Tiến sĩ Khuất Quang Sơn, giảng viên hóa học, Đại học Phòng cháy Chữa cháy (Hà Nội), cho biết trong đám cháy có rất nhiều loại khí độc sinh ra từ khói như CO, CO2, C2H3CHO, HCHO, HCl... Trong đó, nồng độ CO, CO2 gia tăng và nồng độ O2 giảm là nguyên nhân chính khiến nạn nhân tử vong bởi nguyên nhân độc, ngạt khí.
"Mỗi đám cháy tạo ra nhiều loại khói độc riêng tùy thuộc các vật liệu độc hại có tại hiện trường", bác sĩ Nguyễn Thái Ngọc Minh, Khoa Hồi sức Cấp cứu, Bệnh viện Bỏng Quốc gia Lê Hữu Trác, cũng giải thích. Chẳng hạn, vải, quần áo, chăn màn cháy có thể tạo ra khí hydrogen chloride, phosphagen; xăm, lốp xe, đồ dân dụng cháy hình thành khí sulfur dioxide; vật dụng trong bếp tạo khí hydrogen cyanide, amonia, hydrogen sulphide. Tuy nhiên, khi đốt cháy, hầu như tất cả vật liệu đều tạo ra khí độc phổ biến nhất là CO, CO2.
CO là một loại khí độc không màu, không mùi, không vị nhưng rất nguy hiểm. Ban đầu, khí CO không gây khó chịu nên rất khó phát hiện. Khí độc này thường gây các triệu chứng thần kinh. Ở mức độ nhẹ, việc nhiễm độc có thể gây cảm giác đau đầu, buồn nôn, nôn ói. Mức độ cao hơn nữa là tình trạng khó tập trung, hoa mắt, lờ mờ, lú lẫn. Nếu không ra khỏi vùng khí độc, nạn nhân có thể khó thở, đau ngực, hôn mê, ức chế thần kinh trung ương gây ngưng thở.
Ngoài ra, khí CO còn ngấm vào máu, chiếm chỗ của khí oxy để gắn vào hồng cầu, khiến máu đến mô bị thiếu oxy, từ đó gây tổn thương các cơ quan như hủy cơ, suy thận, gan... "Lúc này, bệnh nhân bị bỏng kết hợp hít phải khí độc, nguy cơ tử vong lên đến 90%", bác sĩ nói.
Trong không gian kín, cái chết do ngộ độc khí diễn ra nhanh hơn, chỉ trong vài phút, theo các bác sĩ. Nguyên nhân là khí oxy cạn nhanh hơn, trong khi khí CO, CO2 tăng nhanh. Theo đó, nồng độ CO trên 0,01% bắt đầu gây độc; đạt 1,28% sẽ khiến nạn nhân tử vong trong chưa đầy ba phút.
Hiệp hội Chống Hỏa hoạn Quốc gia Mỹ cảnh báo khói trong đám cháy gây chết người do các hạt nhỏ không bị đốt cháy, bị đốt cháy một phần hoặc hoàn toàn rất nhỏ đến mức vượt qua bộ lọc của hệ hô hấp để tới phổi. Một số hạt rất độc trong khi những loại khác gây khó chịu cho mắt và hệ tiêu hóa. Các loại hơi giống sương mù đầu độc cơ thể nếu được hít hoặc thấm qua da.
Ngoài ra, hydro xyanua xuất hiện khi nhựa bị đốt cản trở tế bào hô hấp. Đồ gia dụng sử dụng vật liệu vinyl nếu cháy sinh ra phosgene - khí này ở mức độ thấp gây ngứa mắt, viêm họng, còn ở mức độ cao gây sưng phổi, tử vong.
Bác sĩ khuyến cáo khi có hỏa hoạn, cần loại trừ tiếp xúc với tác nhân gây bỏng càng sớm càng tốt, như đưa nạn nhân ra khỏi đám cháy, cởi hoặc cắt bỏ quần áo bị cháy hay thấm đẫm nước sôi. Tháo nhẫn hoặc đồng hồ trước khi phần bỏng sưng nề. Sau đó, đặt nạn nhân nơi an toàn, thoáng, cao ráo để có thể thực hiện cứu chữa sơ bộ ban đầu hiệu quả.
Người đang ở trong đám cháy nên dùng khăn thấm nước che kín miệng và mũi lọc không khí khi hít thở. Tuyệt đối không trốn trong không gian kín, bởi nguy cơ ngạt khí cao và khiến tử vong nhanh hơn.
Trường hợp bị bỏng, nạn nhân cần được ngâm rửa bằng nước mát càng sớm càng tốt, tốt nhất trong 30-60 phút sau khi bỏng. Che phủ vùng bỏng bằng vật liệu sạch như gạc y tế, khăn mặt, khăn tay, vải màn sạch. Không bôi bất kỳ chất gì vào vùng bỏng khi chưa rửa sạch. Sau đó nhanh chóng vận chuyển nạn nhân tới cơ sở y tế gần nhất.
Trường hợp bỏng kết hợp với chấn thương, gãy xương, cần cố định tạm thời vùng chấn thương và xương bị gãy trước khi vận chuyển. Trong quá trình tới viện, nếu nạn nhân thở yếu hoặc bất tỉnh, nên hồi sức cấp cứu bằng cách hà hơi thổi ngạt.
(Theo Vnexpress)