Tham dự chương trình có ông Nguyễn Minh Nhựt - Vụ trưởng Vụ Văn hóa, Văn nghệ, Ban Tuyên giáo T.Ư; GS.TS Nguyễn Thế Kỷ - nguyên Ủy viên T.Ư Đảng - Chủ tịch Hội đồng Lý luận, phê bình văn học nghệ thuật T.Ư; ông Trần Hướng Dương - Phó Cục trưởng Cục Nghệ thuật biểu diễn - Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch; ông Nguyễn Quang Thiều - Chủ tịch Hội Nhà văn Việt Nam; ông Trần Đăng Khoa - Phó Chủ tịch Hội Nhà văn Việt Nam; cùng các nhà văn, nhà thơ là hội viên Hội Nhà văn Việt Nam.
Phát biểu tại Hội nghị, nhà văn Nguyễn Quang Thiều cho biết, trong năm 2023, Hội Nhà văn Việt Nam đã triển khai nhiều hoạt động, nổi bật như: Thực hiện cuốn sách "Một con người, một con đường và một lịch sử: Hồ Chí Minh - Thư gửi nước Mỹ" với tập hợp những bức thư Chủ tịch Hồ Chí Minh gửi nước Mỹ trong 50 năm. Đây là cuốn sách đã được Chủ tịch nước Võ Văn Thưởng tặng Tổng thống Mĩ Joe Biden trong dịp ông đến thăm Việt Nam. Hiện nay Hội Nhà văn Việt Nam đang liên hệ với các nhà xuất bản nhằm ấn hành, lan tỏa cuốn sách đến đông đảo độc giả.
Hội đã tiếp tục tổ chức Ngày thơ Việt Nam sau 3 năm phải dừng lại bởi dịch bệnh COVID-19. Hoạt động được diễn ra tại Hoàng thành Thăng Long nhằm đáp ứng tốt hơn nhu cầu của người yêu thơ. Bên cạnh đó, Hội Nhà văn Việt Nam đã triển khai tặng hơn 7 vạn cuốn sách đến trẻ em ở miền núi, vùng sâu, vùng xa và biên giới hải đảo như Tây Bắc, Tây Nguyên, Đồng bằng sông Cửu Long. Những cuốn sách đã được trao tận tay các bạn thiếu nhiếu nhi với mong muốn, chỉ cần đọc 1 trang sách mỗi ngày, các bạn có thể hình thành niềm yêu thích và thói quen đọc sách. Đây là một trong những hoạt động nhằm "chấn hưng văn hóa" trong thời đại mới.
Hội Nhà văn Việt Nam đã thực hiện cuộc thi viết sách dành cho thiếu nhi, trong đợt đầu tiên đã có trên 300 cuốn sách và bản thảo gửi về. Hội đã trao giải thưởng cho 30 tác giả có sách hay, trong đó có những tác giả lần đầu dự thi.
Trong năm, Hội đã tổ chức Hội nghị Nhà văn lão thành trên 70 tuổi tại TP. Hải Phòng với mục đích tôn vinh những nhà văn, nhà thơ đã hiến dâng cuộc đời, sự nghiệp văn chương cho đất nước, cho hòa bình, độc lập của dân tộc. Hoạt động này đã nhận được sự ủng hộ của Đảng, Nhà nước và các nhà văn qua nhiều thế hệ.
Năm 2023, Hội Nhà văn Việt Nam đã tổ các Hội nghị Công tác văn học tại Đồng bằng sông Cửu Long, Miền Trung và Tây Nguyên để lắng nghe những ý kiến của các nhà văn, nhà thơ về công tác hoạt động của Hội. Mặt khác, ngân sách của Hội đã được dành 100% để đầu tư cho những nhà văn, nhà thơ miền núi, vùng sâu, vùng xa; người lớn tuổi có đóng góp cho sự nghiệp văn học nước nhà; nhà văn, nhà thơ khuyết tật,...
