"Hội đồng trẻ em" - nơi các bạn nhỏ thể hiện tâm tư, nguyện vọng và ước mơ của mình

Tham gia "Hội đồng trẻ em", nhiều bạn nhỏ có cơ hội đại diện tiếng nói của chúng bạn xung quanh mình, thể hiện tâm tư, nguyện vọng, ước mơ và dần được các cô bác lãnh đạo địa phương "chắp cánh" bằng những quyết sách thực tế.

Đó là một trong những kết quả vừa được đại diện trẻ em, các cấp, các ngành nhìn nhận tại hội nghị tổng kết triển khai thí điểm mô hình “Hội đồng trẻ em”, giai đoạn 2017 – 2020.

Đại biểu Hội đồng trẻ em và các lãnh đạo T.Ư Đoàn, TP. Hồ Chí Minh và các tỉnh, thành Đoàn chụp ảnh lưu niệm tại hội nghị

Ngày 29/1, tại TP. Hồ Chí Minh, Trung ương Đoàn, Hội đồng Đội Trung ương tổ chức hội nghị tổng kết triển khai thí điểm mô hình “Hội đồng trẻ em”, giai đoạn 2017 – 2020.

Anh Nguyễn Ngọc Lương, Bí thư Trung ương Đoàn, Chủ tịch Hội đồng Đội Trung ương; chị Nguyễn Phạm Duy Trang, Trưởng ban Công tác thiếu nhi T.Ư Đoàn, Phó Chủ tịch Thường trực Hội đồng Đội trung ương, chủ trì hội nghị.

Kết quả vượt mục tiêu ban đầu

Chị Nguyễn Phạm Duy Trang, Phó Chủ tịch Thường trực Hội đồng Đội T.Ư cho biết, thực hiện Quyết định số 1235/QĐ-TTg ngày 3/8/2015 của Thủ tướng Chính phủ phê duyệt Chương trình thúc đẩy quyền tham gia của trẻ em vào các vấn đề về trẻ em giai đoạn 2016-2020, T.Ư Đoàn đã giao Hội đồng Đội T.Ư xây dựng và triển khai thí điểm mô hình Hội đồng trẻ em (Hội đồng trẻ em) cấp tỉnh, giai đoạn 2017 – 2020.

Chị Nguyễn Phạm Duy Trang nêu một số kết quả sau chặng đường hơn 3 năm triển khai thí điểm mô hình Hội đồng trẻ em.

Sau 3 năm triển khai, từ 5 mô hình thí điểm ban đầu, đến nay, cả nước đã xây dựng được 14 mô hình Hội đồng trẻ em cấp tỉnh và 17 mô hình Hội đồng trẻ em cấp huyện. Trong đó, 5 địa phương thí điểm thực hiện mô hình này gồm Quảng Ninh, Yên Bái, Bình Định, TP. Hồ Chí Minh, Hà Nội đã đạt được nhiều kết quả tích cực.

Sau khi Hội đồng trẻ em các tỉnh ra mắt và đi vào hoạt động, Ban thường vụ Tỉnh Đoàn, Hội đồng Đội tỉnh và Ban tham vấn đã tư vấn cho Hội đồng trẻ em tổ chức các kỳ họp định kỳ một năm hai lần. Đến nay, Hội đồng trẻ em cấp tỉnh, cấp huyện đã tổ chức được tổng số 68 kỳ họp với hơn 1.000 lượt thiếu nhi tham gia.

Thông qua các kỳ họp, đã có hơn 12.000 ý kiến của các em được tổng hợp từ cơ sở gửi tới các cấp lãnh đạo trong tỉnh, thành. Các ý kiến của các em đã tập trung vào những vấn đề “nóng” xoay quanh môi trường học đường và cuộc sống, như: an toàn trên môi trường mạng; phòng chống xâm hại, bạo lực trẻ em; phòng chống tai nạn thương tích, đuối nước trẻ em; môi trường học tập, phương pháp giáo dục trong nhà trường; vấn đề vui chơi, giải trí trong trường học và địa bàn dân cư; nạn tảo hôn, bỏ học… Cạnh đó, một số tỉnh, thành phố còn làm tốt việc tổ chức cho các thành viên Hội đồng trẻ em tiếp xúc với trẻ em tại địa phương, qua đó nắm bắt, tổng hợp ý kiến, kiến nghị thực tiễn gửi đến các kỳ họp Hội đồng trẻ em.


