Trao đổi với VTC New, Thân cho biết “Tbot – Robot tiện ích” được xây dựng từ mạch điều khiển Galileo, Arduino, các module cảm biến. Sản phẩm được thiết kế nhỏ gọn, di chuyển linh hoạt bằng bánh xe và được điều khiển bằng thiết bị smartphone qua sóng Bluetooth.
"Tbot là một robot thông minh, được thiết kế với nhiều tính năng dùng để quản lý nhà cửa. Tbot có thể cảnh báo rò rỉ khí gas, cháy nổ, có khả năng nhận dạng khuôn mặt người, phát hiện chuyển động và cảnh báo trộm đột nhập vào nhà. Ngoài ra, sản phẩm này còn có thể đo các thông số môi trường về ánh sáng, nhiệt độ… và nhất là có thể giao tiếp bằng giọng nói." - Thân cho biết
Nói về sản phẩm độc đáo của học trò, thầy Ngô Trung Hiếu, giáo viên dạy Vật lý, Trường THPT Lê Trung Kiên, cho hay: “Với một học trò ở quê, con nhà nông, nhưng Thân có thể mày mò, sáng tạo ra một sản phẩm độc đáo như thế là cả một quá trình cố gắng. Em đã vận dụng linh hoạt những kiến thức Vật lý được học trong nhà trường và tự mày mò thêm các kiến thức trên internet để cho ra đời một sản phẩm hữu ích. Hy vọng Thân sẽ tiếp tục nghiên cứu thêm các tính năng mới để hoàn thiện sản phẩm, đưa ra thị trường, giúp ích cho nhiều gia đình trong việc quản lý nhà cửa”.
Sản phẩm độc đáo, đa tính năng này đã đạt giải nhất lĩnh vực và giải ba toàn Cuộc thi Khoa học - kỹ thuật dành cho học sinh trung học cấp quốc gia khu vực phía Nam năm học 2015-2016.
Tri thức trực tuyến cho biết, một nam sinh 14 tuổi ở Ấn Độ cũng đã đã quyết tâm chế tạo chiếc máy cho gà ăn để cậu có thêm thời gian học và chơi.
Xuất thân từ gia đình nghèo tại bang Manipur (Ấn Độ), Thiyan Nandalal, 14 tuổi, thường xuyên phải giúp bố mẹ việc nhà sau giờ lên lớp. Cũng như bao bạn bè đồng trang lứa, Nandalal muốn có thời gian học và chơi nhiều hơn. Do đó, bạn ấy đã quyết tâm chế tạo chiếc máy cho gà ăn.
Chỉ bằng những vật liệu phế thải như ống tiêm, thiết bị điện thoại và điện tử, nam sinh lớp 11 của trường Trung học Johnstone đã chế tạo robot có thể phân chia thức ăn theo thời gian được cài đặt mà không cần sự can thiệp của con người.
Hiện tại, cỗ máy của Nandalal vẫn nằm trong phòng thí nghiệm khoa học của trường Trung học Johnstone. Thậm chí, nó còn có thể nắm lấy ly nước giống như cách của con người.
Để làm được điều đó, bạn ấy đã áp dụng hệ thống thủy lực vào trong chế tạo. Robot cũng có thể hoạt động khi cách bộ điều khiển khoảng 6m.
Giám đốc Giáo dục Trường học đã quyết định gửi cho giáo viên của Nadalal 10.000 Rupee (tương đương 155 USD) nhằm khuyến khích cậu hoàn thành công trình này.
Minh Anh (tổng hợp)