Nhà văn Nguyễn Quang Thiều nhấn mạnh, hầu hết hoạt động của Hội Nhà văn Việt Nam trong năm 2023 được huy động từ các nguồn xã hội hóa, tài trợ từ các doanh nghiệp. Đây là xu hướng tổ chức hoạt động của các hội trong giai đoạn hiện nay.
Với những thành tích đã đạt được trong năm qua, Hội Nhà văn Việt Nam đã vinh dự được Ban Tuyên giáo T.Ư trao Bằng khen.
Tại Hội nghị, Hội Nhà văn Việt Nam đã kết nạp 66 hội viên mới. Đây là những nhà văn, nhà thơ có nhiều đóng góp cho nền văn học nước nhà, được lựa chọn từ hơn 900 hồ sơ đăng ký gia nhập Hội.
Nhà văn, nhà báo Nguyễn Phan Khuê, đại diện cho những hội viên mới phát biểu tại Hội nghị: "Tôi rất vinh dự và tự hào khi được đại diện cho những hội viên mới được kết nạp vào Hội Nhà văn Việt Nam. Lời đầu tiên tôi muốn nói, đó là sự biết ơn với những nhà văn, nhà thơ, những bậc tiền bối đã đặt nền móng xây dựng nên một nền văn hóa Việt Nam với nhiều những thành tựu rực rỡ. Tôi xin cám ơn nhà văn Nguyễn Quang Thiều - Chủ tịch Hội Nhà văn Việt Nam và các đồng chí trong Ban Lãnh đạo Hội Nhà văn Việt Nam đã đặt niềm tin vào những hội viên mới có mặt tại đây. Tôi cũng xin cảm ơn gia đình, đồng nghiệp, bạn bè trong nhiều năm qua đã luôn cổ vũ chúng tôi để chúng tôi vượt qua những khó khăn, gian khổ để quyết tâm theo con đường văn chương đã lựa chọn".
Nhà văn, nhà báo Nguyễn Phan Khuê đã dành lời cám ơn đến người cha là nhà văn, nhà thơ Nguyễn Phan Hách, người đã dắt ông vào "cánh đồng chữ nghĩa" từ hơn 40 năm trước khi còn là một cậu học trò.
"Chúng tôi những nhà văn, nhà thơ thấy mình phải có trách nhiệm, phải tự khẳng định được mình để xứng đáng với sự tin tưởng của những bậc tiền bối đi trước. Nói như nhà văn Nguyễn Quang Thiều là chúng tôi phải biết tự soi mình để có những đóng góp cho nền văn học nước nhà. Chúng tôi ý thức được điều đó và mong những nhà văn, nhà thơ đi trước tiếp tục cổ vũ, chỉ bảo để chúng tôi được sống, được sáng tạo trong một thế giới văn học đầy đủ. Chúng tôi nguyện cùng với lãnh đạo Hội Nhà văn Việt Nam góp sức nhỏ của mình để cùng xây dựng tổ chức Hội ngày càng vững mạnh, là nơi quy tụ những nhà văn, nhà thơ xuất sắc và tâm huyết", nhà văn, nhà báo Nguyễn Phan Khuê nói.
Bước vào năm mới 2024, Hội Nhà văn Việt Nam bước vào công tác chuẩn bị cho hoạt động Kỷ niệm 50 năm giải phóng miền Nam, thống nhất đất nước (30/4/1975-30/4/2025); Đại hội Hội Nhà văn lần thứ XI năm 2025. Năm 2024, Hội tiếp tục tổ chức Ngày thơ Việt Nam với chủ đề "Bản hòa âm đất nước" với sự tham dự của các nhà thơ tiêu biểu trong 54 dân tộc anh em trên mảnh đất hình chữ S.
Hội tiếp tục triển khai chương trình tặng sách cho thiếu nhi, dự kiến sẽ in 3 vạn cuốn sách mới cho em miền núi, vùng sâu, vùng xa; triển khai Đại hội Văn hóa toàn Quốc nhằm triển khai những quan điểm, định hướng, nhiệm vụ của Đảng và Nhà nước về văn hóa, văn nghệ.