Đại diện Hội đồng trẻ em tỉnh Bình Định và TP. Hồ Chí Minh, hai bạn Bảo Hân và Tuấn Đạt chia sẻ ý kiến tại hội nghị.

Chia sẻ tại hội nghị, bạn Tuấn Đạt (Phó Chủ tịch Hội đồng trẻ em TP. Hồ Chí Minh) cho biết, từ khi triển khai các hoạt động của Hội đồng trẻ em, các bạn học sinh đã tích cực hợp tác với nhau, qua đó phát huy quyền tham gia của mình. Các bạn đã mạnh dạn thể hiện quan điểm, tiếng nói của mình và đã được các cấp lãnh đạo, Ban giám hiệu nhà trường tạo điều kiện tốt để phát triển.

“Chúng mình có được cơ hội thể hiện góc nhìn của mình trong cuộc sống, đồng thời cũng tham gia giải quyết những vấn đề mà mình nêu ra. Đồng thời, các vấn đề chúng mình quan tâm được giải quyết nhanh chóng, triệt để. Hội đồng trẻ em là cầu nối liên kết chúng mình với các cô chú lãnh đạo, cơ quan chính quyền, hiểu rõ về chúng mình, qua góc nhìn của chúng mình, hướng chúng mình trở thành những người chủ tương lai đất nước”, Tuấn Đạt nói.

Trong khi đó, chia sẻ một số đề xuất, kiến nghị, Bảo Hân (Hội đồng trẻ em tỉnh Bình Định) mong muốn tổ chức Đoàn – Đội đổi mới, đa dạng hơn phương thức tuyên truyền về quyền trẻ em. Mong muốn có hình thức tuyên truyền mới lạ, sáng tạo hơn để các bạn có thể học tập, thu thập được các thông điệp, kiến thức hay. Mặt khác, phát triển các phong trào, cuộc thi về quyền trẻ em, các hoạt động thúc đẩy quyền trẻ em; tổ chức các buổi tập huấn và diễn đàn về quyền trẻ em nhiều hơn nữa.

Bảo Hân cũng cho rằng việc mở rộng mô hình dự thính “Đi họp Hội đồng nhân dân” của huyện và tỉnh sẽ giúp các bạn nhỏ có dịp học hỏi cách trình bày, giải quyết vấn đề của các cô chú để từ đó triển khai tại chính các kỳ họp của Hội đồng trẻ em. Cạnh đó, cần phát triển hộp thư “Điều em muốn nói” để các bạn nói lên những điều “khó nói”, nhạy cảm và được Ban giám hiệu nhà trường kịp thời giải quyết.

“Mình cũng mong muốn Hội đồng trẻ em được triển khai rộng rãi trên toàn quốc để tất cả các bạn trẻ được chia sẻ, nói lên những khát vọng, ước mơ, tâm sự riêng của mình”, Bảo Hân chia sẻ.

Phát biểu tại hội nghị, chị Trần Thu Hà, Phó Bí thư, Chủ tịch Hội đồng Đội TP. Hồ Chí Minh cho biết, từ khi ra mắt mô hình Hội đồng trẻ em vào tháng 6/2017, đến nay đã tổ chức được 6 kỳ họp xoay quanh các chủ đề các bạn nhỏ quan tâm như tình trạng ngập nước, kẹt xe, rác thải ô nhiễm môi trường, phương tiện giao thông công cộng chưa đảm bảo tiêu chuẩn... nhằm xây dựng một cuộc sống an toàn, lành mạnh cho trẻ em trong thế giới công nghệ số. Qua đó đã tiếp nhận được hơn 820 lượt ý kiến từ cơ sở, 550 ý kiến được phát biểu, đề xuất tại các kỳ họp.

Phó Bí thư Thành Đoàn, Chủ tịch Hội đồng Đội TP. Hồ Chí Minh Trần Thu Hà nêu ý kiến tại hội nghị

Cũng theo chị Trần Thu Hà, ngoài các kỳ họp, hằng năm, đại biểu Hội đồng trẻ em TP. Hồ Chí Minh còn gặp gỡ, đối thoại với lãnh đạo thành phố và các sở, ban, ngành để trao đổi ý kiến, nguyện vọng của mình; được tập huấn kỹ năng, tham quan thực tế.

