Khi bạn bị viêm họng, nên và không nên ăn gì?

Thúy Quỳnh
Đối với những bạn nhỏ đang bị viêm họng và điều đó ảnh hưởng lớn đến việc học tập của các bạn, vậy thì các bạn nên và không nên ăn gì để có thể phòng chống bệnh một cách tốt nhất?

Viêm họng thường do lạnh và virus cúm gây ra. Ngoài can thiệp thuốc men và các biện pháp điều trị y tế khác, chế độ ăn uống cũng góp phần quan trọng trong quá trình hồi phục bệnh viêm họng. Một chế độ ăn uống phòng và chữa viêm họng nên bao gồm các loại thực phẩm làm dịu và giúp chữa lành các thương tổn vùng họng - và kiêng các loại thực phẩm gây kích ứng họng hoặc khó nuốt.

Thực phẩm nên dùng đối với các bạn nhỏ bị viêm họng

Mật ong là thực phẩm làm dịu viêm và đau họng. Mật ong cũng có tính chất kháng khuẩn, giúp chữa lành viêm họng. Nên nhấm nháp nước chanh hoặc trà trộn với một thìa mật ong, ngậm trong miệng và nuốt từ từ để làm dịu cổ họng. Khi bị viêm họng, nên ăn các loại thực phẩm mềm và dễ nuốt, như chuối, táo, sữa chua và sữa trứng, ngũ cốc nấu chín, súp và nước canh.

Trong các loại thực phẩm, súp gà hoặc canh gà đã được coi là một phương thuốc hiệu quả trị bệnh viêm họng, làm giảm các triệu chứng cảm lạnh và cảm cúm. Các nhà nghiên cứu ở Trung tâm Y tế Nebraska, Ấn Độ đã đưa súp gà vào thử nghiệm và họ phát hiện ra súp gà hoặc canh gà có thể làm giảm các triệu chứng cảm lạnh, cúm, và viêm họng.

Các thành phần trong món súp gà hoặc canh gà có tác dụng chống viêm nhẹ và hơi nước từ một bát súp gà giúp làm giảm sưng nề và hạn chế thời gian virus tiếp xúc với màng nhầy niêm mạc họng. Hơn nữa, trong súp gà hoặc canh gà còn có nhiều thành phần giàu chất dinh dưỡng như cà rốt, hành tây, cần tây, củ cải, khoai lang và tỏi, tất cả đều có thể có khả năng chữa bệnh viêm họng.

Thực phẩm cần tránh khi các bạn nhỏ bị viêm họng

Khi bị viêm họng, nên loại trừ những loại thực phẩm cứng, giòn hoặc gây kích thích cổ họng. Thực phẩm cần tránh gồm có bánh mì nướng, bánh quy giòn, bánh quy, ngũ cốc khô, các loại hạt, rau sống, thức ăn chiên hoặc nướng như gà rán, gà nướng và thức ăn cay như cà ri.

Tránh ăn vặt và dùng nước ngọt có đường vì có thể làm giảm khả năng miễn dịch.

Những triệu chứng của bệnh viêm họng

Bệnh viêm họng ở trẻ thường khởi phát đột ngột với biểu hiện hắt hơi, môi khô, lưỡi trắng, đau nhức toàn thân, lừ đừ.

Từ 1-2 ngày tiếp theo, trẻ sẽ bị nghẹt mũi, chảy nước mũi trong và loãng, cổ họng sưng đau kèm sốt cao 39-40 độ C gây hiện tượng ớn lạnh, nhức đầu, đau mỏi thân mình dẫn đến tình trạng bỏ ăn, ho khan khàn tiếng.

Bên cạnh đó, khám họng thấy có mủ trắng bẩn ở khe, amiđan sưng to và đỏ. Sờ thấy hạch dưới hàm cả hai bên, di động, ấn đau.

Những điều cần chú ý khi chăm sóc trẻ bị viêm họng

Nên cho bé súc miệng hằng ngày với nước muối pha loãng 0.9%, cho bé uống thêm dung dịch oresol cam để bù nước và chất điện giải. Cụ thể:

- Trẻ sơ sinh dùng 50ml/lần, một ngày 2-3 lần.

- Trẻ từ 2-6 tuổi dùng 100ml/lần, mỗi ngày 2-3 lần.

- Trẻ trẻ từ 6-12 tuổi dùng 150ml/lần, mỗi ngày 2-3 lần.

Minh Phương (tổng hợp)

Đọc báo điện tử Thiếu niên Tiền phong và Nhi đồng nhanh chóng, thuận tiện và an toàn hơn trên các thiết bị di động với Ứng dụng TNTP&NĐ Online

Tải ngay ứng dụng TNTP&NĐ Online TẠI ĐÂY

Bạn đang đọc bài viết Khi bạn bị viêm họng, nên và không nên ăn gì? tại chuyên mục Tư Vấn - Chia Sẻ của Báo Thiếu niên Tiền phong và Nhi đồng. Mọi thông tin góp ý và chia sẻ, xin vui lòng gửi về hòm thư banbientap@thieunien.vn.

Bài liên quan

Bài Tư Vấn - Chia Sẻ khác

Bài tập mắt cho người cận thị

Thực hiện đều đặn các bài tập cận thị giúp lưu thông máu tốt hơn, tăng cường cử động nhãn cầu, thư giãn mắt, giảm nhức mỏi và hạn chế sự tiến triển của cận thị.