữ tình thì cả sân trường im phăng phắc như cố nuốt lấy từng lời ca. Đến cả mấy bạn nghịch phá nhất cũng ngồi thưởng thức hào hứng và chăm chú.

Bài học văn hóa trong ứng xử

Đưa “đặc sản” dân ca quan họ đến với tuổi thơ, các nghệ sĩ còn tìm cách quảng bá văn hóa quan họ vùng đồng bằng châu thổ sông Hồng những nét đặc trưng và hấp dẫn nhất. Từ chiếc áo tứ thân, khăn mỏ quạ liền chị đến khăn đóng áo dài của mấy liền anh tay xách ô đều toát lên vẻ đẹp nền nã, thanh lịch của người nghệ sĩ ruộng đồng vùng Kinh Bắc.

Qua cách mời trầu, sự tiếp đón khách quan họ, các em lại được học văn hóa ửng xử khéo léo tế nhị, kín đáo mà ông cha ta còn lưu giữ được cho đến nay. “Miếng trầu là đầu câu chuyện” têm hình cánh phượng vẫn là phong tục đẹp dù cho xã hội phát triển và hội nhập.

Bài học “khách đến nhà không gà thì vịt” tưởng như xưa cũ lại là nếp sống văn hóa mới cần được răn dạy từng chút cho thế hệ trẻ bởi “lời chào cao hơn mâm cỗ”. Không chỉ pha trà mời nước, khách đến chủ nhà phải quý trọng hơn khi được mời nghe những câu ca thắm đượm nghĩa tình: “Trà này quý lắm người ơi/ Mỗi người một chén cho tôi vui lòng”.

Dù chỉ quen nhau trong giây phút nhưng tình người đẹp mãi nên chia tay chẳng dứt: “Người ơi người ở đừng về” với lời hẹn thề mong đợi: “Đến hẹn lại lên người ơi”. Không cần phải dùng đến giáo án nhiều lời dạy, chỉ qua mỗi khúc hát quan họ, các bạn thêm yêu quý dân ca, thêm trân trọng tiếng lòng của cha ông, hồn thơ của đất nước.

Tiết học sau đó lại càng hào hứng hơn khi nghệ sĩ Vân Anh giới thiệu với các bạn 3 bản hòa tấu bằng các nhạc cụ dân tộc như đàn bầu, đàn T’rưng, đàn tứ. Đó cũng là cơ hội vàng để các nghệ sĩ kiểm tra kiến thức âm nhạc của các bạn HS trong việc nhận diện các loại đàn từ các nhạc cụ sống động nhất.

Thầy Hồ Quang Tuấn - Hiệu trưởng nhà trường - khẳng định, đây không phải phải tiết học âm nhạc ngoài trời duy nhất và đầu tiên đối với các bạn học sinh Trường TH Trần Quang Khải. Trước đó các buổi ngoại khóa về dân ca Nam Bộ do nhà trường tổ chức đã giúp các bạn có thêm kiến thức và có cơ hội thưởng thức các điệu lý, câu hò của vùng Nam Bộ như một sự về nguồn về văn hóa dân tộc.

Theo GD&TĐ

Đọc báo điện tử Thiếu niên Tiền phong và Nhi đồng nhanh chóng, thuận tiện và an toàn hơn trên các thiết bị di động với Ứng dụng TNTP&NĐ Online

Tải ngay ứng dụng TNTP&NĐ Online TẠI ĐÂY

Bạn đang đọc bài viết Học sinh hào hứng với giờ học quan họ Bắc Ninh tại chuyên mục Trường Lớp của Báo Thiếu niên Tiền phong và Nhi đồng. Mọi thông tin góp ý và chia sẻ, xin vui lòng gửi về hòm thư banbientap@thieunien.vn.

Bài liên quan

Bài Trường Lớp khác

Khu trải nghiệm ấn tượng ở Nam Hà

Trường Tiểu học Nam Hà (TP. Hà Tĩnh, tỉnh Hà Tĩnh) được nhắc đến như một Ngôi trường hạnh phúc với cơ sở vật chất khang trang, hiện đại cùng bề dày về thành tích dạy và học, cũng như sự tận tụy của các thầy cô dành cho học sinh thân yêu. Ngoài ra, nhà trường còn đầu tư xây dựng thêm một quần thể trải nghiệm đầy hấp dẫn để các bạn được học, được tìm hiểu và vui chơi thỏa thích sau những giờ học tập căng thẳng…

Buổi họp phụ huynh đặc biệt

Buổi họp phụ huynh cuối học kỳ I vừa qua ở trường Tiểu học Ngô Mây, quận Sơn Trà, TP. Đà Nẵng, các lớp đã tổ chức chương trình bán đấu giá tranh vẽ để gây quỹ mua thẻ báo hiểm y tế tặng các bạn học sinh nghèo.

Hỗ trợ học sinh định hướng tương lai

Mới đây, Trung tâm Hoạt động Thanh thiếu nhi tỉnh Thừa Thiên - Huế đã phối hợp với các đơn vị liên quan tổ chức Chương trình định hướng nghề nghiệp cho 530 học sinh khối 8, 9 của trường THCS Phú Mỹ và THCS Phú An (huyện Phú Vang).