Qua quá trình vận hành thí điểm, mô hình Hội đồng trẻ em tại TP. Hồ Chí Minh đã phát huy tốt vai trò tạo môi trường để trẻ em trao đổi ý kiến, tâm tư nguyện vọng, kiến nghị các vấn đề nhằm giúp các bạn nhỏ phát triển toàn diện; đồng thời là cầu nối giúp lãnh đạo thành phố và các ngành, cơ quan hoạt động trong lĩnh vực trẻ em nắm bắt nhu cầu, nguyện vọng chính đáng của các bạn, tạo sự chuyển biến nhận thức các cấp, các ngành và toàn xã hội về trách nhiệm thực hiện các mục tiêu vì trẻ em. Mặt khác, chính những hoạt động của Hội đồng trẻ em đã góp phần giúp trẻ thể hiện trách nhiệm của công dân nhỏ tuổi đối với thành phố”, chị Hà nhận định.

Chị Lâm Như Quỳnh, Phó Bí thư, Chủ tịch Hội đồng Đội tỉnh Bến Tre chia sẻ ý kiến về quá trình triển khai mô hình Hội đồng trẻ em.

Mô hình đỉnh cao về quyền tham gia của trẻ em

Cô Nguyễn Thị Nga, Phó cục trưởng Cục Trẻ em, Bộ Lao động – Thương binh và Xã hội đánh giá, kết quả triển khai thí điểm mô hình Hội đồng trẻ em đã cho thấy chúng ta vượt xa mục tiêu ban đầu đề ra (mở rộng ra đến 27 quận, huyện), đồng thời nhận được sự đồng hành của nhiều tổ chức.

Cô Nguyễn Thị Nga, Phó cục trưởng Cục Trẻ em, Bộ Lao động – Thương binh và Xã hội

“Có thể nói đây là mô hình đỉnh cao về quyền tham gia của trẻ em, khi các thành viên Hội đồng trẻ em cấp tỉnh đã có thể đại diện cho tiếng nói, nguyện vọng của trẻ em trong quận, huyện mình, thông qua khả năng tổng hợp, phân tích các ý kiến”, bà Nga khẳng định. Vị lãnh đạo Cục Trẻ em cũng mong rằng tới đây khi tiếp tục thực hiện mô hình, các ý kiến gai góc, nhạy cảm có ảnh hưởng đến cấp lãnh đạo sẽ được bảo vệ bí mật đời tư cho trẻ em, đồng thời cũng được phản hồi, giải đáp thỏa đáng.

Phát biểu kết luận hội nghị, anh Nguyễn Ngọc Lương, Bí thư Trung ương Đoàn, Chủ tịch Hội đồng Đội T.Ư ghi nhận, đánh giá cao các ý kiến đóng góp, kiến nghị đa dạng từ các đại diện trẻ em. Anh Lương cho rằng các đề xuất, kiến nghị sẽ được tiếp thu để từng bước chăm lo cho các em được tốt hơn.

Anh Nguyễn Ngọc Lương, Bí thư Trung ương Đoàn, Chủ tịch Hội đồng Đội T.Ư phát biểu kết luận hội nghị.

Anh Nguyễn Ngọc Lương khẳng định, việc xây dựng điểm mô hình là chủ trương đúng, trúng và phát huy hiệu quả trên thực tế. Theo đó, đến nay đã có 14 mô hình cấp tỉnh, vượt gần 3 lần so với mục tiêu đề ra ban đầu. Với tinh thần làm việc sôi nổi của thanh niên dưới sự hỗ trợ của các bộ ban ngành, chúng ta đã triển khai được nhiều mô hình hiệu quả trên thực tế.

“Dù là mô hình mới, khó, nhưng đã được các tỉnh, thành nỗ lực thực hiện, vừa làm vừa rút kinh nghiệm, từ mô hình nhỏ phát triển dần lên. Hoạt động không ngừng đa dạng, phong phú, thiết thực, xuất hiện nhiều mô hình tốt tại cơ sở, ý kiến thiết thực đã tăng lên, nhiều ý kiến của trẻ cũng được đưa vào nghị quyết của tỉnh; nhiều tỉnh, thành đã ban hành nhiều quyết sách hỗ trợ trẻ em”, Chủ tịch Hội đồng Đội T.Ư Nguyễn Ngọc Lương nói.

Cũng theo anh Nguyễn Ngọc Lương, Hội đồng trẻ em là diễn đàn, là nơi thực sự hiệu quả, chính thống để các bạn nhỏ có thể gửi gắm, khơi gợi tốt hơn tiếng nói, nguyện vọng về các vấn đề của các bạn, từ đó giúp chính quyền địa phương đề ra các quyết sách xác thực, chính đáng hơn dành cho trẻ em. Từ mô hình và triển khai thực tế tại cơ sở đã tạo sự quan tâm, tinh thần trách nhiệm của các cấp bộ, ban ngành và chính quyền địa phương, các đơn vị, giúp các cơ quan trung ương và địa phương giải quyết vấn đề một cách chặt chẽ, căn cơ, gọn ghẽ hơn.

“Thông qua sinh hoạt của mô hình, trẻ em được nâng cao kỹ năng, phương pháp, hoàn thiện bản thân. Hội đồng trẻ em chính là môi trường ươm mầm và đạo tào lãnh đạo trẻ cho tương lai, đồng thời giúp các bạn đoàn kết, trao đổi, học tập lẫn nhau”, anh Nguyễn Ngọc Lương đánh giá.

 

Ban Bí thư T.Ư Đoàn, Thường trực Hội đồng Đội T.Ư trao bằng khen ghi nhận những thành tích, đóng góp tích cực của các cá nhân, tập thể trong quá trình thực hiện mô hình Hội đồng trẻ em giai đoạn vừa qua

Để thực hiện tốt hơn hoạt động của mô hình Hội đồng trẻ em trong thời gian tới, Bí thư T.Ư Đoàn Nguyễn Ngọc Lương cho rằng các cấp ủy, chính quyền và chính tổ chức Đoàn – Đội cần nhận thức rõ hơn về vai trò, vị trí, chức năng, nhiệm vụ của mình để phối hợp thực hiện được hiệu quả hơn.

Với những tỉnh, thành đã triển khai Hội đồng trẻ em, cần tiếp tục củng cố, kiện toàn thành viên Hội đồng trẻ em, tập trung vào các nội dung chuyên sâu, chuyên đề, những vấn đề nóng, được trẻ em trên địa bàn quan tâm; đồng thời chuyển giao những mô hình tốt từ cấp tỉnh xuống cơ sở. Còn những tỉnh, thành chưa thành lập Hội đồng trẻ em cần tiếp tục phát huy các mô hình, thiết chế hỗ trợ trẻ em; mặt khác nghiên cứu những mô hình thực sự hiệu quả, phù hợp với địa phương mình để đề xuất thành lập, áp dụng.

Đọc báo điện tử Thiếu niên Tiền phong và Nhi đồng nhanh chóng, thuận tiện và an toàn hơn trên các thiết bị di động với Ứng dụng TNTP&NĐ Online

Tải ngay ứng dụng TNTP&NĐ Online TẠI ĐÂY

Bạn đang đọc bài viết "Hội đồng trẻ em" - nơi các bạn nhỏ thể hiện tâm tư, nguyện vọng và ước mơ của mình tại chuyên mục Trường Lớp của Báo Thiếu niên Tiền phong và Nhi đồng. Mọi thông tin góp ý và chia sẻ, xin vui lòng gửi về hòm thư banbientap@thieunien.vn.

Bài liên quan

Bài Trường Lớp khác

Rộn ràng ngày hội STEM “Những nhà phát minh tương lai”

Các bạn học sinh của trường THCS Phan Tây Hồ (quận Gò Vấp, TP. Hồ Chí Minh) vừa tưng bừng tham gia Ngày hội giáo dục STEM “Những nhà phát minh tương lai” lần thứ 4 và Ngày hội Toán học lần thứ 1 năm học 2023 – 2024 ngay tại ngôi trường thân yêu của mình.

Học sinh Hà Nội khám phá môi trường học tập mới

Năm học 2023-2024 sắp kết thúc là thời điểm các bậc phụ huynh tìm hiểu và lựa chọn môi trường học tập mới cho con. Nắm được nhu cầu này, trường Đa Trí Tuệ (quận Cầu Giấy, TP. Hà Nội) đã tổ chức tham quan môi trường học tập cho cha mẹ và con. Để từ đó, phụ huynh đưa ra quyết định chọn trường phù hợp.